Tuổi trẻ Thủ đô - nòng cốt xây dựng văn hóa người Hà Nội

Bài và ảnh: M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhận thức sâu sắc về vai trò tiên phong, tuổi trẻ Thủ đô luôn là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hoá người Hà Nội, thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.

Tuổi trẻ Thủ đô - nòng cốt xây dựng văn hóa người Hà Nội - ảnh 1
Màn trình diễn cồng chiêng của khối thanh niên dân tộc Thủ đô tại Đại hội Đại biểu Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội.

Tiên phong giữ gìn, truyền bá nét đẹp văn hóa
Tại chương trình diễu hành biểu dương lực lượng chào mừng Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024-2029, màn biểu diễn cồng chiêng của Khối Thanh niên dân tộc thuộc Thành phố đã để lại ấn tượng vô cùng độc đáo và đặc sắc.

Một trong những giá trị quý báu của Khối Thanh niên dân tộc đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn Thủ đô chính là sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em, góp phần xây dựng một Hà Nội đa dạng, thống nhất, giàu truyền thống và không ngừng phát triển. Cùng chung tay giữ gìn, truyền bá nét đẹp văn hóa, phong tục của dân tộc mình, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của Hà Nội là nét đẹp đang được thế hệ trẻ - thanh niên Thủ đô gìn giữ và phát huy. 

Bạn Kiều Thị Linh ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất chia sẻ: “Lớn lên cùng với nhạc cụ dân tộc Mường nên tuổi thơ của em được sống trong bầu không khí thấm đẫm âm nhạc truyền thống. Em tự thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa để lan tỏa sắc màu văn hóa của quê hương”.

Là một giáo viên trẻ giảng dạy môn Giáo dục công dân, trong kế hoạch dạy học của mình, cô giáo Đinh Thị Thùy Dung, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Bất Bạt, huyện Ba Vì luôn lồng ghép các nội dung về bản sắc văn hoá, đưa ví dụ thực tế và tạo cơ hội để các em học sinh tự tìm hiểu về phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đồng thời phổ biến đường lối, chủ trương, đặc biệt là các quy định trong việc tham gia hoạt động văn hoá cho học sinh.

Cô giáo Dung cho rằng, thanh niên là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Hiện nay, công nghệ số và truyền thông đang là xu thế của thời đại. Chúng ta có thể lập những kênh TikTok, các fanpage dành riêng cho việc đăng tải những bài viết kèm hình ảnh, đoạn video giới thiệu, quảng bá về nét đẹp văn hóa của các vùng, miền, có cả phụ đề tiếng Anh để có thể góp phần vào việc truyền tải văn hóa dân tộc đến nhiều người trên thế giới.

Với vai trò là Bí thư Đoàn trường, cô giáo Dung đã cùng BCH Đoàn trường phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục và chương trình ngoại khóa như: Sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Bản sắc là hành trang”; tổ chức tham quan trải nghiệm thực tế tại các làng nghề truyền thống, các khu di tích lịch sử; tổ chức các cuộc thi làm bánh chưng, viết thư pháp… Qua đó, giúp học sinh có thể làm tốt và phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Thanh niên là chủ thể xây dựng văn hóa người Hà Nội
Theo Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, thanh niên tham gia phát triển văn hóa bắt nguồn từ việc tổ chức Đoàn cần xây dựng một môi trường văn hóa cho thanh niên học tập, rèn luyện, sinh hoạt và trưởng thành.

Trong đó, xây dựng văn hóa ứng xử cho thanh thiếu nhi với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi; thường xuyên thực hành và lan tỏa những giá trị, hình ảnh đẹp, điều tiết tốt suy nghĩ, hành động, nói lời hay, làm việc tốt, góp phần nhân lên những giá trị mới, tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Các cấp Đoàn cần tiếp tục phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN các cấp triển khai “Đội tự quản 3+” về bảo đảm trật tự và văn minh đô thị, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân.

Thành Đoàn Hà Nội đã vận động nguồn lực xã hội để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa dành cho thanh thiếu nhi, đặc biệt tại các khu chung cư, khu đô thị mới; bảo đảm đến năm 2025, mỗi xã, phường, thị trấn sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới được ít nhất 1 thiết chế văn hóa sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi. 

Tuổi trẻ Thủ đô - nòng cốt xây dựng văn hóa người Hà Nội - ảnh 2
Biểu diễn sân khấu hóa các tác phẩm văn học tại Phố sách Hà Nội nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong thanh, thiếu nhi Thủ đô.

Giải pháp trọng tâm tiếp theo là thanh niên tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, trong đó phát động các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, khích lệ học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, diễn đàn, đối thoại, biểu dương; tôn vinh những đoàn viên, thanh niên có thành tích cao trong học tập, lao động, nghiên cứu khoa học như: “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu”; “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”; “Tuyên dương Thủ khoa xuất sắc”; “Sinh viên 5 tốt”... 

Để xây dựng chuẩn mực văn hóa trong thanh niên, Thành đoàn đã triển khai tốt phong trào “Tôi yêu Hà Nội” trong nhiệm kỳ mới, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Quy tắc ứng xử trên địa bàn Thành phố. 

 Theo Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến, những năm gần đây, Thành Đoàn đã có nhiều phong trào thiết thực, triển khai rộng khắp trong giới trẻ, có thể kể đến như “Tủ điện nở hoa”, “Nhà vệ sinh thân thiện”, “Xây dựng văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi”… Thành Đoàn cũng tiếp tục tuyên truyền 2 Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội; đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội trong việc thực hiện đám cưới nếp sống mới, nếp sống văn minh trong việc tang gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. 

Đội ngũ cán bộ đoàn các cấp luôn gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện, góp phần quan trọng để chất hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội lan tỏa trong đoàn viên, thanh niên. Đặc biệt, việc tổ chức xây dựng văn hóa thanh lịch người Hà Nội trong các trường học rất được quan tâm, chú trọng…

Nhìn rộng hơn, trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, thanh niên Thủ đô chủ động góp sức bằng nhiều việc làm cụ thể, thể hiện tình yêu Hà Nội bằng cách lan tỏa cốt cách thanh lịch, văn minh của người Tràng An. Bằng những việc làm cụ thể, Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội đang làm tốt vai trò định hướng về tư tưởng, nhận thức để giúp thanh niên có tâm thế vững vàng, từng bước tham gia tích cực, chủ động vào quá trình xây dựng nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài cuối: Chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm

Bài cuối: Chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm

(PNTĐ) - Đảng bộ Hà Nội xác định phát triển văn hóa phải được đặt trong tính tổng thể, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, ổn định chính trị, vì sự tiến bộ hạnh phúc của con người, có như thế sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô mới hiệu quả, bền vững.
Bát Tràng được xem xét là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu

Bát Tràng được xem xét là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu

(PNTĐ) - Ngày 21/10, Hội đồng giám khảo quốc tế của Hội đồng Thủ công Thế giới đã có dịp gặp gỡ nhiều nghệ nhân nổi tiếng và thăm quan các di chỉ gốm tại làng Bát Tràng. Qua những trải nghiệm ấy, Hội đồng giám khảo quốc tế, Hội đồng Thủ công thế giới đã xem xét công nhận làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố Thủ công sáng tạo toàn cầu.