“Tro tàn rực rỡ” tôn vinh những xúc cảm thiêng liêng của phái nữ

Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Phim điện ảnh “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không quá hot đến mức khiến khán giả xôn xao tìm đến rạp. Nhưng là bộ phim mà đã lâu điện ảnh Việt mới có và cần có trong giai đoạn hiện nay, sau 1 năm có quá nhiều phim kém chất lượng.

“Tro tàn rực rỡ” tôn vinh những xúc cảm thiêng liêng của phái nữ - ảnh 1
Cảnh phim “Tro tàn rực rỡ” Ảnh:  NSX

“Tro tàn rực rỡ” lấy phụ nữ và cảm xúc của họ làm trung tâm. Bộ phim được chuyển thể từ hai truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, phim là những bi kịch nối tiếp về thân phận, tình yêu của 3 người phụ nữ với những hoàn cảnh, số phận khác nhau. 

Giữa cái xóm Thơm Rơm buồn hiu, quạnh quẽ, ba người phụ nữ yêu hết mình. Tình yêu của họ rực rỡ, nóng bỏng như lửa cháy. Dẫu đến khi chỉ còn là “tro tàn”, thì vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất, là tàn dư của những điều thiêng liêng không gì có thể thay thế. Khát khao yêu và được yêu của họ lớn hơn tất thảy, hơn cả cái nghèo, hơn cả khoảng cách xa thật xa giữa trái tim ba cô gái và người đàn ông mà họ yêu. Cùng với ba người phụ nữ, ba người đàn ông bên cạnh họ cũng mang những uẩn ức, đổ vỡ trong cảm xúc. Sự đổ vỡ, đau đớn đó của họ được bàn tay người phụ nữ bao dung và vỗ về. Chỉ là, ai sẽ vỗ về những đau thương trong tâm hồn người phụ nữ? 

Không mang một tầm vóc quá hoành tráng, hay những thông điệp đao to búa lớn đến sáo rỗng, phim chinh phục khán giả bởi những xúc cảm nguyên sơ, tinh tế được truyền tải thông qua các khung hình được chăm chút chỉn chu dưới bàn tay người đạo diễn cầu toàn. 

Trở lại màn ảnh rộng sau 10 năm kể từ “Lời nguyền huyết ngải”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thừa nhận, anh gặp nhiều khó khăn khi thực hiện “Tro tàn rực rỡ”. Anh đã dành 2 năm viết kịch bản, cùng 5 năm thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc quay phim. Vị đạo diễn người Hà Nội đã dành nhiều thời gian cùng sinh hoạt với người dân miền Tây để thổi hồn cho tác phẩm một cách gần gũi, sinh động nhất. Cùng với ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, phim là cái nhìn rất “tình” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vào cái “tình” của người phụ nữ, tôn vinh những xúc cảm thiêng liêng của phái nữ. 

Vì sao lại chọn truyện Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lý giải: “Trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có những tình yêu rất đặc biệt. Tôi cảm nhận được sự tích cực của những tình yêu ấy. Đó là bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì có thể làm họ dừng lại”. “Những nhân vật trong đó rất… mạnh và tôi chỉ việc khiến họ sống và hoạt động” - anh nói. 

Đạo diễn “Tro tàn rực rỡ” cũng chia sẻ, anh “đặt cược” với dàn diễn viên lần này và họ khiến anh bất ngờ bởi sự nhiệt tình, tình yêu và sự xả thân cho nhân vật mà họ đảm trách. Juliet Bảo Ngọc Doling (vai Hậu) đã tự về miền Tây học cách bổ củi, lái tắc ráng… trước khi vào phim; Phương Anh Đào (vai Nhàn) sẵn sàng phá bỏ hình tượng, trang điểm cho đen đúa, cùng các bạn diễn tới Cà Mau đi phơi nắng, học cách nấu cơm, làm việc nội trợ... như phụ nữ miền Tây; Quang Tuấn (vai Tam) đã chật vật, bỏ không ít công sức để học làm nghề than tại Cà Mau… để có diễn xuất chân thật nhất. Các diễn viên đã cùng đem đến một “Tro tàn rực rỡ” bình dị, thân thuộc mà ám ảnh. 

Sau khi “chu du” và được trao giải tại quốc tế, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết anh cũng không kỳ vọng doanh thu phim như các phim thị trường, bởi “Tro tàn rực rỡ” có đối tượng khán giả riêng. “Có thể đó là món ăn quá mặn, quá cay hay quá sốc, nhưng thực sự cần thiết, nó là xu hướng xem phim cần được phát triển” - đạo diễn khẳng định. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

Hai mặt của “trào lưu thần tượng” ở Việt Nam

(PNTĐ) - Vừa rồi, fans Việt của “ông hoàng Kpop” G-Dragon được “mát mặt” khi cộng đồng quốc tế khen hâm mộ văn minh trong các hoạt động đón chào, cổ vũ thần tượng biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội. Thực tế, fans Việt được khen nhiều nhưng bị “lắc đầu” vì “lệch chuẩn” cách hâm mộ cũng không ít…
Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

Quảng bá văn hóa Thủ đô: Cho người trẻ một sân khấu

(PNTĐ) - Những di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, của Thủ đô được tái hiện lại theo phong cách sáng tạo, mới lạ, đầy chất trẻ và rất gần gũi với thế hệ gen Z. Điều đặc biệt là, dù được thể hiện bằng hình thức mới, nhưng các bạn trẻ luôn cố gắng giữ được những tinh thần cốt lõi, giá trị lịch sử và chiều sâu văn hóa của di sản. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy văn hóa, lịch sử, di sản không hề rời xa lớp trẻ. Mà đơn giản, là làm sống lại văn hóa truyền thống vì tình yêu Hà Nội.
Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.