Nhà trong ngõ sâu, phố nhỏ gặp khó

Chia sẻ

PNTĐ-Để chấm dứt vi phạm xây dựng tràn lan trên nhiều tuyến phố, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi của ngành xây dựng đã đưa ra nhiều quy định mới và cần thiết.

 
Siết chặt là cần thiết
 
Từ trước đến nay, Luật Xây dựng vốn giao toàn quyền cho chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt các bước thiết kế sau khi dự án đã được phê duyệt. Như thế, vai trò quản lý nhà nước trong công tác thiết kế cũng gần như bằng không. Hậu quả là số công trình xây dựng không có giấy phép và sai với giấy phép xây dựng vẫn cao “ngất ngưởng”, sự cố công trình vẫn liên tiếp xảy ra, nhà này xây dựng, nhà liền kề lún nứt, khiếu kiện kéo dài. Nhà phố san sát, ngõ nhỏ, nhưng người dân loay hoay không biết xử lý ra sao khi “bà hỏa” ghé thăm...
 
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng: “Điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng tại Điều 65, Luật Xây dựng hiện hành quy định rất chặt chẽ. Song quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng lại quá đơn giản, cơ quan cấp phép trên thực tế đã phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thêm bản vẽ, tài liệu để xem xét”.
 
Nhà trong ngõ sâu, phố nhỏ gặp khó - ảnh 1
Những ngôi nhà quần cư trong phố cổ sẽ gặp khó với quy định
bổ sung điều kiện cấp phép xây dựng
 
Ông Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, “Siết chặt” khâu cấp giấy phép xây dựng, rà soát bản thiết kế của mỗi công trình là điều cần thiết bắt buộc chủ đầu tư phải đề ra phương án đảm bảo an toàn cho các hộ lân cận, đảm bảo PCCC ngay từ khâu xin giấy phép. Phần thiết kế ban đầu là cốt lõi của dự án, nếu được xem xét kỹ sẽ xác định được quy mô, lựa chọn các giải pháp thiết kế sao cho công trình đảm bảo tuân thủ quy hoạch, không ảnh hưởng cảnh quan xung quanh. Một công trình xây dựng là tài sản cố định có giá trị “khổng lồ”, cần phải được xem xét kỹ để tránh các rủi ro về sau như nghiêng đổ, hỏa hoạn…
 
Đặc biệt là nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư, các hộ dân san sát nhau, công trình này phải đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận khác về: môi trường, phòng cháy chữa cháy, phải đảm bảo khoảng cách an toàn từ nhà đến các công trình dễ cháy, nổ, độc hại xung quanh… Chỉ cần một nhà phát cháy, các hộ dân liền kề sẽ nhanh chóng bị lôi vào “cuộc”, mất mát không chỉ của một nhà mà có khi lan rộng sang chục hộ dân, tổn thất rất lớn”.

Nhưng siết thế nào để không “làm khó” dân
 
Gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản, Luật sư Bùi Thị Thảo (Văn phòng luật sư BQH & đồng sự) cho biết, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng (GPXD) trong dự thảo Luật xây dựng sửa đổi vẫn giữ nguyên những nội dung cũ nhưng thêm nhiều quy định: người xin giấy phép phải nộp bản vẽ kết cấu móng, khung, tường, mái chịu lực. Hồ sơ xin cấp phép phải đảm bảo an toàn cho công trình lân cận và các yêu cầu chặt chẽ về môi trường, PCCC, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, viễn thông), hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, giao thông… Những quy định này theo kiểu “tiền kiểm tra”, loại bỏ những nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra khi công trình đi vào sử dụng.
 
Nhà trong ngõ sâu, phố nhỏ gặp khó - ảnh 2
Một công trình xây dựng là tài sản cố định có giá trị “khổng lồ”, cần
được xem xét kỹ để tránh các rủi ro về sau như nghiêng đổ, hỏa hoạn…
 
Nhưng với những trường hợp nhà ở “siêu chật”, chỉ khoảng chục mét vuông, việc làm thiết kế trước rất tốn kém. Muốn sửa chữa cũng phải mất… nửa năm xin thủ tục, vì theo quy định mới,  bản vẽ thiết kế kỹ thuật cần chi tiết hơn, đồng nghĩa với việc thời gian vẽ dài hơn 4-5 tháng, thêm 4-5 tháng chờ cơ quan chức năng thẩm tra bản vẽ thiết kế kỹ thuật…
 
Theo kiến trúc sư Nguyễn Triệu Anh (Viện Xây dựng HN), bản vẽ về móng, khung, tường, hành lang thoát hiểm, PCCC… của công trình chỉ có được sau khi đã thực hiện nhiều bản vẽ khác về kiến trúc, kết cấu. Chủ đầu tư chưa có giấy phép thì không thể biết công trình của mình được phép xây bao nhiêu tầng, diện tích ra sao… Nếu đầu tư tiền cho bản vẽ trước, sau đó xin giấy phép không được như kế hoạch ban đầu thì phải vẽ lại… quá lãng phí.
 
Quy định này là cần thiết, nhưng sẽ gây khó cho những công trình nằm sâu trong ngõ nhỏ, phố nhỏ HN, nhất là ở phố cổ, việc cải tạo sửa chữa không hề đơn giản. Đối với những hộ không khá giả, diện tích chật chội, riêng khoản tiền sửa chữa, xây mới đã là gánh nặng, giờ quy định mới thì đúng là khó càng thêm khó!

Lê Bích

Tin cùng chuyên mục

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Các đơn vị ra quân đảm bảo ANTT, TTATGT bảo vệ Sea Games 31

Vừa qua, các đơn vị thuộc Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thuộc BCĐ 197 các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức lễ ra quân đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn huyện trong đợt cao điểm bảo vệ Sea Games 31 tại trụ sở Công an huyện.
Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết số 09 của Đảng uỷ Công an Thành phố

Sáng ngày 9/5/2022, Trung tướng Nguyễn Hải Trung- Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã chủ trì Hội nghị trực tuyến và trực tiếp quán triệt Nghị quyết số 09 ngày 03/3/2022 của Đảng uỷ Công an Thành phố về xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay sau lễ ra quân

Sáng 8/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình”. Lễ ra quân được tổ chức từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện trên phạm vi cả nước.