Kỳ 4: Người bệnh thiệt đủ đường
Sau khi 3 bài trong loạt bài “Mất mạng vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc” được đăng tải, nhiều độc giả đã gọi điện tới báo Phụ nữ Thủ đô, cung cấp thêm thông tin mình hoặc người thân đã trở thành nạn nhân của thuốc Nam “gia truyền” không nguồn gốc.
Điều đáng nói, tới khi gặp hậu quả nghiêm trọng, người bệnh mới vội vàng “truy vết” thì… đối tượng bán thuốc lại chối bỏ trách nhiệm hoặc đã “cao chạy xa bay”. Hậu quả là nạn nhân “tiền mất, tật mang”, một mình chịu trận…
“Sống chết mặc bay, tiền thầy… bỏ túi”
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108), chỉ 2 tuần sau khi bệnh nhân B.S mà phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) phản ánh trong bài đầu tiên (Báo PNTĐ số 24, ra ngày 16/6/2021) được xuất viện (ngày 27/5) đã tiếp nhận thêm 2 trường hợp bị biến chứng nặng vì sử dụng thuốc Nam không nguồn gốc.
Những gói thuốc sắc do “lương y” đem tới tận nhà để bệnh nhân K uống (NVCC)Một trong số đó là nữ bệnh nhân Vũ Mai K (SN 1959), ở quận Hoàn Kiếm. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đình V, con trai bệnh nhân bàng hoàng kể lại: Cách đây 1 năm, mẹ anh phát hiện mắc thoát vị đĩa đệm, đã vào viện khám và điều trị. Nhưng sau khi nghe người quen mách phải châm cứu và uống thuốc Nam mới khỏi, bà đã rẽ ngang, tìm hướng điều trị khác. Song, thay vì tìm đến các cơ sở Đông y có uy tín đã được cấp phép, mẹ anh lại mời một “lương y” nam do người quen kia giới thiệu tới nhà châm cứu, bốc thuốc.
Giữa tháng 5, vị “lương y” mang đến nhà 30 túi thuốc màu nâu đã sắc sẵn, đóng trong túi nylon, hướng dẫn mẹ anh bảo quản thuốc trong tủ lạnh, mỗi ngày uống một gói. Bà K làm theo, nhưng những ngày sau đó, bà cứ ăn vào là nôn ra. Lượng ăn ngày một ít dần và 3 ngày cuối cùng trước khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu (ngày 14/6), bà chỉ nôn, sức khỏe gần như suy kiệt. Tại BV 108, bác sĩ kết luận bà K bị suy thận, gan nghi do dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, phải lọc máu nhân tạo vì chức năng thận không hoạt động. Gia đình cho rằng, kết luận này là có cơ sở vì thời gian đó, bà K không uống bất cứ một loại thuốc nào ngoài các túi thuốc đã sắc sẵn kia.
Anh V cho biết thêm, sau khi mẹ anh phải vào viện cấp cứu, vị “lương y” đó vẫn đến nhà chữa bệnh theo lịch hẹn. Nhưng khi nghe gia đình thông báo bà K đã phải vào viện thì người này bỏ đi luôn, từ đó không liên lạc lại nữa. Suy xét lại gia đình anh V mới giật mình vì quá chủ quan, cứ tin theo lời giới thiệu mà không tìm hiểu cụ thể vị “lương y” có chứng chỉ hành nghề hay phòng khám được cấp phép không, nhà ở đâu?... Kiểm tra số túi thuốc chưa uống còn lại của mẹ, gia đình anh thấy sản phẩm này không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc, thành phần thuốc.
“Bây giờ, khi xảy ra chuyện lớn, gia đình chẳng biết có manh mối để bắt đền người gây họa, trong khi mẹ tôi thì suýt thiệt thân”- anh V cay đắng nói.
Ân hận khôn cùng cũng là cảm giác của gia đình bệnh nhân Nguyễn Văn T (SN 1941), trú tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Mới đây, bệnh nhân nhờ người quen mua giúp thuốc của “Phòng thuốc Y học dân tộc cổ truyền - lương y Nguyễn Văn Sáu”. Thuốc chủ trị “nhức mỏi đau lưng, tê bại, thấp khớp thần kinh tọa đau thận, ăn được, ngủ được”. Tuy chỉ bị mất ngủ, không bị khớp… nhưng thấy trong công dụng của thuốc có ghi giúp “ăn được ngủ được” nên bệnh nhân T tin tưởng, uống theo hướng dẫn.Bệnh nhân T gặp biến chứng nặng, suy gan, thận được cấp cứu tại bệnh viện (NVCC)
Tuy nhiên, 10 ngày sau, bệnh nhân chẳng những không “ngủ được” mà còn bị hoa mắt, chóng mặt. Cao điểm ngày 18/6, bệnh nhân nôn nhiều, khó thở, huyết áp tụt (chỉ còn 90/50) phải đi cấp cứu, sau đó áp dụng điều trị tích cực, lọc máu, chạy thận nhân tạo tại BV 108.
“Bác sĩ nói chỉ vào viện chậm nửa tiếng nữa là có thể không cứu được bố tôi” - chị Thủy, con gái bệnh nhân T vẫn còn chưa hết sợ hãi. Đáng nói, gói thuốc bệnh nhân T uống được gửi tới Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai để xét nghiệm, ngày 21/6 cho kết quả có thành phần dương tính với Paracetamol. Lúc này, gia đình bệnh nhân T cũng mới té ngửa vì chẳng thể bắt đền người quen mua hộ thuốc, còn phòng thuốc y học dân tộc kia ở tận… huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, gia đình chẳng biết “mặt ngang mũi dọc” ra sao. Suốt những ngày bệnh nhân T nằm viện điều trị, bao nhiêu tổn thất vật chất, tinh thần, gia đình chị Thủy đều một mình… gánh chịu.
Kết quả xét nghiệm thuốc “gia truyền” mà bệnh nhân T uống có thành phần dương tính với Paracetamol
Tự đưa mình vào… thế yếu
Theo bác sĩ Phạm Sơn Lâm (BV 108), tình trạng bệnh nhân bị biến chứng do sử dụng thuốc Nam không nguồn gốc, bán trôi nổi phải vào cấp cứu tại bệnh viện khá phổ biến, thuộc đủ mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể giữ được tính mạng như bệnh nhân K, bệnh nhân T. Đã có trường hợp nam thanh niên uống thuốc Nam có trộn thành phần tân dược tới mức bị suy gan, vào tới viện thì gan đã nhiễm độc, toàn thân vàng ệch. Dù các bác sĩ hết mình cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không thể qua khỏi.
Theo TS Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế: Nếu việc mua bán thuốc kém chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại hiệu thuốc có địa chỉ rõ ràng, được cấp phép, người mua chứng minh được sản phẩm đó của hiệu thuốc thì Cục sẽ có cơ sở yêu cầu Sở Y tế địa phương thanh kiểm tra, xử lý theo từng cấp độ như: phạt tiền, rút giấy phép hoạt động.
Đơn cử, từ phản ánh của người bệnh, ngày 22/6/2021, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành rút giấy phép hoạt động của Phòng chẩn trị y học cổ truyền trực thuộc Công ty TNHH Tâm Minh Đường (số138 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) do không đảm bảo điều kiện về nhân sự tham gia khám bệnh, chữa bệnh và vệ sinh môi trường so với nội dung thẩm định cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đơn vị này còn sai phạm trong quảng cáo một số chế phẩm y học cổ truyền trên thị trường thuốc tỉnh Sơn La.
Bẹnh nhân suy kiệt do dùng thuốc giảm cân được bác sĩ bệnh viện Bạch Mai cứu chữa thành công (Ảnh: BV)Không riêng BV 108, tại Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai cũng thường xuyên ghi nhận trường hợp ngộ độc, sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng… do sử dụng thuốc Nam bán trôi nổi tại nhiều “chợ quê” hay trên các trang quảng cáo tự xưng “thuốc Nam gia truyền”… Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời điểm trước khi cách ly do đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, trung bình 1 tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân cấp cứu vì gặp biến chứng do dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc.
“Đa số bệnh nhân cho biết, họ nghe theo quảng cáo bán thuốc “gia truyền 3 đời”, chữa dứt điểm nhiều bệnh, nên không ngần ngại mua về uống… Kết quả suy gan, thận, vàng da, vàng mắt, thậm chí suýt ngừng tim” - bác sĩ Vũ Minh Đức - khoa Nội tổng hợp, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói.
Bác sĩ Vũ Minh Đức cho biết thêm: Chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng Đông y rất tốt. Nhưng nếu người bệnh tự ý dùng sản phẩm “gia truyền”, không rõ nguồn gốc lại rất nguy hiểm. Bởi thuốc đào thải qua gan và thận. Nếu thuốc có thành phần độc hại sẽ gây tổn thương gan, thận, dẫn tới suy gan, suy thận, nếu không điều trị kịp thời nguy cơ cao hỏng gan, thậm chí tử vong. Chưa kể, hiện nay, nhiều đối tượng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, báo chí để quảng cáo thổi phồng, hứa hẹn, cam đoan chữa khỏi hẳn bệnh; nếu không khỏi hoặc có vấn đề gì phát sinh sẽ bồi thường và chịu trách nhiệm… Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh đòi được “bồi thường” sau khi gặp họa từ đối tượng bán thuốc là rất ít.
Bệnh nhân B.S mà phóng viên đề cập ở trên cũng chia sẻ, vừa thoát khỏi cửa tử, bà đã liên lạc lại với đối tượng bán thuốc “Đông y gia truyền” từ cây bách bệnh cho bà. Nhưng, trước sự giận dữ của bà, đối tượng chỉ nói ráo hoảnh là không biết gì, không nhớ bà là ai, bà tự uống thuốc thì phải tự chịu trách nhiệm. “Lúc bán thuốc cho tôi, đối tượng hứa như đinh đóng cột là thuốc lành tính, nếu gặp vấn đề gì cứ gọi lại sẽ chịu trách nhiệm. Tới khi tôi gặp biến chứng thì người bán phủi tay sạch trơn. Chi phí điều trị của tôi trong đợt vừa qua tốn tới mấy trăm triệu đồng nhưng may tôi đã được BHYT chi trả” - bệnh nhân B.S bức xúc.
Hình ảnh lọ thuốc Baschi mà bệnh nhân ở Quảng Ninh uống gặp phải biến chứng do các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai ghi nhận được và một Facebook vẫn tiếp tục quảng cáoTương tự, một nữ bệnh nhân ở Quảng Ninh sau khi dùng thuốc giảm cân mua qua mạng có thêm Baschi hồng, được quảng cáo 100% thảo dược thiên nhiên của Thái Lan, cũng phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) vì gặp biến chứng sau uống thuốc. Từ một người hoàn toàn khỏe mạnh với trọng lượng 70kg, bệnh nhân chỉ còn 35kg, ăn uống không được và phải nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch. Hình ảnh nội soi và chụp X.Q cản quang dạ dày cho thấy hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày. Bệnh nhân sau đó đã được phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực, tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. Sau 3 tháng, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe, tự ăn được bằng đường miệng.
Mặc dù gây họa như vậy, nhưng hiện nay, loại thuốc này vẫn đang được quảng cáo và bán công khai trên mạng. Phóng viên báo PNTĐ đã vào theo dõi một bài livestream bán hàng trên trang facebook “Nguyễn Phương Thảo” với những lời quảng cáo như: Chỉ cần uống 1 hộp có thể giảm từ 4-8kg, nếu ai muốn giảm cấp tốc thì uống 2 viên/ngày. Người bán cho biết, từ tháng 4 đến giờ đã bán tới mấy nghìn hộp. Khi phóng viên báo PNTĐ liên hệ, lập tức facebook này gửi ngay thông tin hướng dẫn khách cách đặt, mua hàng bằng việc gửi số điện thoại và địa chỉ nhận. Tuy nhiên, khi phóng viên Báo muốn hỏi về số điện thoại liên lạc, địa chi nơi bán thuốc để trực tiếp đến chọn mua thì... người bán dừng chát, không cung cấp thông tin. Có thể thấy, với cách bán hàng “ảo” như vậy, người mua khi gặp biến chứng do thuốc không nguồn gốc thì sẽ không thể bấu víu vào đâu để đợi được bồi thường.
(Còn nữa)
“Theo TS Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế: Nếu việc mua bán thuốc kém chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại hiệu thuốc có địa chỉ rõ ràng, được cấp phép, người mua chứng minh được sản phẩm đó của hiệu thuốc thì Cục sẽ có cơ sở yêu cầu Sở Y tế địa phương thanh kiểm tra, xử lý theo từng cấp độ như: phạt tiền, rút giấy phép hoạt động.
Đơn cử, từ phản ánh của người bệnh, ngày 22/6/2021, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành rút giấy phép hoạt động của Phòng chẩn trị y học cổ truyền trực thuộc Công ty TNHH Tâm Minh Đường (số138 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) do không đảm bảo điều kiện về nhân sự tham gia khám bệnh, chữa bệnh và vệ sinh môi trường so với nội dung thẩm định cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đơn vị này còn sai phạm trong quảng cáo một số chế phẩm y học cổ truyền trên thị trường thuốc tỉnh Sơn La.
Tuy nhiên, đối với trường hợp nhiều người bệnh gặp biến chứng do dùng thuốc của đối tượng bán thuốc dạo, bán ngoài đường, góc chợ, mua trên mạng, giao dịch qua điện thoại rồi gửi thuốc qua xe ôm mà người bán-người mua không biết mặt nhau, không có địa chỉ cụ thể… thì rất khó xử lý vì không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay, việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.”
NHÓM PHÓNG VIÊN