Văn hóa đọc ngày nay

Chia sẻ

Hà Nội đất Kinh kỳ - Kẻ chợ, là nơi hội tụ và sáng tạo hàng đầu, chưng cất nên tinh hoa văn hóa của đất nước, trong đó có văn hóa đọc.

Ngày nay việc thúc đẩy, bồi dưỡng phát triển văn hóa đọc càng cần thiết như một yếu tố cơ bản để con người và đất nước Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng bắt kịp với nhịp bước của thời đại, thực hiện thành công sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội (bên phải) và đồng chí Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô trao giải cho tác giả đạt giải cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em lần thứ X năm 2020 do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức	Ảnh: PVĐồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội (bên phải) và đồng chí Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô trao giải cho tác giả đạt giải cuộc thi Viết về cuốn sách yêu thích của em lần thứ X năm 2020 do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức Ảnh: PV

Từ di sản văn hóa đọc của ông cha

Như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt Nam đã biết dùng chữ Trung Hoa rồi cải biến cách phát âm thành âm Hán - Việt để đọc và ghi chép. Tiếp theo đó là sáng tạo ra chữ Nôm thuận lợi hơn để ghi và đọc theo ngôn ngữ của riêng mình. Cao hơn nữa là dùng chữ Quốc ngữ với ký tự La tinh thay cho chữ tượng hình. Tiến trình hình thành chữ viết cho thấy nhu cầu và khát vọng về văn hóa đọc của ông cha ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và chính quá trình đó đã tạo nên bản sắc văn hóa, bản lĩnh tự lực, tự cường cùng sức mạnh chinh phục, cải biến thiên nhiên và xã hội ngàn đời nối tiếp nhau của dân tộc ta.

Cũng qua việc đọc, việc học mà dân tộc Việt Nam rèn giũa thêm tri thức, bản lĩnh để sau hàng ngàn năm bị phương Bắc đô hộ “ta vẫn là ta”. Trưởng thành mạnh mẽ hơn nữa, những lời bất hủ “Nam Quốc sơn hà”, “Bình ngô đại cáo”... đã vang lên khẳng định những cột mốc văn minh, độc lập và xây dựng hòa bình của ông cha từ những thời đại tự chủ, phát triển xa xưa. Đọc người, học người để là mình. Đọc và ghi lại sự việc của từng thời đại để truyền đời cốt cách, kinh nghiệm cho đương thời và cho mai sau. Đó là di sản văn hóa đọc được kế thừa, phát triển trong các thời kỳ cận đại, hiện đại để làm nên những đợt sóng tiếp biến văn hóa ngày càng rộng và sâu hơn cho đến thời đại toàn cầu hóa hiện nay.

Từ một đất nước nghèo đói, lạc hậu trải qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc thực tế có nhiều mặt chúng ta vẫn là người đi sau, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ. Đi sau càng phải học hỏi, càng phải biết cách lựa chọn những điều phù hợp với ta mỗi chặng đường, mỗi bước đi đồng thời phải biết ứng phó với mọi biến động có thể đến. Văn hóa đọc giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển.

ảnh minh họaảnh minh họa

Nhưng văn hóa đọc ngày nay đã đổi thay rất khác xưa, khác hẳn ngay cả với cách đây 10 năm, 20 năm. Bởi sự xuất hiện của internet, tiếp đó là các công nghệ mới của cách mạng 4.0. Phải nói rằng mạng xã hội quá hấp dẫn, đến người không biết đọc mà xem những hình ảnh, nghe những âm thanh mùi mẫn, giật gân hay nghe qua người khác truyền đạt lại thông tin cũng dễ bị lôi cuốn.

Vẫn thấy người người đọc. Đọc trên mạng, đọc qua smartphone, đọc mọi nơi, mọi lúc. Cắm mặt vào đọc. Nhưng đọc gì? Làm sao để giúp người ít học, ít đọc, người nhẹ dạ cả tin và những đứa trẻ thơ có khả năng phân biệt đúng - sai, thật - giả.

Ai có thể giúp chúng ta biết được đúng - sai, thật - giả? Đó là văn hoá đọc mới trên nền tảng cũ. Nền tảng đó là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đọc, vốn tri thức, là sự trợ giúp của những người quanh ta qua trao đổi, kiểm chứng. Nền tảng đó là những phương tiện báo chí, truyền thông chính thống. Văn hóa đọc trang bị cho mọi người sức đề kháng cùng phản ứng chính xác trước những thông tin sai trái, độc hại. Vốn tri thức của nhân loại là một kho tàng khổng lồ và không ngừng mở rộng với cấp số nhân. Những bài học phát triển đúng đắn và sai lầm của các quốc gia đi trước rất bổ ích. Chúng ta đã và vẫn phải tiếp tục học hỏi để tránh những đổ vỡ, chệch hướng đồng thời tìm ra cách làm để phát triển nhanh và bền vững.

Một câu hỏi đặt ra là đọc để làm gì? Đã qua rồi thời của những “con mọt sách”, những người chỉ đọc rồi rung đùi khen “Tiên sư anh Tào Tháo”, hay mơ về thiên đường mờ ảo. Người ta phải đọc để kiếm sống, làm ra của cải, tiền bạc qua chọn lọc những cách làm hay mới, hiệu quả. Người ta phải đọc để làm đẹp tâm hồn và thể chất, tu tâm dưỡng tính để thành người tốt, người có ích, để có hình ảnh riêng mình.

Các độc giả đọc báo Phụ nữ Thủ đôSách báo, tạp chí in và điện tử luôn đem tới cho chúng ta tri thức hệ thống
(Trong ảnh: c
ác độc giả đang đọc báo Phụ nữ Thủ đô-ảnh: P.V)

Ngày nay, nhiều người dựa dẫm vào ông thầy vạn năng Google, bởi “cái gì không biết thì tra Google”. Đó là một phần hữu ích của mạng xã hội, nhưng mạng vẫn bộc lộ những hạn chế bởi tính hệ thống. Chỉ có sách báo, tạp chí in và điện tử mới cho chúng ta tri thức hệ thống, mới cho những lý giải ngọn ngành, mới giúp chúng ta xây dựng tư duy hệ thống, căn bản và bao quát. Ai cũng có thể đọc, nhưng chỉ có người đọc sâu mới hiểu sâu, mới có thể trở nên khác biệt nhờ tích lũy để sáng tạo.

Sự đọc gắn liền với sự học, gắn với thực hành mới có động lực và hiệu quả trong cuộc sống, mới hợp thành văn hóa đọc.

Đến cộng đồng văn hóa đọc Hà Nội

Học sinh trường tiểu học Tam Đồng, Mê Linh trong tiết đọc sách (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19)-P.VHọc sinh trường tiểu học Tam Đồng, Mê Linh trong tiết đọc sách (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19)-P.V

Như đã nói, văn hoá đọc bây giờ quyện với văn hóa nghe - nhìn và có nhiều tầng nấc. Chỉ xin quan sát, suy ngẫm và bàn về sự đọc của “tầng đọc đại chúng” đã thấy những thực tế vô cùng phong phú. Tại sao người Hà Nội dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn giữ được vẻ đẹp “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”? Tại sao những người nông dân Hà Nội đã sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong 100% số xã? Tại sao nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đã bước đầu đơm hoa, kết trái.? Văn hóa đọc đã thấm sâu vào đời sống nhân dân để tạo nên những biến chuyển đó. Những cuốn sách nhỏ giới thiệu hướng dẫn về pháp luật, về khuyến nông, về qui ước văn minh đô thị, văn minh công cộng. Những văn bản, tài liệu, những thông tin kịp thời, thiết thực báo chí đã góp phần tích cực giúp mọi gia đình hiểu rõ nguyên do và cách phòng tránh thiên tai, dịch bệnh. Tri thức giúp người dân bình tĩnh, tự tin để chủ động linh hoạt trong cuộc sống vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển sản xuất.

Một người mẹ cùng con đọc sách tại thư viện Hà  Nội-ảnh H.LMột người mẹ cùng con đọc sách tại thư viện Hà Nội-ảnh H.L

Ngay trong mỗi gia đình, con trẻ của chúng ta qua học và đọc đã có thể giúp bố mẹ, ông bà biết sử dụng điện thoại thông minh, biết nhắc nhở mọi người thực hiện vệ sinh, an toàn giao thông. cũng chính chúng mày mò trên mạng mà biết thêm việc nấu nướng, làm bánh trái, biết chọn mua hàng. Với những người chủ gia đình, qua việc đọc (cùng nghe và xem) mà tự trang bị cho mình kiến thức về luật pháp và kinh nghiệm sống để điều chỉnh ứng xử, tự bảo vệ gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, biết tìm hướng sản xuất, kinh doanh.

Cộng đồng văn hóa đọc đã hình thành nhanh chóng theo nhiều cách sinh động, trong đó cộng đồng mạng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, khu dân cư, các nhóm gắn kết nhà trường và gia đình. Với Hội LHPN Hà Nội, chính là sự chủ động, kiên trì trong tuyên truyền vận động đã góp phần đắc lực giúp chị em và xã hội tiếp cận và thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò tích cực trong cuộc sống gia đình và xã hội. Hàng chục năm qua việc tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật, tìm hiểu truyền thống văn hóa, lịch sử, hay việc kiên trì tổ chức Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em”, viết “Các vấn đề gia đình thời nay” trên báo Phụ nữ Thủ đô đã đến mùa thứ XI, XII là những đóng góp thiết thực.

Các đồng chí lãnh đạo  Hội LHPN Hà Nội, báo Phụ nữ Thủ đô trao tặng sách cho thư viện trường học tại Ba Vì năm 2019Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, báo Phụ nữ Thủ đô trao tặng sách cho thư viện trường học tại Ba Vì năm 2019

Có thể thấy những việc làm đưa sách báo đến với mọi người, nhất là người lao động khu công nghiệp, người dân vùng sâu, vùng xa, chị em tiểu thương, dịch vụ; rồi việc “Báo Hội vượt núi đến với phụ nữ nghèo miền núi, dân tộc thiểu số” nên được phát huy. Và những cuộc thi viết trên báo Phụ nữ Thủ đô cần được tiếp tục, mở rộng hơn nữa. Chúng ta nên khơi gợi, cổ vũ việc đọc, việc viết nhiều hơn nữa, nên cổ vũ, hướng dẫn bạn đọc viết, chụp, lưu giữ và trân trọng những bức ảnh về cuộc sống của chính họ; cần khuyến khích những hình thức xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách xóm giềng, khu dân cư, những CLB đọc sách báo, nghe đài, cổ vũ cha mẹ, ông bà và các con cháu cùng đọc, cùng viết, cùng làm theo những điều hay trên sách báo.

Văn hóa đọc tiếp tục hình thành, gia cố và phát triển trong thời đại công nghệ số từ những tế bào như thế.

NGUYỄN THỊ THU THUỶ

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HỘI LHPN HÀ NỘI

Tin cùng chuyên mục

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

Global Junior Fashion Week 2025 - Lan tỏa thông điệp về thời trang thân thiện với môi trường

(PNTĐ) - Global Junior Fashion Week 2025 - tuần lễ thời trang trẻ em với sự tham gia của các nhà thiết kế đến từ Hà Nội, lan tỏa thông điệp về thời trang bền vững, truyền cảm hứng về trách nhiệm xã hội đến thế hệ trẻ. Mỗi BST, mỗi tiết mục trình diễn là 1 nốt nhạc trong bản giao hưởng của thiên nhiên, mang theo thông điệp về sự sống và niềm hy vọng cho tương lai xanh, tạo nên 1 bản giao hưởng trọn vẹn.
Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

Profile “khủng” của nữ cán bộ ngành khoa học vừa đăng quang Mrs Grand Vietnam 2025

(PNTĐ) -Tối 30/6, đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025 - Mrs Grand Vietnam 2025 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vượt qua 20 thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, Nguyễn Thị Thưa - cán bộ đang công tác tại Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đã xuất sắc giành ngôi vị cao nhất: Hoa hậu Quý bà Hòa bình Việt Nam 2025. Câu nói ấn tượng của Nguyễn Thị Thưa trong phần ứng xử đã chiếm được cảm tình của nhiều người là: Nếu có cơ hội, tôi muốn lan tỏa thông điệp rằng: “Phụ nữ có thể làm được mọi thứ, nếu bạn tin rằng mình xứng đáng”.