Vì sao người Việt có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”?

Chia sẻ

“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” là câu nói đã được người Việt ta lưu truyền trong dân gian từ xa xưa đến tận ngày nay. Câu nói chứa hàm ý phân chia ngày thăm Tết của các gia đình vào các ngày mùng 1 Tết, mùng 2 Tết và mùng 3 Tết, nhằm mong muốn sum vầy cùng cha mẹ, thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn.

Theo quan niệm xưa, ngày mùng 1 là quan trọng nhất. Nó cũng ngày đầu tiên trong năm mới có tính chất tượng trưng cho sự khởi đầu. Vì vậy, mùng 1 Tết cha chính là có ý nhắc nhở hướng về nguồn cội, cúng bái tổ tiên trước sau đó là thăm hỏi gia đình bên nội, cha mẹ.

Sau khi con cháu chúc Tết và nhận lì xì mừng tuổi đầu năm, cả gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu năm, vừa trò chuyện vui vẻ.

Sau khi thăm hỏi chúc Tết gia đình, họ hàng bên nội thì đến bên ngoại. Đó là ý nghĩa của câu nói “Mùng 2 tết mẹ” trong quan niệm xưa.

Cũng với những nghi thức tương tự như ngày mùng 1 bên nhà nội, mọi người sẽ cùng quây quần để ăn bữa cơm năm mới, sau đó cùng nhau đi chúc tết họ hàng, xóm giềng.

Vì sao người Việt có câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”? - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Cuối cùng là “mùng 3 Tết thầy". Sau khi đã hoàn thành đạo hiếu với bố mẹ hai bên nội ngoại thì ngày mùng 3 là ngày để chúc Tết thầy cô- những người có công dạy bảo chúng ta nên người. Ngày "Tết thầy" này được xem như là "ngày Nhà giáo Việt Nam" thời xưa - khi ngày 20/11 chưa chính thức ra đời, là cơ hội để biết bao thế hệ học trò tỏ lòng biết ơn đến những người "đưa đò".

Về tục chúc Tết, nhà nghiên cứu phong tục Toan Ánh trong cuốn Các thú tiêu khiển Việt Nam đã viết: Sáng ngày mồng một Tết, sau khi lễ gia tiên, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ

Bàn về ý nghĩa của câu nói trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cho biết, câu nói nhắc đến 3 nhân vật quan trọng nhất đối với mỗi con người đó là cha, mẹ và thầy cô giáo.

Đồng thời gợi nhắc phong tục đẹp của dân tộc ta, đó là sự biết ơn, kính trọng đối với những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ mỗi chúng ta trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Cha mẹ là những người đã sinh thành, nuôi dưỡng và dạy bảo chúng ta từ khi mới chào đời cho đến khi trưởng thành. Để nói lên công ơn của cha mẹ, ca dao xưa có câu “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha mẹ chính là những người quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi con người.

Do vậy, theo quan niệm của ông cha ta, hai ngày quan trọng nhất trong năm (mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán) phải dành để “Tết cha”, “Tết mẹ”, thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại. Đây là một nét đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta từ xưa đến nay.

Bên cạnh đó, người Việt cũng thường nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên” để nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người. Với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, người Việt luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).

Vì vậy, sau 2 ngày đầu năm “Tết cha”, “Tết mẹ”, ngày mùng 3 Tết, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và ôn lại kỷ niệm xưa đối với những thầy cô giáo cũ.

CÔNG NGỌC

Tin cùng chuyên mục

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

Nữ tác giả một mình đi hơn 100 quốc gia và khát vọng giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam

(PNTĐ) - Nữ tác giả Việt kiều Tina Yuan vừa ra mắt hai tác phẩm song hành về Việt Nam và Hy Lạp tại Hà Nội. Hai cuốn sách nhỏ xinh như những cuốn cẩm nang du lịch bỏ túi chứa đựng rất nhiều tình cảm của Tina Yuan dành cho quê mẹ Việt Nam và đất nước Hy Lạp mà cô yêu mến. Tina Yuan có cuộc gặp gỡ với độc giả Hà Nội giới thiệu về hai cuốn sách đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6), như một lời khẳng định Việt Nam là quê hương là gia đình và Hy Lạp như là gia đình thứ 2 của cô.
Ca sĩ Phương Nga khóc nghẹn khi nhớ đến tuổi thơ cơ cực

Ca sĩ Phương Nga khóc nghẹn khi nhớ đến tuổi thơ cơ cực

(PNTĐ) - Phương Nga - top 4 Sao Mai 2022 dòng nhạc dân gian đã rơi nước mắt khi chia sẻ về cuộc sống khó khăn, bươn chải tuổi thơ ấu của mình trong buổi họp báo ra mắt MV đầu tay “Nơi tuổi thơ con về”. Cô chia sẻ, hoàn cảnh nghèo khó của gia đình ngày nhỏ khiến cô trân trọng và nỗ lực hơn để tìm đến thành công trong sự nghiệp.
Tôn vinh 80 gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2025

Tôn vinh 80 gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2025

(PNTĐ) - Ngày 26/6, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 24 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2025). Tham dự hội nghị có bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Doãn Toản, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận thành uỷ Hà Nội; bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội.