Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số

Chia sẻ

Diễn ra trong 3 ngày từ 29 đến 31/12/2021 tại Hà Nội, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là đại hội có nhiều thành công và đổi mới, đề ra phương hướng phát triển của nền báo chí Cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Dự đại hội có các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy biên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Chuyển đổi số không phải là số hóa

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt. Xu thế toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, sự phát triển mạnh của Internet và truyền thông đa phương tiện... khiến báo chí phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức như: Nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, công nghệ làm báo, kinh tế báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng”.

Nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực LCH Nhà báo ngành Ngân hàng chia sẻ: “Sự bùng nổ của công nghệ đã làm thay đổi căn bản hoạt động báo chí và cho ra đời một loại hình báo chí mới. Nếu như trước đây, thường phân chia thành các loại hình báo chí: Báo hình, báo nói, báo in… thì nay với sự phát triển của công nghệ, ranh giới này đã bị xóa nhòa, tất cả các loại hình báo chí kể trên đều có thể hội tụ trong tòa soạn, thậm chí là trong một ấn phẩm, một tác phẩm báo chí đơn nhất. Đó là báo chí đa phương tiện”.
Rõ ràng, sự thay đổi của báo chí trong kỷ nguyên số ai cũng thấy, nhưng báo chí cũng phải đối diện với rất nhiều vấn đề khiến những người làm báo trăn trở. Theo nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, đó là những thách thức, khó khăn cả về nhân lực và tài lực. Về tài lực, đặc biệt qua đại dịch Covid-19, nguồn tài chính để duy trì thu chi đã là thách thức đối với mỗi tòa soạn, chưa kể tới đầu tư cho chuyển đổi số “ngốn” khoản chi phí rất lớn, trong khi thực lực các báo có hạn.

Chuyển đổi số là chiến lược chung của toàn quốc, là đòi hỏi tất yếu mà các cơ quan báo chí đang hướng tới. Nhưng không phải cơ quan báo chí nào cũng đã có một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, cụ thể. “Hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa số hóa và chuyển đổi số. Chúng ta mới dừng ở việc đưa các nội dung mang tính truyền thống lên môi trường số nhưng đó chưa phải là chuyển đổi số. Chuyển đổi số nghĩa là phải thay đổi toàn bộ hoạt động, từ sản xuất thông tin đến vận hành bộ máy, kể cả hoạt động kinh doanh… đều trên môi trường số, sử dụng công nghệ hiện đại, cả phần cứng và phần mềm. Điều quan trọng hơn nữa đó là chuyển đổi số phải là sự chuyển đổi về mặt tư duy từ người lãnh đạo đến từng cán bộ phóng viên báo chí. Thông suốt được điều này thì chúng ta mới có thể chuyển đổi số thành công” - nhà báo Lê Quốc Minh phân tích.

Đổi mới, sáng tạo để bứt phá

Trước cơ hội và thách thức chuyển đổi số, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: Báo chí Việt Nam không thể đứng yên, không thể thụt lùi mà phải nhanh chóng tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, tạo ra được những sản phẩm phù hợp với nhiều nền tảng. Báo chí phải sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng nghiên cứu và chuẩn bị cho một tương lai mà thậm chí là khó đoán định.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong một xã hội mở về thông tin, dựa trên nền tảng phát triển của khoa học và công nghệ. Đây là môi trường nhiều thách thức, nhưng cũng tạo ra những cơ hội lớn cho báo chí. Chúng ta cần nắm bắt cơ hội, tạo nên bước phát triển vượt bậc, toàn diện của báo chí về số lượng, chất lượng, loại hình, nội dung, hình thức”.

“Mạng xã hội là một kênh thông tin quan trọng để báo chí tham khảo, nhưng báo chí phải có thông tin chính xác, xác định mục đích viết cho ai để chuyển tải thông điệp quan trọng. Sự cạnh tranh giữa báo chí với mạng xã hội khốc liệt nhưng chúng ta phải làm được, làm hơn, phải thông tin khoa học, chính xác, sự thật, nhanh nhạy vì chân thiện mỹ, vì mục tiêu xây dựng xã hội phát triển” - nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Để cạnh tranh với sự bùng nổ của mạng xã hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng: Trước hết, báo chí không thể, không nên chạy đua theo mạng xã hội. Bởi mỗi cơ quan báo chí chỉ có nhân lực giới hạn, trong khi người sử dụng mạng xã hội là vô hạn và ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách.

“Thay vì chạy đua với mạng xã hội tạo ra những nội dung hời hợt, không kiểm chứng, thậm chí là không có ích cho xã hội, báo chí nên đầu tư vào nội dung chuyên sâu, có những bức ảnh, đoạn video, bài viết mà người bình thường không có khả năng tiếp cận thông tin, để phát huy năng lực, sở trường của những nhà báo chuyên nghiệp. Báo chí trong tương lai cũng cần đi theo hướng không chỉ phản ánh sự việc, phản biện, hoặc nêu vấn đề bất cập mà phải gợi ý được giải pháp cho xã hội, với tinh thần xây dựng” - nhà báo Lê Quốc Minh định hướng.

Ra mắt Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.Ra mắt Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. (Ảnh: PV)

Chỗ dựa tin cậy của giới báo chí cả nước

Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; định hướng cho các cấp Hội Nhà báo Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có những đánh giá sâu sắc, xác thực về báo chí và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam. “Đội ngũ báo chí cả nước ngày càng trưởng thành, vững vàng về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo... Đặc biệt, hai năm qua, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, cổ vũ những việc làm cao đẹp của các lực lượng tuyến đầu”. Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí và công tác Hội Nhà báo còn nhiều hạn chế. Đó là một số cấp hội, cơ quan báo chí chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; vẫn còn một bộ phận người làm báo xa rời tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm vai trò, uy tín của báo chí; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn...

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị thời gian tới báo chí phải tiếp tục đổi mới, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm cao hơn nữa trong xã hội. Muốn vậy, Hội Nhà báo cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; tính chất nghề nghiệp của Hội không tách rời tính chất chính trị - xã hội; nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cần khắc phục tư tưởng, tổ chức Hội là “chốn hội hè”, nhàn hạ, ai làm cũng được, dẫn đến dễ dãi trong lựa chọn cán bộ. Mỗi cán bộ Hội Nhà báo phải thấy được công việc mình đang làm là vinh dự, trách nhiệm, là đang góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội”.

Nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ mới, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương nâng cao chất lượng hội viên cả về chính trị, đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng đội ngũ báo chí hiện đại, nhân văn, có tính chiến đấu, tính phản biện; chú trọng bảo vệ quyền lợi hội viên; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết người làm báo vào tổ chức; nâng cao sự hợp tác Hội Nhà báo Việt Nam với Hội Nhà báo trong nước, quốc tế; phấn đấu để Hội thực sự là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là “ngôi nhà chung ấm áp” của hội viên và giới báo chí…

NAM PHONG - YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.