Chồng cùng vợ “lâm bồn”: Hạnh phúc nhân đôi
PNTĐ-Tại các bệnh viện như BV E, Việt Pháp, Vinmec… đã cho phép chồng hoặc một người thân trong gia đình có mặt trong phòng sinh để động viên tinh thần sản phụ lúc lâm bồn.
“Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình” – câu nói ví von về hành trình sinh nở của chị em dường như đã không còn chính xác khi mà rất nhiều bệnh viện tại Hà Nội như bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khoa sản của các bệnh viện E, Việt Pháp, Vinmec… đã cho phép chồng hoặc một người thân trong gia đình có mặt trong phòng sinh để động viên tinh thần sản phụ lúc lâm bồn.
![]() |
Người chồng nên sát cánh bên vợ lúc lâm bồn. (Ảnh minh họa) |
Vượt cạn có đôi
Những cơn đau chuyển dạ có thể kéo dài từ 6 – 12 tiếng cùng với cảm giác một mình trong phòng sinh đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều chị em lúc chuẩn bị lâm bồn. Vì vậy, theo bác sỹ Mai Trọng Hưng – Trưởng khoa A3, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sự có mặt của chồng/người thân sẽ giúp chị em giải tỏa sự sợ hãi, trống vắng trong những giây phút khó khăn, đau đớn nhất. Hơn nữa, chứng kiến một phần hành trình vượt cạn khó nhọc, người chồng cũng hiểu thêm được những vất vả, cực nhọc mà người vợ đã phải trải qua suốt 9 tháng mang nặng đẻ đau để từ đó có sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương hơn bạn đời của mình.
Không chỉ vậy, với bệnh viện và ê kíp các y bác sỹ thực hiện nhiệm vụ vào phòng sinh cũng là cách để người thân sản phụ giám sát việc cung cấp dịch vụ y tế tại bệnh viện và được bác sĩ giải thích kịp thời về những sự cố bất ngờ không mong muốn có thể xảy đến trong quá trình người phụ nữ chuyển dạ…
“Quy trình chuẩn của Bộ Y tế đưa ra không có quy định người thân vào phòng sinh cùng sản phụ mà chỉ khuyến khích các bệnh viện tùy theo điều kiện của mình triển khai nhằm hướng tới mục tiêu phục vụ và chăm sóc sản phụ một cách tốt nhất. Đó là lý do tại sao mà bệnh viện Phụ sản Hà Nội tuy lượng sản phụ đến thăm khám, sinh nở hàng ngày rất đông nhưng vẫn cố gắng hết sức để tiếp cận các dịch vụ mới của các nước tiên tiến, trong đó có dịch vụ cho phép người thân vào phòng sinh khi điều kiện cho phép” – BS Mai Trọng Hưng cho biết. Đây là bệnh viện công đầu tiên tại Hà Nội triển khai (miễn phí) dịch vụ này, để đông đảo sản phụ tiếp cận dịch vụ tiên tiến và nhân văn được áp dụng từ lâu trên thế giới.
Dịch vụ được các bệnh viện cung cấp, chủ yếu dành cho các sản phụ sinh thường. Trong phòng sinh, người chồng được hướng dẫn ngồi phía trên, bên cạnh vợ, ê kíp y bác sỹ sẽ thực hiện thao tác chuyên môn phía dưới. Tại một số bệnh viện, có một bức rèm mỏng ngăn đôi để việc đỡ đẻ được thực hiện một cách kín đáo. Trước đó, người chồng hoặc người thân được nhân viên y tế hướng dẫn một số thao tác cần thiết để khử trùng cơ thể, các cách hỗ trợ trong lúc vợ chuyển dạ cũng như không làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của y bác sỹ.
“Những thao tác này không phức tạp, anh em nào cũng có thể dễ dàng thực hiện được như cho vợ uống nước, lau mồ hôi, nhẹ nhàng nắm tay vợ, an ủi, động viên, khích lệ vợ bằng ánh mắt ấm áp và những lời yêu thương… Tôi nghĩ đó chính là những “liều thuốc” giảm đau rất ý nghĩa và vô giá với chị em” – BS Mai Trọng Hưng chia sẻ.
Các bác sỹ sản khoa đã không giấu nổi niềm vui và sự xúc động khi trao đổi với chúng tôi về giây phút thiêng liêng của các ông bố bà mẹ được đón thiên thần nhỏ của mình ngay trong phòng sinh. Không ít ông bố đã khóc khi đón con từ tay bác sỹ hay có những cặp vợ chồng cùng ngắm con mà nước mắt cứ chảy dài trên mặt… “Đó là thời khắc thiêng liêng và vỡ òa hạnh phúc. Bế con bế bỏng trên tay, khoe với vợ, muốn nói với bà xã lời cảm ơn từ đáy lòng nhưng có lẽ vui quá, chẳng hiểu lời hay ý đẹp “chạy” đi đâu mất, mình đặt ngay lên môi vợ nụ hôn ngọt ngào như phần thưởng “nóng”- anh Nguyễn Hoàng Mạnh, nhà ở ngõ 192 phố Hoàng Mai vui mừng cho biết.
Cùng chung niềm vui của những người mới được làm cha, anh Lê Mạnh Việt ở phố Đội Cấn tâm sự: Vợ chuyển dạ vật vã đau đớn, chồng cũng căng thẳng theo, chẳng còn hơi sức đâu nhìn ngó xem vợ xấu hay đẹp, chỉ thấy thương, quý trọng vợ và hiểu thêm đạo nghĩa vợ chồng. Sau những trải nghiệm của mình, ông bố trẻ này cho rằng, các ông chồng hãy dành thời gian đi học một lớp tiền sản để hiểu việc sinh nở và tận hưởng niềm hạnh phúc thiêng liêng, một cảm giác có một không hai ngay cả đối với những ông từng trải nhất!
Bên cạnh những người chồng có sự đồng cảm và chia sẻ với vợ, tại các bệnh viện, cũng có một số ông chồng khi vợ mới ngỏ lời đã vội từ chối, thậm chí có người còn tỏ rõ sự sợ hãi. Tại phòng khám của một bệnh viện sản hàng đầu, trao đổi nhanh với PNTĐ, một số người vợ cũng tỏ ra dè dặt với dịch vụ này. Sự e ngại xuất phát từ tâm lý lo lắng chồng nhìn thấy cơ thể xấu xí rồi bị ám ảnh… không dám “gần gũi” mình nữa.
BS Lê Thị Kim Dung – Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết, đúng là có những ông bố, bà mẹ và người thân còn có định kiến khi chứng kiến người phụ nữ sinh nở. Các quan niệm này một phần do quan niệm không có cơ sở khoa học như nhìn vợ sinh không may mắn, hoặc là chứng kiến kỹ thuật, thao tác đỡ đẻ từ nhiều năm trước. Thời gian gần đây, quy trình đỡ đẻ cho sản phụ đã có nhiều cải tiến theo hướng hiện đại. Vì thế, những trường hợp chồng ngất xỉu hay bị ám ảnh khi chứng kiến vợ đau, mất máu… tuy vẫn còn nhưng chỉ là cá biệt.
Để vượt qua nỗi sợ hãi này, kinh nghiệm từ các ông chồng và lời khuyên của các bác sỹ, người chồng cần quan tâm khi vợ bắt đầu mang thai bằng việc đọc sách, tham khảo ý kiến bác sỹ về những kiến thức về thai sản để hiểu rằng, chuyển dạ và sinh nở là quá trình tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ thì chắc chắn những cảm giác tiêu cực sẽ không nảy sinh. Thay vào đó người chồng sẽ yêu thương, trân trọng vợ hơn.
Việt Bách