Xây dựng các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô

Bài và ảnh: Nguyên Vũ
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ việc nhận diện đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; nhận diện các nguồn lực văn hóa; cần đưa ra những giải pháp để bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị của Thủ đô.

Xây dựng các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô - ảnh 1
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa

Đó là yêu cầu được đặt ra tại hội thảo khoa học do Thành phố Hà Nội chủ trì với chủ đề “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” tổ chức đầu tuần qua tại Hà Nội.

Đã có khoảng 70 tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học; các sở, ban, ngành, quận, huyện; các tỉnh, thành phố, địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô có hàm lượng khoa học cao, giàu tính thực tiễn, đa dạng về cách tiếp cận và nhìn nhận nhiều chiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, về các giá trị và nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư phát triển, bảo tồn giá trị văn hóa. Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”... Thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia “Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO”. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.

Quán triệt và nhận thức sâu sắc, toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, Giáo dục - đào tạo và Văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo khoảng 49.200 tỷ đồng... 

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Hội thảo là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của TƯ Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”; tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do TƯ tổ chức về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17/12/2022 tại Bắc Ninh và 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 27/2/2023 tại Hà Nội.

Năm 2023, Thành phố đang triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

Nhận diện nguồn tài nguyên văn hóa Hà Nội 
Theo PGS. TS Lê Quý Đức - Viện Văn hóa và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Hà Nội là nơi có lợi thế vượt trội về nguồn di sản văn hóa, di tích. Trong đó, có 2.435 di tích được xếp hạng các cấp. Tính đến ngày 24/1/2022, Hà Nội có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.160 di tích quốc gia… Hà Nội còn sở hữu nguồn lực không gian, cảnh quan văn hóa và không gian kiến trúc nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc. Cùng với đó, Hà Nội có nguồn lực lớn về di sản văn hóa phi vật thể cũng như nguồn lực về con người.

Xây dựng các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô - ảnh 2
Tour đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước .

Nhìn nhận văn hóa từ góc nhìn phát triển đô thị, GS.TS Trương Quang Hải cho rằng, Hà Nội là thành phố có sông Hồng chảy qua, có hệ thống giao thông phát triển, có nhiều di tích ven sông... Với điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình thuận lợi, Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, kết tinh, lan tỏa văn hóa của cả nước.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định: Đô thị hóa là quá trình tất yếu và khách quan, song để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một trong các yếu tố quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị, tạo lập bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị.

Để thực hiện định hướng và yêu cầu này, TP Hà Nội cần nhận diện quỹ di sản để có giải pháp tạo hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là với các khu vực cải tạo, tái thiết khu vực phát triển đô thị. Bên cạnh đó, Thành phố cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong khu vực di sản khi lập quy hoạch; bổ sung và hoàn thiện từng bước cơ sở pháp lý liên quan đến bảo tồn di sản trong quy hoạch Thủ đô”.

Ông Nghiêm nêu quan điểm: “Theo tôi, trong việc xây dựng Luật Thủ đô tới đây, các di sản vật thể của Hà Nội cần phải được nhận diện, quy hoạch lại một cách rõ ràng, từ đó có chiến lược giữ gìn, phát huy những di sản này một cách tốt hơn, góp phần xây dựng văn hóa Hà Nội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội”. 

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội gợi ý một số vấn đề để phát triển văn hóa Thủ đô như: Tiếp tục việc xây dựng hoàn thiện, ban hành và triển khai đồng bộ, kiên trì trên toàn TP những quy định, quy ước, quy chế cụ thể liên quan đến văn hiến, văn minh, hiện đại. Nêu cao vai trò gương mẫu về văn hóa của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, tiếp tục cụ thể hóa các đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong hệ thống chính trị, trong mọi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình và mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ "lời nói hay, làm việc tốt, ứng xử đẹp".

Chưa khai thác hết tiềm năng
Ngoài việc đánh giá những lợi thế to lớn về giá trị, nguồn lực văn hóa để Hà Nội phục vụ công cuộc phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế, nhược điểm trong việc xây dựng văn hóa Hà Nội trong thời đại mới.

Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Mặc dù nguồn lực văn hóa ở Thủ đô Hà Nội hiện nay rất giàu có, phong phú, đa dạng nhưng tất cả mới chủ yếu ở dạng tiềm năng. Nếu không chuyển vào kết nối với sáng tạo, sản xuất tạo nên các giá trị thặng dư thì không thể phát huy được vai trò, vị thế của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế tài nguyên thiên nhiên, sông hồ đẹp như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng… tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài: “So với nhiều tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh…, Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế”.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội - bày tỏ, để "chuẩn bị hành trang" cho giai đoạn phát triển mới, Hà Nội cần sớm kiểm đếm tài sản văn hóa của mình theo hướng có sự đánh giá, so sánh để cân nhắc lợi ích cho hiện tại và tương lai. Ông nói: “Trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đô thị hóa nhanh như hiện giờ, chúng ta chưa đạt tới quản lý đô thị. Cũng như trong Nghị quyết của Đảng đã từng nói, đôi lúc chúng ta quan tâm, đầu tư văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Với khối lượng di sản văn hóa đồ sộ, nền tảng Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến… chúng ta đang kỳ vọng và có quyền kỳ vọng. 

Chúng ta nhận diện tổng thể và hiểu được kho tàng văn hóa Hà Nội rất lớn, phát triển mạnh hơn nữa cũng chưa tương xứng. Câu chuyện hiện giờ là phải xem kho tàng cụ thể là gì, có những gì, dùng vào việc gì? Nhận diện tài sản, di sản ấy có giá trị gì trong hiện tại, tương lai để biến nó thành nguồn lực nội sinh phát triển Hà Nội và đất nước, đó mới là điều quan trọng”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục