Xúc xích Trung Quốc có hạn sử dụng đến... năm 2019
PNTĐ-Xúc xích giá rẻ, bao bì toàn tiếng Trung Quốc, đặc biệt có hạn sử dụng đến năm 2019 đã nhiều chuyên gia dinh dưỡng và các bậc phụ huynh phải giật mình!
Mua lén lút, bán công khai
Tan buổi học chiều, những hàng rong bán xúc xích quanh trường THCS Việt Nam – Angieri (phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân) bị học sinh quây kín. Giá từ 10.000 – 15.000 đồng, chiếc xúc xích đủ để các em lót dạ chờ cơm tối nên dường như không bố mẹ nào từ chối. Chủ hàng thoăn thoắt lấy xúc xích từ gói ni lông không nhãn mác, không thành phần… cho vào chảo. Nhiều ngày gạ hỏi về nguồn gốc hàng, chủ hàng mới tiết lộ: “Lên c hợ Đồng Xuân mà mua”.
![]() |
Bao bì xúc xích trôi nổi chỉ có chữ Trung Quốc |
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một cửa hàng thực phẩm nằm ở góc chợ Đồng Xuân, gần đường Cao Thắng. Ngoài những loại xúc xích chính hãng, người bán còn giới thiệu thêm loại xúc xích “ngoài luồng”, loại này không bày bán công khai trên sạp hàng mà “cất ở nhà, trong kho lạnh bảo quản. Ai có nhu cầu mua, cửa hàng mới cho nhân viên đi lấy”. Phải nói khó và hứa hẹn mua số lượng lớn, chúng tôi mới được chị chủ hàng mang mẫu ra cho xem. Trên bao bì gói xúc xích chỉ ghi bằng tiếng Trung Quốc, không dán nhãn nhập khẩu. Bề mặt túi phủ một lớp đá cứng dày 2-3cm. Gạt đi gạt lại lớp đá bám trên vỏ bao, chúng tôi mới tìm được hạn sử dụng mờ mịt là… năm 2019 mà không có ngày sản xuất. Chẳng ai biết số xúc xích đông lạnh này đã tồn kho được bao nhiêu năm (?!). Chị chủ hàng không ngừng tiếp thị: “Tha hồ giữ lạnh và bán hàng. Khách lấy số lượng càng nhiều càng được giảm giá. 6 năm hay 10 năm vẫn… thơm ngon”.
Nhiều nguy cơ rước bệnh vào thân
“Ngoài phương pháp chiếu xạ với cường độ cực mạnh, còn lại, không có phương pháp nào tối ưu để có thể bảo quản thực phẩm hàng chục năm như thế” – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định và cho biết thêm, phương pháp chiếu xạ đòi hỏi rất nhiều quy định nghiêm ngặt về cơ sở chế biến, điều kiện lưu kho, vận chuyển, chi phí thực hiện rất đắt nên không phổ biến. Với giá quá rẻ, xúc xích bán trôi nổi trên thị trường không thể áp dụng quy trình hiện đại bậc nhất này.
Trao đổi với PV báo PNTĐ, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng đồng tình, xúc xích là hỗn hợp của thịt, mỡ, nước, để liên kết các thành phần, việc sử dụng các chất phụ gia thực phẩm là không thể thiếu. Các chất này giúp xúc xích có độ xốp nhẹ, chống vón và “tránh xa” sự thâm nhập của vi sinh vật. Phụ gia thông thường trong xúc xích bao gồm: chất tạo màu tổng hợp Erythrosine, chất tạo vị và chống oxy hóa Acid ascorbic (vitamin C), chất sát khuẩn Natri nitrite (muối diêm) và bột ngọt. Liều lượng sử dụng chất phụ gia theo quy định từ 0,4 - 0,6% trên trọng lượng chất khô. Nếu sử dụng vượt quá ngưỡng này, hệ tiêu hóa và các cơ quan nội tạng của con người sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Thông thường, thực phẩm chế biến sẵn chỉ có hạn sử dụng phổ biến là 3-6 tháng, tối đa là 2 năm. Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là Kali sorbate và Nitrit. Nó vừa có tính năng bảo quản, vừa làm tươi, đỏ màu xúc xích. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều, Kali sorbate và Nitrit sẽ phản ứng với Axit amin trong thịt, tạo ra samin – một chất gây ung thư.
Lê Bích