An toàn tình dục cho tuổi teen
(PNTĐ) - Thiếu hiểu biết về cách quan hệ tình dục an toàn, cách phòng tránh thai đã gây nhiều hệ lụy, nhiều trẻ em gái mang thai sớm, mắc bệnh phụ khoa, phá thai sớm...
Đứng trước thực trạng trên, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế, đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã trang bị kiến thức, truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên thông qua các buổi giáo dục kiến thức cho học sinh các trường THCS.
Xu hướng quan hệ sớm và không an toàn ở tuổi vị thành niên (VTN)
Vừa qua, theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp nhận đỡ đẻ cho một sản phụ mới chỉ 13 tuổi, đẻ thường, em bé chào đời nặng 2,9kg. Tương tự, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã tiếp nhận một nữ sinh sinh con. Cô gái trẻ sinh năm 2009 phát hiện mình mang thai khi vừa học hết lớp 11, rất may mắn vì mẹ tròn, con vuông. Theo các bác sĩ, hiện nay, trẻ dậy thì sớm nên việc quan hệ tình dục sớm là chuyện không còn hiếm.
Những nguyên nhân chính dẫn đến trẻ VTN mang thai là không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, gia đình chưa quan tâm, bị lạm dụng hay không ít trường hợp đơn giản chỉ là tò mò. Đáng lo ngại, có những em không hề biết là mình đang mang thai. Chỉ đến khi gia đình nhận thấy bất thường và đưa đi khám, tuổi thai đã rất lớn. Qua tư vấn và trao đổi, các bác sĩ nhận thấy hầu hết các em đều không có kiến thức về phòng tránh thai hay sức khỏe sinh sản. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp thai 32 tuần tuổi gia đình mới biết.
Rất nhiều con số trong các nghiên cứu đã báo động tình trạng này, cho thấy mang thai tuổi vị thành niên đã trở thành vấn đề không thể né tránh. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ VTN mang thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm. Năm 2010 là 2,9%; năm 2011 là 3,1%; năm 2012 là 3,2%. Tương ứng, tỉ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%; 2,4% và 2,3%.
Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi lại tăng gấp 2 lần trong 6 năm từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% vào năm 2019.
Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam, việc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên kéo theo hàng loạt hệ lụy. Các biến chứng khi mang thai và sinh con tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.
Mặt khác, nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Bên cạnh đó, em bé sinh ra từ những bà mẹ trẻ này có sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển.
Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn
Đứng trước thực trạng trên, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế, đơn vị, địa phương như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai, quận Cầu Giấy cùng một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã trang bị kiến thức, truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) VTN thông qua các buổi giáo dục SKSS VTN cho học sinh các trường THCS.
Thông qua buổi truyền thông đã trang bị cho các em những kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe tuổi VTN, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý. Những kỹ năng sống cần cho sự phát triển về sức khỏe VTN; cách phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tránh mang thai ngoài ý muốn…
Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn và tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục có chất lượng, phù hợp với điều kiện học tập, làm việc và sinh hoạt của các nhóm vị thành niên, thanh niên, góp phần đưa vị thành niên, thanh niên trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố… cũng là tinh thần nêu trong Kế hoạch số 292/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Kế hoạch nêu rõ 3 mục tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên thành phố trong thời gian tới. Đáng chú ý, thành phố phấn đấu đến năm 2025, nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện phù hợp với lứa tuổi bao gồm cả kỹ năng sống liên quan đến vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục được đưa vào các hoạt động ngoại khóa, các giờ sinh hoạt trong nhà trường.
80% vị thành niên, thanh niên thuộc nhóm đối tượng ưu tiên có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên như giáo dục giới tính, tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục, lây truyền qua đường tình dục, lây nhiễm HIV, phòng ngừa xâm hại và bạo lực tình dục, dự phòng phát hiện sớm ung thư đường sinh dục...
Ngoài giáo dục giới tính, nâng cao điều kiện sống, đầu tư vào các chương trình tuyên truyền tình dục an toàn, theo các chuyên gia, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con mình có được thông tin về các biện pháp tránh thai khác nhau, có thể trò chuyện để giúp con hiểu về tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai với con mình sớm và thường xuyên. Từ đó, giúp các con có một nền tảng tốt để tự bảo vệ mình.