Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật:Còn nhiều trăn trở

Bài và ảnh: THẢO MỘC
Chia sẻ

(PNTĐ) -128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022, trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được phong tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Lễ trao tặng dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12/2022 tại Hà Nội.

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật:Còn nhiều trăn trở - ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2022

Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao cho những tên tuổi lớn trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sỹ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Qua các lần trao giải, những giải thưởng cao quý này đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm, cụm tác phẩm của các tác giả, những tên tuổi đã có nhiều cống hiến. 

Theo Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, năm nay có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, họ đều là những tên tuổi lớn trong nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Những ngày qua, dư luận hài lòng khi các tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh dịp này như: Nhạc sĩ Văn Ký (Vũ Văn Ký) với các tác phẩm: Giao hưởng thơ “Ru con”, hành khúc “Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, “Hà Nội mùa xuân”; tác giả Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước) với thiết kế mẫu "Huân chương" - Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập; Huân chương Lao động; thiết kế mẫu Quốc huy Việt Nam và tác phẩm “Khu gang thép Thái Nguyên”; tác giả Hoàng Châu Ký với tác phẩm sách “Tuồng cổ”, kịch bản sân khấu “Thanh gươm chủ chiến”, kịch bản sân khấu “Trần Quý Cáp”… 

Bên cạnh đó, trong số 25 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật tiêu biểu có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với cụm tác phẩm: Truyện ngắn “Tướng về hưu”, tập truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát”; NSƯT Lý Thái Bảo với cụm tác phẩm: Phim truyện điện ảnh: "Trên vĩ tuyến 17" (đồng đạo diễn), phim tài liệu 2 tập: "Những chặng đường cách mạng vẻ vang" (biên kịch và đạo diễn)…Với những người yêu mến văn Nguyễn Huy Thiệp, đây thực sự là một tin vui. Bởi, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cùng những giá trị mang lại, từ lâu đã là một “tượng đài” trong văn học nghệ thuật nước nhà. 

Sẽ tiếp tục lấy ý kiến, điều chỉnh quy định xét tặng Giải thưởng
Tuần qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật (Nghị định 90); Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP (Nghị định 133). Những ý kiến tại Hội nghị đã chỉ ra qua các đợt xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2016, 2021, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét tặng, mỗi đợt xét tặng đều có những thay đổi phù hợp với thực tế, tránh “bỏ sót” các tác phẩm thực sự có giá trị đơn cử như hiện nay đã tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành cơ bản đạt 2/3 trong thành phần Hội đồng, nhưng vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn, trăn trở. 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiến nghị xem xét lại quy định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo ông, quy định tác phẩm đã sử dụng để xét Giải thưởng Nhà nước không được tiếp tục sử dụng để đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh còn bất cập. Ông nêu ví dụ trong lĩnh vực văn học, một nhà văn được xét tặng Giải thưởng Nhà nước hầu hết đã qua thời kỳ sung sức của sáng tạo, thường trên 50 hoặc 60, 70 tuổi. Những thăng hoa, đột phá trong sáng tạo sau giai đoạn này rất hiếm. Do vậy sẽ khó có thể có tác phẩm xuất sắc hơn những tác phẩm đã được đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước. Trong khi, Giải thưởng Hồ Chí Minh là một giải thưởng danh giá, cần là sự ghi nhận cả cuộc đời sáng tác của mỗi tác giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đồng tình quan điểm này: “Nhiều nhạc sĩ phải đến 50-60 tuổi mới được trao Giải thưởng Nhà nước, sau đó họ không còn đủ quỹ thời gian để có thể có tác phẩm đỉnh cao. Do vậy khó có thể từ sau Giải thưởng Nhà nước đến Giải thưởng Hồ Chí Minh, tác giả khó có thể sáng tạo tác phẩm xuất sắc”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả xét tặng các Giải thưởng cần có cơ chế lấy ý kiến phản hồi công chúng, từ đó định lượng sức ảnh hưởng của tác phẩm đối với đời sống. 
Trước ý kiến trăn trở của giới chuyên môn, Bộ VHTTDL cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa để có nghiên cứu, tham mưu, sửa đổi Nghị định 90 và Nghị định 133 đạt hiệu quả, hoàn thiện nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục