Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) không né tránh thực tiễn
PNTĐ-Nhiều vấn đề mới trong thực tiễn lần đầu tiên đưa vào dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và đã được các ĐBQH đưa ra nhiều ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ.
Mang thai hộ: Lường trước những tranh chấp và rủi ro
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận và ủng hộ. Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, ĐB đoàn HN) cho rằng, có con là mong muốn chính đáng của con người.
![]() |
ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Thanh phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Chu Ngọc |
Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nhiều bà vợ không thể mang thai, một số chị em nhiều lần đi thụ tinh nhân tạo nhưng thất bại. Nhìn nhận ở góc độ giới và xã hội, mang thai hộ có ý nghĩa nhân văn nhưng đây là vấn đề hết sức phức tạp và tiềm ẩn những hệ quả khó lường. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh kiến nghị, cần đưa ra những điều kiện, tiêu chí chi tiết về sức khỏe, thậm chí về đạo đức của người mang thai hộ để tránh hệ lụy đáng tiếc. Thêm vào đó, cần quy định rõ quyền của đứa trẻ và các bên liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp.
Đồng tình với quan điểm trên nhưng từ góc độ người làm chuyên môn về y khoa, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (GĐ Bệnh viện Xanh Pôn, đoàn HN) cho rằng, phải quy định chặt để tránh bị lạm dụng, thương mại hóa. ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi đặt ra hàng loạt giả thuyết đáng lưu ý mà dự thảo Luật chưa đề cập. “Giả sử người nhờ mang thai hộ không muốn nhận con khi đứa trẻ có vấn đề về sức khỏe, bị khuyết tật thì sao? Nếu người mang thai hộ sinh đôi, sinh ba trong khi người nhờ chỉ nhận một trẻ thì giải quyết thế nào? Trường hợp người mang thai hộ không trả con thì xử lý ra sao? Liệu có nên quy định về hợp đồng mang thai hộ để hạn chế tranh chấp?”
Hôn nhân đồng tính: Ta đang đi nhanh hơn một bước
Đề cập vấn đề hôn nhân giữa người cùng giới tính, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh cho rằng, chung sống giữa những người cùng giới tính là hiện thực trong xã hội hiện nay, cần nhìn nhận dưới góc độ quyền tự nhiên của con người, nên bỏ cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp.
Khẳng định dự thảo Luật sửa đổi lần này đã thoáng và mở hơn nhưng ĐB Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) góp ý: “Cấm hay không cấm, thừa nhận hay không thừa nhận thì cuộc sống vẫn diễn ra, vì đó là nhu cầu của con người. Bởi vậy, đưa những vấn đề này vào sửa luật là rất văn minh, tiến bộ. Thế nhưng, nếu đưa vào luật mà lại để lửng, không cấm nhưng cũng không thừa nhận là rất khó hiểu”.
Ly thân: Cần rõ ràng khi luật hóa
Dự thảo luật cũng thừa nhận về mặt pháp lý tình trạng ly thân. Cơ quan soạn thảo hy vọng ly thân là công cụ để bảo vệ hôn nhân vì sau thời gian ly thân, nhiều cặp vợ chồng quyết định quay lại sống chung. Đồng thời, xác lập nghĩa vụ cấp dưỡng của bố, mẹ với con cái trong quá trình ly thân góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của trẻ em vì hiện nay, khi bố mẹ ly thân thì không có gì ràng buộc họ phải cấp dưỡng cho con. Có những ý kiến đồng thuận với quan điểm trên, nhất là khi còn nhiều định chế của ta hiện coi nhẹ gia đình. “Thừa nhận ly thân rất quan trọng, làm hạn chế ly hôn. Khi ly thân, nếu còn tình cảm thì họ sẽ xin hủy ly thân để sống lại. Các nước trên thế giới có thống kê rồi: nước nào có định chế ly thân thì tỉ lệ ly hôn ít hơn những nước không có”.
Tuy nhiên, những vấn đề trên mới chỉ là được các ĐBQH đặt ra và nhìn nhận trên quan điểm riêng từ thực tiễn công việc và kinh nghiệm trên thế giới, còn những điều kiện để quy định này có thể khả thi và đáp ứng như mong muốn của chúng ta lại không thấy đề cập trong dự thảo Luật. Đó là chưa kể đến những quy định cần thiết khác mà ĐB Nguyễn Thị Ngọc Thanh đưa ra như “đưa vào luật để làm gì chưa rõ, thời gian ly thân kéo dài bao lâu không thấy nêu”.
Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội từ chiều thứ Ba (19/11) đến hết thứ Năm (21/11). Trước đó Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5; Thảo luận ở hội trường về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. |
Tuấn Kiệt