Tranh bích họa ở Hà Nội - “Tấm áo mới” nhiều trăn trở

Khánh Thư
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo các chuyên gia, trong nghệ thuật công cộng bích họa chỉ là một phần, nhưng là đóng góp quan trọng bởi giá trị mang lại và có thể thực hiện ở nhiều không gian khác nhau. Với Hà Nội, theo nhà văn, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, “Hà Nội là một đô thị có kiến trúc và không gian phù hợp với loại hình bích họa”, có đủ điều kiện để tạo dấu ấn bằng bích họa…

Tranh bích họa ở Hà Nội - “Tấm áo mới” nhiều trăn trở  - ảnh 1
Con đường gốm sứ- con đường bích họa tiêu biểu của Hà Nội chuyên chở nhiều câu chuyện lịch sử Thăng Long  Ảnh: TT

Hà Nội “khát” những công trình bích họa có giá trị
Họa sĩ Lê Văn Thân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trưởng khoa Mỹ thuật công nghiệp và kiến trúc trường Đại học Hòa Bình nói, ông là người đã đi khắp thế giới, ở mỗi quốc gia lớn ông đi qua đều có những công trình bích họa nổi tiếng, trở thành điểm đến văn hóa của du khách. Ông đã từng chiêm ngưỡng kiệt tác bích họa dài đến 6km ở Mexico. Cũng tại đất nước này, nhiều địa phương hấp dẫn du lịch nhờ những công trình bích họa nổi danh. 

Họa sĩ, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, mặc dù mỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ 20-30% trong câu chuyện nghệ thuật công cộng, nhưng bích họa đã thật sự tạo nên những thay đổi lớn lao đối với các không gian công cộng, đặc biệt là những nơi cần có một sự chuyển mình mang tính đột phá. Đã có rất nhiều mô hình bích họa thành công trên thế giới, không chỉ làm đẹp không gian “chết” mà còn chuyển tải được rất nhiều ý nghĩa khác. 

Họa sĩ Sơn nêu ví dụ như ở một ngôi làng của Hàn Quốc, thanh niên nơi đó lớn lên di cư đi làm ăn xa hết, để lại làng quê vắng bóng tuổi trẻ, nhưng những bức bích họa được kiến tạo mang ý nghĩa giúp làng đẹp hơn đã thu hút thanh niên trở về quê nhà xây dựng và phát triển quê hương. Ở Đức cũng có một ví dụ tương tự đối với một thành phố toàn người già, đời sống rất buồn, các họa sĩ đã cùng nhau tạo nên những không gian bích họa đẹp mắt làm sống động cả thành phố, biến thành điểm du lịch sôi động. Ở Mỹ có một nhà máy lớn tại Boston bị bỏ không, xuống cấp dần thành “không gian chết”, dự án nghệ thuật công cộng Poowoo đã mời các họa sĩ khắp nơi trên thế giới đến vẽ lên tường khiến khu vực này dần dần trở thành địa danh nổi tiếng với các tác phẩm mỹ thuật đẹp mắt, độc đáo. Dự án Poowoo đã thực hiện tới lần thứ 40, rất được giới họa sĩ thế giới quan tâm. Những công trình như vậy đang trở thành những di sản đương đại cho rất nhiều thành phố trên thế giới.

Không phải chỉ có trên thế giới mới có các công trình bích họa thành công, ngay tại Việt Nam, làng bích họa Tam Thanh (Quảng Ngãi) đã biến ngôi làng đơn sơ bên bờ biển trở thành điểm du lịch nhộn nhịp, nhờ đó đời sống người dân được cải thiện. Từ mô hình Tam Thanh, nhiều địa phương khác cũng đã kiến tạo làng bích họa và ít nhiều tạo sức hút nhất định. Đối với Hà Nội, một số không gian bích họa đã được ghi nhận đóng góp lớn cho vẻ đẹp, bản sắc văn hóa của Thủ đô, tiêu biểu như Con đường gốm sứ ven sông Hồng giờ đây đã trở thành vẻ đẹp mang tính biểu tượng của Hà Nội.  

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù hiện Hà Nội đã có đến hàng ngàn mét vuông bích họa làm nên từ sự chung tay lớn của cộng đồng, đặc biệt là các đoàn thể, tổ dân phố, phường xã… với một tinh thần nhiệt huyết cao, nhưng theo các chuyên gia, Hà Nội vẫn rất “khát” các công trình, dự án nghệ thuật công cộng nói chung và bích họa nói riêng. Bởi, Hà Nội còn rất, rất nhiều “không gian chết” là những nơi cũ kỹ khó có cơ hội sửa chữa, những khu vực bị “bỏ quên” biến thành chân rác gây nhếch nhác cho thành phố, các khu đô thị hiện đại mọc lên san sát mỗi ngày… thiếu vắng hình ảnh của mỹ thuật.  

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói, nghệ thuật công cộng luôn giải quyết được rất nhiều vấn đề của một thành phố mà các nước trên thế giới đã công nhận. Một thành phố muốn hấp dẫn được đều dựa vào dấu ấn nghệ thuật, kiến trúc. Bản chất dự án nghệ thuật công cộng, trong đó có bích họa không đơn thuần là mỹ thuật mà là kiến trúc cảnh quan. Theo anh, với Hà Nội hiện tại vẫn còn quá nhiều các không gian cần “đánh thức” theo cách đó. Họa sĩ Lê Văn Thân cũng khẳng định, Hà Nội đang phát triển quá mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển các khu đô thị nhưng lại thiếu trầm trọng các không gian nghệ thuật công cộng, những bức tranh bích họa  tương xứng với sự phát triển. 

“Nhiều năm nay, Hà Nội hướng về phát triển các khu đô thị nhưng lại lãng quên tạo ra những không gian thiên nhiên và văn hóa. Thủ đô của những nước phát triển trên thế giới đều có những không gian như thế. Nó vừa cân bằng sinh thái cho thành phố vừa tạo ra những không gian văn hóa để cân bằng tinh thần sống cho con người. Với hiện trạng xây dựng như Hà Nội hiện nay, chúng ta thật khó có thể thay đổi trong một thời gian ngắn, vì thế Hà Nội cần đi theo hướng xóa những không gian “chết’’ bằng cây xanh và những tác phẩm hội họa, điêu khắc…” - nhà văn, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều nói.

Để bích họa làm đẹp cho Thủ đô
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, người Hà Nội đã có ý thức làm đẹp thành phố của mình bằng nhiều cách, đặc biệt là phong trào vẽ bích họa. Đây là một việc cần được ủng hộ, bởi có những bức bích họa đã làm cho không gian ở một điểm nào đó của Hà Nội trở nên sống động, duyên dáng và lãng mạn. Thế nhưng, có không ít bức bích họa chưa có chất lượng và chưa phù hợp bởi tính tự phát và những người thực hiện chưa chuyên nghiệp. Để bích họa trở thành vẻ đẹp văn hóa, tạo sức thu hút cho du lịch Thủ đô là điều không khó. Thậm chí nếu thực hiện tốt còn giúp khai thác tối đa vẻ đẹp của Hà Nội, đồng thời mang tính giáo dục rất cao cho người dân, thế hệ trẻ. 

Đau đáu với kiến trúc công cộng làm đẹp thành phố, họa sĩ Nguyễn Văn Thân cho rằng vẽ bích họa làm đẹp thành phố là điều cần ủng hộ nhưng đối với Hà Nội cần một sự hòa quyện giữa chủ trương và tính thẩm mỹ trong làm đẹp không gian bằng bích họa. Theo ông, hiện nay ở Hà Nội chỉ có một số công trình như con đường gốm sứ hay phố bích họa Phùng Hưng là công trình mỹ thuật có tính chủ trương rõ ràng, do người có nghề thực hiện. Còn phần lớn là vẽ theo phong trào, mang tính minh họa, thiếu tính thống nhất về chủ trương của khu phố, thành phố... 

Họa sĩ Thân hiến kế, ở mỗi địa danh, khu phố khi vẽ bích họa cần có sự nghiên cứu sâu sắc về chủ đề, nội dung và nên hướng đến những câu chuyện, hình ảnh có liên quan đến lịch sử, con người, đời sống bản địa để tạo ra độ nhận diện cho địa bàn đó. Như vậy vừa có tính chính trị, giáo dục lại vừa đảm bảo thẩm mỹ. Ông cho rằng, giá trị của bích họa ở chỗ không chỉ là làm đẹp mà còn phải hướng đến tính giáo dục cho người ta thêm yêu nơi mình sống, người trẻ lớn lên hiểu hơn lịch sử nơi mình sinh ra và lớn lên, du khách đến là biết được cội nguồn mảnh đất mình đang đứng… 

Ý kiến này của họa sĩ Nguyễn Văn Thân cũng trùng với tinh thần của họa sĩ, giám tuyển mỹ thuật Nguyễn Thế Sơn. Họa sĩ Sơn nói: “Nghệ thuật công cộng cần gợi lại ký ức cộng đồng. Bích họa hay là vẽ thực ra chỉ là chất liệu mà quan trọng hơn cả là câu chuyện phía sau. Tôi nghĩ, bích họa ở Hà Nội đang thiếu câu chuyện hay. Mỗi tác phẩm nên phải mang lại câu chuyện, giá trị hay”. 

Nhấn mạnh thêm về mong muốn bích họa Hà Nội cần có chủ trương rõ ràng từ cấp thành phố đến địa phương, nhằm tạo nên những khu vực bích họa thống nhất, giá trị, họa sĩ Nguyễn Văn Thân đóng góp thêm rằng, mỗi khu phố của Hà Nội đều mang những câu chuyện hay để kể, không bao giờ thiếu chuyện kể, nơi nào “bí” quá thì có thể vẽ tranh dân gian Việt Nam. Tranh dân gian là tài sản quý báu của dân tộc, rất hấp dẫn du khách và mang tính giáo dục cao đối với thế hệ trẻ về di sản mỹ thuật của cha ông. Theo ông, Hà Nội nên thực hiện bích họa mẫu ở một vài con phố như phố cổ, khi thành công mới nên nhân rộng phù hợp.  

 “Hà Nội phải có một chiến lược cụ thể để chọn lựa những không gian cho việc đó như một nghệ thuật sắp đặt chứ không làm theo ngẫu hứng. Hãy nghĩ Hà Nội như một phòng trưng bày cho nghệ thuật sắp đặt thì người tổ chức phải biết đặt những tác phẩm bích họa hay điêu khắc ở đâu và như thế nào. Đồng thời, Hà Nội phải huy động được các họa sĩ chuyên nghiệp thực hiện việc này với những nội dung phù hợp, làm hiển lộ vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, con người của Hà Nội và những giấc mơ đẹp của con người. Chỉ khi làm được điều đó thì nghệ thuật bích họa mới thực sự mang lại cho Hà Nội vẻ đẹp của nó. Nếu không chúng ta lại rơi vào một sự xô bồ khác và nó sẽ phản lại những mong muốn của chúng ta” - nhà văn, họa sĩ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định. 

Ngôn ngữ của bích họa không chỉ nằm trên màu vẽ, hình ảnh mà còn mang trong mình rất nhiều thông điệp khác. Đó cũng là lý do những công trình bích họa giá trị luôn thu hút du khách đến tìm hiểu, khám phá những giá trị phía sau nó như khám phá lịch sử, văn hóa bản địa của địa phương. Hy vọng rằng, nếu có chủ trương thống nhất, toàn diện cộng với tâm huyết sẵn có, trong tương lai không xa, “tấm áo mới” của Hà Nội bằng bích họa sẽ là tấm áo đẹp, chứa đựng hồn cốt, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến tạo nên sức hấp dẫn mới mẻ, khẳng định mạnh mẽ hơn sức sáng tạo của một “thành phố sáng tạo”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.