Dự án Luật Thủ đô: Đã có nhiều đồng thuận

Chia sẻ

PNTĐ-Sau 3 năm xây dựng với nhiều lần góp ý, Luật Thủ đô đã được trình bày trước Quốc hội ngày 26/10 với nhiều điểm quy định mới.

 
Nâng cả về chất lẫn lượng
 
So với những dự thảo trước đó, bản dự thảo Luật Thủ đô được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội sáng 26/10 đã bãi bỏ những quy định không hợp lý. Thay vào đó, các biện pháp để quản lý Thủ đô tốt hơn đã được tăng cường như quy định các điều kiện chặt chẽ về nhập cư vào nội đô; di dời các cơ sở gây ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội thành; phát triển nhà ở xã hội; nâng mức xử lý các vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng và thu phí trong lĩnh vực giao thông vận tải ở nội thành để hạn chế phương tiện cá nhân cùng một số cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư…
 
Dự án Luật Thủ đô: Đã có nhiều đồng thuận - ảnh 1
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu trong phiên
thảo luận ở tổ về Luật Thủ đô
 
Tâm điểm của mọi sự chú ý được dành cho chính sách nhập cư. Dù vẫn còn những ý kiến chưa đồng thuận nhưng trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, với áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành, cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng dịch vụ công của TP như giáo dục, y tế, giao thông… chưa đáp ứng được thì biện pháp hành chính siết chặt nhập cư vào nội đô tuy chưa phải là tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
 
Dự thảo đã xây dựng hai phương án hạn chế nhập cư để Quốc hội quyết định. Phương án 1: người lao động có biên chế hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ ba năm trở lên mới được phép nhập cư. Phương án 2 bổ sung điều kiện là nhà ở do thuê thì phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu là 5m2/người.
 
Đề xuất của dự thảo Luật về siết nhập cư (phương án 1) cũng như quy định nâng mức xử lý hành chính và thu phí giao thông gấp 2 lần đã nhận được đồng thuận của Ủy ban pháp luật của Quốc hội.
 
Siết nhập cư – chỉ áp dụng ở nội thành
 
Tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủ đô chiều 27/10, phần nhiều các ý kiến đều tập trung “mổ xẻ” những mặt được và chưa được của quy định siết nhập cư.
 
Lý giải rõ hơn về quy định siết nhập cư trong dự thảo Luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, quy định này chỉ áp dụng ở khu vực nội thành, còn ngoại thành vẫn áp dụng theo Luật Cư trú. Những người lao động tự do vẫn hoạt động bình thường, sinh sống tạm trú, mà không nhập khẩu. Quy định thế là để đảm bảo cuộc sống cho người dân, phù hợp quy mô dân số mà quy hoạch chung Thủ đô đã đề ra, chứ không có chuyện “người an cư gây khó cho người mới”.
 
Lấy ví dụ một quận nội thành – quận Hoàn Kiếm sẽ thấy quy định này cần thiết như thế nào. Diện tích rộng 4,5 km2, chỉ lớn hơn công viên Đại Nam (Bình Dương) nửa km2, song Hoàn Kiếm đã có 220.000 dân, có nhà là nơi sinh sống của 7-8 hộ. Mật độ quá đông, HN đang phải thực hiện biện pháp giãn dân để cân đối lại quy mô dân số với kinh phí lên đến hàng ngàn tỷ đồng. “Chúng ta đang thực hiện các giải pháp như thế mà lại không hạn chế nhập cư thì các giải pháp đang thực hiện rõ ràng khó mà hiệu quả. Hơn nữa, quy định này không phải là những người đã và đang ở Thủ đô không muốn người nơi khác nhập cư về ở. Tất cả những đề xuất đặt ra đều vì cái chung, vì lợi ích của Thủ đô” - ông Nghị nói.

Phải nâng tầm quản lý
 
Góp ý để Luật hoàn thiện hơn, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, điều quan trọng với Hà Nội là “nói phải đi đôi với làm”.  Theo ĐB Đương, để giảm tải phải di dời nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô - việc này đặt ra chục năm rồi nhưng chưa làm được nhiều. Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh băn khoăn: “Mật độ dân cư như thế mà TP vẫn không ngừng cho xây nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, trường học trong nội thành, thì làm sao mà giãn dân cư được”. Đại biểu này đề nghị không nên hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. Với những biện pháp mà dự luật đưa ra, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) lo ngại, dân cư sẽ giảm nhưng là giảm trên sổ sách, còn số người thực tế không giảm: “Không thể giảm bằng biện pháp hành chính cấm đoán”.
 
Ủng hộ dự thảo Luật, nhiều ĐB cho rằng Luật cần hướng đến việc nâng tầm quản lý, lãnh đạo để nâng tầm Thủ đô. “Luật phải quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, phải có chế định tốt về cán bộ, công chức của Thủ đô, nhất là đối với đội ngũ giám đốc các Sở, Ngành; phải tạo ra nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Thủ đô tốt hơn” – ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị.
 
Tuấn Minh

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.