Phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT:

Vinh danh những “nữ tướng” tài ba trong làng nghệ thuật

Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Như tin PNTĐ đã đưa, ngày 6/3/2024 diễn ra lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu cho các NSND và NSƯT tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đáng mừng là trong đợt phong tặng này có nhiều gương mặt nữ nghệ sĩ giàu cống hiến được tôn vinh. Điều này cho thấy vai trò to lớn của nữ giới trong sự nghiệp phát triển lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật của đất nước.

Vinh danh những “nữ tướng” tài ba trong làng nghệ thuật - ảnh 1
Ở tuổi 79, nghệ sĩ Kim Xuyến được trao tặng danh hiệu NSƯT. Ảnh: Nguyễn Hòa

Nhiều nữ nghệ sĩ giàu cống hiến được vinh danh

Được phong tặng danh hiệu cao quý - NSND đợt này có những nữ nghệ sĩ tên tuổi đã gắn bó với nhiều thế hệ khán giả, cống hiến nghệ thuật không ngừng nghỉ, đó là các nghệ sĩ Trần Ly Ly, Phạm Trà My, Trịnh Kim Chi, Thanh Lam, Mai Hoa, Phạm Phương Thảo…Trong đó, có những nghệ sĩ còn đóng vai trò “nữ tướng” trong lĩnh vực của mình. 

NSƯT Trần Ly Ly sinh năm 1978, bắt đầu học múa chuyên nghiệp khi mới 10 tuổi và giành nhiều giải thưởng tài năng múa trẻ toàn quốc. Sau khi đỗ Thủ khoa của Khoa Sáng tác Múa, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Trần Ly Ly nhận được học bổng du học tại Đại học Công nghệ Queensland (Australia). Sau 7 năm học tập và làm việc tại Australia, Pháp, năm 2003, mặc dù có nhiều lời mời làm việc tại nước ngoài nhưng chị vẫn quyết định về nước cống hiến và nhanh chóng trở thành tên tuổi biên đạo múa lừng lẫy của Việt Nam với hàng loạt tác phẩm múa cũng như chương trình gây tiếng vang. Cùng với vai trò biên đạo, Trần Ly Ly cũng liên tục giữ vai trò quan trọng như Phó Hiệu trưởng Trường Múa TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB)… Hiện, chị đang là Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL).

NSƯT Trịnh Kim Chi quen mặt với khán giả Việt không chỉ với vai trò Á hậu Việt Nam 1994 mà còn là một diễn viên với vô số vai diễn thành công cả ở lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, sớm sở hữu chỗ đứng vững chắc trong nghề. Năm 2014, Trịnh Kim Chi là Á hậu duy nhất nhận danh hiệu NSƯT. Với tình yêu sân khấu sâu sắc, năm 2015, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi thành lập sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, giữ vai trò Giám đốc, góp phần làm sôi động đời sống kịch TP Hồ Chí Minh. Với tài năng của mình, năm 2020, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh.

Một “nữ tướng” không thể không nhắc đến trong đợt phong tặng NSND lần này là nghệ sĩ đàn tranh Phạm Trà My - Trưởng bộ môn đàn Tranh tại khoa Âm nhạc Truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Chị là Tiến sĩ đàn tranh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Dàn nhạc Truyền thống Việt Nam, thành viên Dàn nhạc châu Á. Trong suốt quá trình giảng dạy và biểu diễn đàn tranh, Trà My đã dành được nhiều huy chương cũng như giải thưởng tại các kỳ hội diễn, các chương trình liên hoan âm nhạc trong nước và quốc tế, là người truyền cảm hứng đến các sinh viên về tình yêu bộ môn nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật truyền thống Việt. 

Hạnh phúc, vinh dự, đó là cảm xúc chung của các nghệ sĩ - “nữ tướng” khi được phong danh hiệu NSND. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để họ tiếp tục phấn đấu, tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho nền nghệ thuật nước nhà.

 “Danh hiệu NSND là niềm khích lệ, đồng thời tôi cũng cảm thấy mình mang trọng trách lớn hơn, mang niềm đam mê, lan tỏa tình yêu với nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn tranh nói riêng với thế hệ các em trẻ sau này, để nhiều các bạn trẻ sống trong thời hiện đại vẫn giữ tình yêu, ngọn lửa đam mê với âm nhạc dân tộc truyền thống” - nghệ sĩ Phạm Trà My bày tỏ. 

Ghi nhận xứng đáng cho những nữ nghệ sĩ “lão niên” 
Cũng trong đợt vinh danh lần này, ở danh sách phong tặng NSƯT đáng chú ý có hai nghệ sĩ Lê Mai và Kim Xuyến, là nghệ sĩ lớn tuổi, có nhiều cống hiến cùng được phong tặng NSƯT. 

Thông tin nghệ sĩ Lê Mai được phong tặng NSƯT khiến không ít người ngạc nhiên, bởi với tuổi đời và sự cống hiến không biết mệt mỏi của bà, ngỡ rằng bà đã có tên trong danh sách từ lâu... Trước khi bén duyên với phim truyền hình, nghệ sĩ Lê Mai từng có gần 20 năm gắn bó với Đoàn kịch Hà Nội, đảm nhận nhiều vai diễn khác nhau. Sau ba lần sinh nở, sức khỏe bà yếu đi, chỉ còn nặng 34kg. Với lý do mất sức không làm diễn viên được, cơ quan đề nghị bà làm thủ quỹ. Được hai năm thì bà làm đơn xin nghỉ. Đầu những năm 1980, bà về nhà với đồng lương mất sức ít ỏi. 

Tưởng như sự nghiệp dừng lại thì bà được đạo diễn Hà Văn Trọng mời đi đóng phim, vai ăn mày trong phim Đứa con người hàng xóm. Nhờ đóng phim, cuộc sống bớt khó khăn, tinh thần cũng thoải mái hơn trước. Bà tăng được 20kg và thấy vui khi thỉnh thoảng được mời đi làm phim cho đỡ nhớ nghề. Nhắc đến nghệ sĩ Lê Mai, khán giả vẫn nhớ vai diễn của bà trong: Bà nội không thích ăn Pizza, Nếp nhà…

Nghệ sĩ Kim Xuyến vào nghề năm 17 tuổi, cách đây hơn 60 năm, khi đất nước còn chiến tranh. “Phải yêu nghề lắm mới theo được vì hồi đó nghề diễn vẫn chưa được coi trọng. Tới khi Đảng và Nhà nước nói nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, chúng tôi mới có dịp được biểu diễn phục vụ các chiến sĩ. Hôm sau ra trận, hôm trước xem chúng tôi biểu diễn là các chiến sĩ khí thế hừng hực, phấn chấn lắm. Câu nói đó cũng là kim chỉ nam để chúng tôi phấn đấu” - nghệ sĩ Kim Xuyến nhớ lại. 

Nghệ sĩ Kim Xuyến chia sẻ, bà nhận Huân chương Kháng chiến hạng 3, nghệ sĩ Lê Mai nhận Huân chương Kháng chiến hạng 2. Tuy nhiên, hai nghệ sĩ không có Huy chương biểu diễn nên cũng có những thiệt thòi để đủ tiêu chuẩn được phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND. 

Cả nghệ sĩ Kim Xuyến và Lê Mai đều cho biết rất cảm động khi được vinh danh NSƯT lần này. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước mà họ vô cùng trân trọng. 

Nghệ sĩ Kim Xuyến, Lê Mai và nhiều nữ nghệ sĩ khác trong đợt phong tặng này cũng đều cho thấy sự cống hiến không mệt mỏi của họ suốt những năm qua. Họ là những tấm gương cho thế hệ sau noi theo, cùng hết lòng vì sự phát triển của nền văn hoá nghệ thuật Việt.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

Thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025

(PNTĐ) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và công tác phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Văn hóa và Thể thao năm 2025.
Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

Nghệ sĩ Xẩm Mai Tuyết Hoa: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm huyết gìn giữ nghệ thuật truyền thống”

(PNTĐ) - Nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa kể, chị đã có 2 dịp được gặp gỡ trực tiếp cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hai lần gặp đều để lại nhiều ấn tượng trong chị về một lãnh đạo đứng đầu đất nước phong thái toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng nhưng rất giản dị, gần gũi, thân tình…
Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

Bài cuối: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung sức phát triển, bảo tồn nghề truyền thống

(PNTĐ) - Dù không phải nghệ nhân, cũng không trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề truyền thống, nhưng mỗi cán bộ thuộc Đảng ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận Tây Hồ luôn đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với nhân dân; đau đáu đi tìm giải pháp và cách thức làm sao để nghề truyền thống vừa được bảo tồn, lại phát huy được tối đa tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng.
Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

Bài 2: Thế hệ trẻ chung tay lan tỏa giá trị làng nghề

(PNTĐ) - Không chỉ có nghề ướp trà sen truyền thống nức tiếng gần xa, theo Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, quận Tây Hồ hiện có 5 làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề trồng Đào Nhật Tân, Xôi Phú Thượng, Quất cảnh Tứ Liên đã được UBND Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống vào các năm 2015, 2017, 2019. Sản phẩm “Trà Sen Quảng An” được công nhận là “Tinh hoa chè Việt”. Tự hào hơn, đầu năm 2024, nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.