Xúc động hành trình theo dấu chân Bác bằng âm nhạc

NAM PHONG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tối 17/05, chương trình chính luận nghệ thuật 'Bài ca dâng Bác' do Đài Hà Nội thực hiện kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dư âm xúc động. Chương trình đã tái hiện cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tình cảm yêu mến, tôn kính của muôn triệu đồng bào và nhân dân thế giới dành cho Người, thông qua những thước phim tư liệu đắt giá, những chuyện kể từ nhân chứng lịch sử, qua những ca khúc nổi tiếng viết về Bác…

Đến dự chương trình có các đại biểu: Ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP cùng đại diện các sở, ngành...

Xúc động hành trình theo dấu chân Bác bằng âm nhạc - ảnh 1

Với điểm nhấn là 4 điểm cầu ở Nghệ An, Cao Bằng và Hà Nội gồm: Hang Cốc Bó, suối Lênin (Khu di tích Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng), Làng Hoàng Trù (Khu di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An), Nhà sàn Bác (Khu di tích Phủ Chủ tịch) và Cung Hữu nghị Việt Xô (Thủ đô Hà Nội), là những địa danh lịch sử gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình nghệ thuật chính luận “Bài ca dâng Bác” nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người đã đưa khán giả theo chân Bác đi qua những năm tháng tìm đường cứu nước, đến những chuỗi ngày gian khổ nơi núi rừng Việt Bắc, và ngày trở về gắn bó với Thủ đô Hà Nội. 

Mở đầu với đầu cầu Nghệ An, chương trình đưa người xem về với Hoàng Trù, nơi nơi chôn nhau cắt rốn của Bác Hồ. Tại nếp nhà nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời, chương trình đã giới thiệu cho người xem từng di vật quý giá, giúp người xem hình dung được cuộc sống giản dị mà bình yên của gia đình Bác Hồ ngày ấy. Nếp nhà nhỏ tuy đơn sơ nhưng ấm áp tình làng nghĩa xóm, để từ đó khán giả cảm nhận rõ nét hơn vẻ đẹp của quê hương xứ sở, của những câu dân ca là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn Bác từ thuở còn ấu thơ. 

Xúc động hành trình theo dấu chân Bác bằng âm nhạc - ảnh 2
Điểm cầu Làng Sen (Nghệ An) đưa khán giả về với mái nhà đơn sơ nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời

Bằng những thước phim tài liệu quý giá, chương trình tiếp tục đưa người xem theo dấu chân Bác đến với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Vượt qua rất nhiều khó nhọc, vất vả, chàng trai Nguyễn Tất Thành đến Pháp để trả lời một câu hỏi tại sao một đất nước phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa, khoa học luôn giương cao khẩu hiệu “Tự do- Bình đẳng- Bác ái” lại có thể “đẻ” ra một chế độ thực dân tàn bạo, bóc lột thậm tệ người dân bản xứ thuộc địa đến như vậy?

Nhà sử học Pierre Brocheux, giảng viên Viện Đại học Paris lý giải: “Nguyễn Ái Quốc đến Pháp vì nghĩ rằng tại đây ông sẽ học được những giá trị tự do bình dẳng bác ái, được tiếp xúc với những phong trào chống lại chế độ thuộc địa. Tôi nghĩ đây là điểm quan trọng nắm được con đường chính trị của Nguyễn Ái Quốc tại nước Pháp”.  Cuối cùng, Bác đã gặp được luận cương của V.I Lê Nin, tìm được con đường cứu nước.  

Điểm cầu tại Pắc Bó khiến người xem xúc động khi đưa khán giả đến với hang Cốc Bó- nơi Bác đã chọn để dừng chân, bắt đầu hoạt động cách mạng sau khi trở về nước. Trong những ngày sống và làm việc tại đây, dấu chân Bác đã in khắp chốn này. Từng di tích đều gắn liền với giai đoạn hoạt động của Bác từ năm 1941-1945. Trong hang lạnh ẩm thấp, đời sống sinh hoạt khó khăn nhưng Bác luôn tin tưởng vào tiền đồ cách mạng. Từ nơi đây, Bác đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng, để rồi sau đó ngọn lửa ấy bùng cháy và lan tỏa khắp cả nước, soi sáng cho toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Xúc động hành trình theo dấu chân Bác bằng âm nhạc - ảnh 3
Dòng chữ Bác Hồ đã viết ghi dấu ngày đầu tiên đến hang Cốc Bó sống và bắt đầu hoạt động cách mạng

Không chỉ tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chủ tịch, chương trình cũng đã khắc họa phần nào tính cách giản dị, gần gũi của người cha già dân tộc qua những câu chuyện như về đôi dép cao su, chia sẻ cùng người xem về những khắc khoải của Bác với miền Nam khi đất nước chưa thống nhất… 

Cùng viết nên câu chuyện xúc tích, cảm động về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ trong chương trình “Bài ca dâng Bác” là những ca khúc nổi tiếng viết về Bác. Được biên tập, dàn dựng tinh tế, âm nhạc là sợi dây kết nối và truyền tải nội dung với những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác một cách rõ nét. Khán giả không khỏi bồi hồi khi nghe Thanh Quý hát “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” tại căn nhà Bác đã sinh ra và lớn lên, hay nghe Trịnh Quỳnh Anh hát “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” tại khu di tích Pác Bó… 

Xúc động hành trình theo dấu chân Bác bằng âm nhạc - ảnh 4
Những ca khúc trong chương trình không chỉ tái hiện con người, sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác Hồ mà còn thể hiện tình cảm sâu sắc của muôn triệu người dân Việt Nam và thế giới đối với Bác

Đặc biệt, câu chuyện về ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” của cố nhạc sĩ Ewan Maccol đã góp thêm một tiếng nói khẳng định công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời có tác động lớn mạnh đến khắp thế giới, khiến thế giới ngưỡng mộ. Trước chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu đã khiến cố nhạc sĩ Ewan Maccol xúc động viết nên ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” nổi tiếng.

Vợ nghệ sĩ Ewan Maccol đã chia sẻ rằng, Hồ Chí Minh đã ở trong trái tim, trong suy nghĩ của nhạc sĩ, và có lẽ ở nhiều đất nước nhiều người cũng ước có một vị lãnh tụ như vậy, nên bài hát đã đi vào trái tim và thấm vào tâm trí họ. Những hình ảnh tư liệu về sự yêu mến bài hát của người dân thế giới, cũng là tình cảm đặc biệt họ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến khán giả xem chương trình “Bài ca dâng Bác” vô cùng tự hào. Trên sân khấu, ca khúc  “Bài ca Hồ Chí Minh” được thể hiện qua giọng ca Janice Phương và Hồng Duyên. Janice Phương cũng là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất tham gia chương trình. 

Xúc động hành trình theo dấu chân Bác bằng âm nhạc - ảnh 5
Các em nhỏ hát liên khúc: "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ", "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" và "Nhớ ơn Bác" đầy xúc động 

Việt Nam có cả một kho tàng các ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa từng bước chân, chặng đường của Bác, đều xuất phát từ sự ngưỡng mộ, kính yêu, và biết ơn Bác. Trong đó có nhạc sĩ Văn Cao với bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”- một trong những ca khúc được xem là xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Một ca khúc khác cũng được chương trình đặc biệt nhắc đến là ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Lưu kể lại, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã viết ca khúc tuyệt vời “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” dù chưa từng một lần được đến Pắc Bó, nhưng đã tái hiện sinh động, đầy cảm xúc về nơi này bằng tất cả tình cảm của ông đối với Bác Hồ.

Nhà phê bình Nguyễn Lưu hồi tưởng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ từng tính đạp xe lên Cao Bằng để quan sát và lấy cảm hứng sáng tác, nhưng chẳng may xe đạp hỏng, không thể đi được. Vì vậy, ông đã sưu tầm các loại tài liệu, đọc và rồi sáng tác nên một ca khúc thật đẹp về tình cảm của người dân Cao Bằng đối với Bác Hồ, như chính tiếng lòng mình đối với Bác. 

Xúc động hành trình theo dấu chân Bác bằng âm nhạc - ảnh 6
Mỗi tác phẩm được trình diễn trong chương trình đều được đầu tư công phu về nghệ thuật 

Với hình thức diễn tấu bán cổ điển, sự kết hợp hài hòa giữa dàn nhạc thính phòng và ban nhạc nhẹ, phần âm nhạc chương trình “Bài ca dâng Bác” đã mang đến những cảm xúc đặc biệt cho khán giả bởi chất lượng nghệ thuật cao, xen lẫn yếu tố âm nhạc hàn lâm với sự tham gia của các ca sĩ: Phạm Thu Hà, Vũ Thắng Lợi, Đỗ Tố Hoa, Hồng Duyên, Minh Thúy, Thanh Quý, Trịnh Quỳnh Anh, Janice Phương (người Philippines, quán quân Vietnam Idol 2016), CLB Sao tuổi thơ; các nghệ sĩ: Piano Bùi Đăng Khánh, saxophone Lê Duy Mạnh, violin Trần Quang Duy, flute Ly Hương, sáo trúc Minh An cùng Dàn nhạc thính phòng Thăng Long.

 “Bài ca dâng Bác” là chương trình nghệ thuật nhằm tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, quê hương đất nước, đối với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta đối với Người. Thông qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, bồi đắp niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin cùng chuyên mục