Nộp phạt vi phạm giao thông qua tài khoản: Hay nhưng vẫn… lo
PNTĐ-Mới đây, thông tin Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu lái xe, tiến tới nộp phạt vi phạm giao thông qua tài khoản khiến vấn đề này lại “nóng” lên...
![]() |
Trong tương lai gần, khi vi phạm giao thông, chủ xe sẽ nộp phạt qua tài khoản |
Người dân đỡ khổ… vì nộp phạt?
Trên thực tế, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ngay từ Nghị định 34/CP/2010 cho đến Nghị định 171/2013/NĐ - CP đã quy định rõ: “Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của mình tại ngân hàng”. Để thực hiện việc này, chủ phương tiện khi đăng ký xe phải mở tài khoản tại ngân hàng, nếu vi phạm và có biên lai của cảnh sát giao thông gửi về, tiền xử phạt sẽ lập tức bị trừ trong tài khoản.
Anh Nguyễn Anh Sơn, lái xe cho một công ty cho thuê ô tô ngõ 189 đường Hoàng Hoa Thám cho biết, hai tháng trước, anh Sơn lái xe vượt quá tốc độ ở Quảng Bình, bị cảnh sát lập biên bản, tịch thu giấy phép lái xe và hẹn ngày giải quyết. Thế là chuyến đi đó, anh phải nhờ người khác có bằng lái giúp, chưa kể mất thời gian vào Quảng Bình lấy bằng lái xe, việc đi lại rất tốn kém. “Đối với nhiều chủ xe, nếu bị phạt vì vi phạm giao thông là cả tháng trời đi lại để nộp phạt hay chờ xử lý các thủ tục hậu vi phạm. Có lần khác bị phạt ngay tại Hà Nội, tôi tới điểm nộp phạt, đỗ xe ở cổng kho bạc, nộp chưa xong đã nghe tiếng cảnh sát phát loa đọc biển số xe của mình oang oang yêu cầu ra để lập biên bản… phạt tiếp” – anh Sơn nói thêm.
… Nhưng phát sinh nhiều nỗi lo
Việc ban hành quy định cho phép nộp phạt vi phạm giao thông qua tài khoản ngân hàng có thể coi là một bước đột phá; một khâu cải cách hành chính giảm bớt sự phiền hà cho những ai hay phải đi lại trên đường. Nhìn xa hơn, đây là một hình thức giao dịch văn minh mà bất cứ một đất nước có trình độ phát triển nào cũng thực hiện.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: “Tới đây, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ xây dựng phần mềm có thể kết nối cơ sở dữ liệu từ đăng ký xe, quản lý lái xe, tai nạn giao thông, xử phạt, đăng kiểm, bảo hiểm. Cùng với lộ trình sang tên đổi chủ qua đăng ký xe theo Thông tư 15 của Bộ Công an và khi các ngân hàng vào cuộc, việc xử phạt qua tài khoản sẽ sớm được triển khai”. “Với điều kiện hiện nay, công nghệ đã sẵn sàng chỉ cần thay đổi và nâng cao năng lực bộ máy trực tiếp thực hiện, nhất là công tác bảo mật thông tin thì sẽ thực hiện được”. Cùng với đó, việc lắp đặt camera trên QL1, một số tuyến cao tốc và tại các đô thị lớn sẽ phát huy hiệu quả khi xử phạt qua hình ảnh và nộp phạt qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, UBATGT chỉ thí điểm ở một số địa phương, áp dụng với ô tô trước, để có đầy đủ thông tin, có đánh giá hiệu quả thực tế.
Ủng hộ chủ trương này, song ông Thân Văn Thanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam băn khoăn, còn một bộ phận người nông dân có phương tiện nhưng không có tiền trong ATM sẽ phải tới ngân hàng nộp tiền vào tài khoản, rồi từ đó lại nhờ người khác chuyển khoản giúp. “Muốn thực hiện thành công quy định này, phải có sự kết nối thông tin giữa các ngân hàng khác nhau để lái xe hay doanh nghiệp vận tải thuận tiện trong việc giao dịch cũng như nộp phạt qua tài khoản”. Nhiều người dân cũng lo ngại, ngoài phạt tiền thì các lỗi vi phạm lớn đều có hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện… Sau khi bị trừ tài khoản, ai cũng “ngầm” hiểu sẽ vẫn phải mất thời gian khi bị áp các hình phạt bổ sung nên chuyện xin xỏ, “hối lộ” lực lượng chức năng hoàn toàn có thể tiếp diễn. So trước đây, với quy trình cũ, người dân có thể khiếu nại và nhận trả lời khiếu nại trước khi họ nộp phạt.
Nay khi vi phạm, tiền trong tài khoản bị trừ liệu có được khiếu nại? Hiện nay, để nộp phạt phải có đầy đủ chữ ký của đại diện cơ quan chức năng ra quyết định phạt và người bị phạt. Trong trường hợp người vi phạm không ký thì tiền có được trả lại?
Đình Minh