Cần đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, trong đó phát triển vận tải đa phương thức, trọng tâm là vận tải đường sắt và đường thủy nội địa; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành logistics, nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới…
Đó là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hiện nay được đưa ra tại Diễn đàn “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ” mới đây.
Diễn đàn do Bộ Công Thương tổ chức theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP. Diễn đàn là dịp để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics có cái nhìn tổng quan và cập nhật về ngành dịch vụ logistics trong bối cảnh Covid-19 trên toàn cầu, nhu cầu và xu hướng hoạt động logistics trong thời gian tới tại khu vực Âu – Mỹ, cũng như các thách thức và cơ hội đối với ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới.
Logistics là ngành tăng trưởng nhanh...
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành logistics Việt Nam đã có những sự phát triển mạnh mẽ. Chỉ số hoạt động logistics gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đây là kết quả cao nhất mà Việt Nam từng đạt được. Bên cạnh đó, logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu khai mạc Diễn đàn
Hiện, cả nước đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với khoảng 5.000 doanh nghiệp chuyên nghiệp. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng cho triển vọng phát triển của ngành logistics của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021 dù phải chịu tác động của đại dịch Covid 19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, châu Mỹ 10 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 18,8%, đạt gần 170 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác khu vực Âu Mỹ đạt 131 tỷ USD và tương đương với tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phát triển của ngành logistics Việt Nam gắn liền với những thành tựu quan trọng trong sự phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang đến nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.
Nổi bật trong bức tranh hội nhập kinh tế của Việt Nam là sự phát triển trong quan hệ hợp tác thương mại với các khu vực châu Âu, châu Mỹ. Đây là khu vực từ lâu đã được biết tới với nhiều đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và rất nhiều đối tác quan trọng khác.
Với việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang đi vào hiệu lực, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng cường trao đổi thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khu vực Âu, Mỹ. Trong bối cảnh đó, các yếu tố liên quan đến logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
… nhưng gặp khó trong việc tận dụng “cơ hội vàng”
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong một bức tranh tổng thể có phần khởi sắc, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế đó là ngành logistics nước nhà vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là các vấn đề về chi phí dịch vụ cao, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, kho bãi, thiết bị, nhân lực… Đặc biệt dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực lên ngành logistics toàn cầu và ngành logictics Việt Nam nói chung. Khu vực châu Âu, châu Mỹ là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, việc ùn tắc trên các tuyến vận tải container từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này.
Các Diễn giả đã có những chia sẻ sâu sắc về những cơ hội và thách thức của ngành logistics Việt Nam
Tại tọa đàm, các Diễn giả đã có những chia sẻ sâu sắc về những cơ hội và thách thức của ngành logistics Việt Nam. Các chuyên gia đều nhận định, những khó khăn mà ngành logistics đã và đang gặp phải trong thời gian qua dưới tác động của đại dịch Covid-19 lên dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu là gây ra sự ùn tắc trên các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu – châu Mỹ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Âu- Mỹ.
Đại diện các cảng biển, các hãng tàu, các công ty dịch vụ logistics tại Hoa Kỳ, châu Âu cũng như Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) đã trao đổi tình hình thực về những vấn đề logistics tại địa bàn. Đại diện của Hiệp hội VASEP, Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký, đã chia sẻ về những lo lắng về chi phí, giá cược vận tải logistics gia tăng khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng “cơ hội vàng” trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu – Mỹ.
Vấn đề nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải thời gian qua là thiếu container rỗng
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu đã và đang đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp thiết thực và kịp thời để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành logistics nước nhà, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam thành trung tâm logistics của khu vực. Vì vậy, làm thế nào để các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics của Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn, tận dụng được tối đa các cơ hội mà khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ mang lại là một câu hỏi không dễ giải đáp.
Cần số hóa, tự động hóa quy trình logistics
Về phương hướng giải pháp cho tình trạng nêu trên, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, trong đó nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức, trọng tâm là phát triển vận tải đường sắt và đường thủy nội địa.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, không chỉ đường hàng hải, tắc nghẽn hàng hóa còn lan sang kênh vận tải đường bộ, hàng không. Đặc biệt, sự gia tăng hoạt động thương mại điện tử, xuất khẩu đơn hàng nhỏ khiến tắc nghẽn tại các cảng tăng cao.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động ký hợp đồng với đối tác vận tải lớn, có tiềm lực để bảo đảm vận chuyển hàng hóa tốt nhất, nhanh nhất.
Ông Rolando E.Alvarez Viera, Phó Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế, cho rằng Chính phủ, doanh nghiệp cũng như hãng tàu cần tìm phương án số hóa, tự động hóa quy trình logistics và xây dựng cơ chế một cửa đối với giao dịch thương mại.
Việt Nam cần chuyển đổi số trong ngành logistics, nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới là giải pháp được nhắc đến nhiều nhất tại Diễn đàn
Đặc biệt, theo ông Rolando E.Alvarez Viera, cần triển khai chiến lược “gần bờ”, như bán sản phẩm sang Bắc Âu thì đặt trung tâm phân phối gần Đức hay cảng Rotterdam (Hà Lan); bán sản phẩm sang Nam Âu thì đặt ở Tây Ban Nha; bán hàng sang Nam Mỹ thì Uruguay, Brazil sẽ là nơi đặt trung tâm phân phối thuận tiện nhất… Các trung tâm phân phối này cần bảo đảm kết nối logistics thuận tiện nhất giữa các quốc gia.
Đa số các đại biểu tham gia hội thảo đều có chung quan điểm khi đưa ra giải pháp khắc phục những điểm nghẽn logistics Việt Nam. Cụ thể như, giải pháp đầu tư phát triển vận tải đa phương thức, trọng tâm là vận tải đường sắt và đường thủy nội địa; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành logistics, nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
ANH HOA