Du lịch Hòa Bình trở lại với các điểm đến xanh

Chia sẻ

Sau một thời gian dài tạm ngừng nghỉ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ cuối tháng 9 đến nay, ngành Du lịch Hòa Bình đã mở cửa đón khách. Gần 2 tháng mở cửa đến nay, các điểm đến du lịch đã dần nhộn nhịp trở lại và dự báo sẽ có nhiều khởi sắc.

Ba Khan là điểm đến mới nổi của Hào Bình đang thu hút sự quan tâm của du khách Hà NộiBa Khan là điểm đến mới nổi của Hòa Bình đang thu hút sự quan tâm của du khách Hà Nội

Tìm hiểu về Du lịch tỉnh Hòa Bình hiện nay, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Hòa Bình.

- PV: Cùng với cả nước, ngành Du Lịch tỉnh Hòa Bình đã mở cửa đón khách trở lại từ cuối tháng 9, vậy xin ông cho biêt kế hoạch triển khai của ngành Du lịch tỉnh nhà sau đại dịch là gì?

- Ông Bùi Xuân Trường: Ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình đã có kế hoạch triển khai từ đầu năm 2021, tuy nhiên trong thời gian 5 tháng vừa qua do dịch COVID – 19, nhiều hoạt động đã phải gác lại. Cho đến cuối tháng 9, việc giãn cách xã hội được gỡ bỏ, dịch giã đã tạm lắng xuống, mọi sinh hoạt của người dân dần trở lại bình thường chúng tôi mới tiếp tục mở cửa đón khách du lịch. Kế hoạch mở cửa đón khách du lịch được lãnh đạo UBND tỉnh thông qua và chỉ đạo theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ: Bảo đảm mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID – 19, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, cuối tháng 10 vừa qua tỉnh đã tổ chức “Hội nghị kích cầu du lịch” nhằm đưa ra các giải pháp an toàn cho phát triển du lịch trong tình hình nhiều diễn biến phức tạp của dịch; Chiến lược kích cầu của các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… Tại Hội nghị, chúng tôi cũng thông tin cho du khách trong cả nước biết về những điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn…, cùng với đó là những gói dịch vụ cạnh tranh, khách du lịch có nhiều sự lựa chọn phù hợp.

Chúng tôi đã xây dựng những đề án: “Cơ cấu lại sản phẩm du lịch”; “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn”… Về phía tỉnh cũng đã có những kế hoạch phát triển, nâng cấp những điểm du lịch cộng đồng để  có những điểm cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt hơn. Hoặc cải thiện các điểm du lịch để phục vụ nhu cầu đi lại, thăm quan của du khách.

Dự kiến trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch với quy mô lớn như: Lễ hội Đất Mường, liên hoan văn hóa Mo Mường, lễ hội khai hạ Mường Bi, tổ chức chương trình quảng bá văn hóa - du lịch Hòa Bình tại Hà Nội, cuộc thi Đại sứ du lịch Hòa Bình và chương trình quảng bá văn hóa - du lịch Hòa Bình… Những sự kiện này sẽ là dịp để tỉnh Hòa Bình thu hút du khách, đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quảng bá.

- PV: Vậy khi bắt tay thực hiện mở cửa đón khách, ông có thể cho biết Hòa Bình đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

- Ông Bùi Xuân Trường: Thứ nhất, Hòa Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Với diện tích rừng, hồ lớn, trải dài hơn 200 km từ Hòa Bình tới Sơn La, trong khu vực lòng hồ có hàng trăm hòn đảo lớn, nhỏ và những vịnh nước nhỏ trong xanh suốt bốn mùa. Dọc theo những dãy núi đá vôi là hệ thống hang động và những cánh rừng bạt ngàn với động, thực vật phong phú xen lẫn những bản làng mang đậm nét văn hóa dân tộc thiểu số.

Một góc bản du lịch cộng đồng ở Đà Bắc, Hòa Bình nhìn từ trên caoMột góc bản du lịch cộng đồng ở Đà Bắc, Hòa Bình nhìn từ trên cao

Thứ hai, Hiện trên bản đồ COVID – 19, tỉnh Hòa Bình đang là vùng xanh – tức là Hòa Bình đã được công bố cấp độ dịch COVID – 19 ở mức nguy cơ thấp (cấp độ 1), đó là điều kiện thuận lợi để chúng tôi phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có du lịch.

Cùng với đó là sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền các cấp đối với ngành Du lịch; Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như người dân trên các bản du lịch, điểm du lịch hoạt động nghiêm túc theo chỉ đạo của các cấp ban, ngành từ tỉnh tới địa phương.

Tuy nhiên, khi hoạt động du lịch trở lại chúng tôi đã găp phải một số vướng mắc do: Việc đóng cửa lâu ngày đã xảy ra tình trạng xuống cấp cơ sở hạ tầng, người lao động mất việc làm và hàng loạt các ảnh hưởng khác… Toàn bộ hệ thống cung ứng trong chuỗi giá trị dịch vụ bắt đầu bị đứt gẫy và thị trường khách bị phân tán… Chịu thiệt hại nặng nề nhất trong hệ thống lưu trú phải kể đến đó là mảng du lịch cộng đồng. Ngoài những ảnh hưởng trên, du lịch cộng đồng còn bị mất đi một lượng khách đáng kế. Trước đây, du lịch cộn đồng thường đón những đoàn khách từ 100 – 200 người thì giờ đây rất khó thực hiện được.

- PV: Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID – 19 gây nhiều lo ngại cho việc đón khách du lịch vào tỉnh nhà, vậy ông có thể cho biết tỉnh Hòa Bình đã có những giải pháp gì để vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ được các vùng xanh?

- Ông Bùi Xuân Trường: Chúng tôi đã xác định giải quyết tốt từng nhiệm vụ: Thứ nhất, chống dịch hiệu quả; Thứ hai mở cửa du lịch từng phần để bảo vệ an toàn các vùng xanh. Để làm tốt hai nhiệm vụ này, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng kiểm dịch,  kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường có người từ địa phương khác trở về Hòa Bình. Không tiếp nhận những người từ vùng nguy cơ cao là vùng 4 vào địa phương; Ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho các lực lượng làm nhiệm vụ tuyến đầu và lực lượng lao động trực tiếp của ngành du lịch. Cụ thể là tiêm cho những người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú – những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch. Những người này đã được tiêm đủ 2 mũi.

 Tích cực ra soát, tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và xây dựng phát triển các sản phẩm mới độc đáo, hấp dẫn sẵn sàng đón, phục vụ khách trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID - 19” và “Du lịch tỉnh Hòa Bình – điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”.

Xác định khách hàng mục tiêu trước mắt đó là khách nội địa, chủ yếu tập trung ở thành phố Hà Nội và các tỉnh miền Bắc và kéo dài trong khoảng thời gian 6 tháng tới.

Thực hiện hỗ trợ cho những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ như: Giảm tiền điện, cho vay vốn ngân hàng với lãi suất  thấp cho các doanh nghiệp; Hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch, giãn nợ, khoanh nợ cho những doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn… 

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng các gói kích cầu cho các đơn vị kinh doanh lưu trú; đôn đốc các cơ sở kinh doanh lưu trú nâng cấp lại cơ sở, đồng thời chuẩn bị nguồn lao động cũng như sản phẩm có tính cạnh tranh cũng như giá thành mang tính khuyến khích, nhằm thu hút khách du lịch.

Với hệ thống resots hiện nay, lượng khách đang tăng dần, đặc biệt vào những dịp cuối tuần. Chúng tôi đang áp dụng các biện pháp kích cầu, giảm giá từ 20% đến 50% theo từng gói dịch vụ nhắm đón được khách du lịch vào tất cả những ngày trong tuần.  Đó là hướng đi mà chúng tôi đang chỉ đạo các cơ sở lữ hành và các cơ sở lưu trú.

- PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hiện nay, ngành du lịch có hơn 400 khách sạn, resots và các cơ sở lưu trú. Tất cả các khu, điểm đến du lịch cũng như hệ thống khách sạn đã khởi động trở lại và đang dần khắc phục khó khăn.

Trong toàn bộ hệ thống lưu trú thì mảng du lịch cộng đồng bị thiệt hại nhiều nhất. Du lịch cộng đồng trước đây thường đón những đoàn khách từ 100-200 người thì giờ đây rất khó thực hiện được;

Hệ thống resots hoạt động tốt hơn vào những ngày cuối tuần và đang được du khách chọn lựa nhiều nhất vào các dịp cuối tuần;

Ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình đang áp dụng các biện pháp kích cầu, giảm giá từ 20% đến 50% theo từng gói dịch vụ.

 NGA BÌNH 

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.