Trăn trở "bài toán" nâng cao năng lực y tế cơ sở

Bài 1: Y tế cơ sở - nhiều đổi mới nhưng người dân vẫn chưa “mặn mà“

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của đất nước với kỳ vọng bứt phá về tăng trưởng kinh tế. Đối với ngành Y tế, một vấn đề bức thiết đặt ra là làm sao để nâng cao hơn nữa hiệu quả, năng lực của y tế cơ sở, cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế ngay tại địa phương…

Y tế cơ sở được xem là một trong 2 “mũi giáp công”, vừa chống dịch bệnh, vừa là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Qua đại dịch Covid-19 càng thấy rõ y tế cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một nghịch lý: Nhiều trạm y tế xã vắng bóng bệnh nhân, trong khi các bệnh viện lớn và phòng khám tư luôn quá tải.

Bài 1: Y tế cơ sở - nhiều đổi mới nhưng người dân vẫn chưa “mặn mà“ - ảnh 1
Tại các bệnh viện lớn, khu vực khám luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải. Ảnh: T.H

Nhiều khởi sắc
Bước sang giai đoạn đổi mới, ngành y tế Việt Nam cũng có những thay đổi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe; đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống cho người dân. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng được cải thiện, tăng từ khoảng 38 tuổi năm 1945, lên 60 tuổi (giai đoạn 1975-1980) và lên mức trung bình 74,5 tuổi hiện nay - cao hơn trung bình của thế giới 73,3 tuổi. 

Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của mạng lưới các cơ sở y tế rộng khắp cả nước, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, chuyển đổi cơ chế kinh tế, mạng lưới y tế xã, phường ở nhiều nơi hoạt động cầm chừng; nhiều bệnh viện, nhất là ở tuyến huyện, xuống cấp nghiêm trọng. 

Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân. Hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh được tổ chức theo ba cấp chuyên môn, phân bố theo các vùng miền trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân mọi vùng miền từ ban đầu, cơ bản đến chuyên sâu. Năm 2024, số giường bệnh trên một vạn dân đạt 34 giường bệnh, cao hơn mức trung bình thế giới (33 giường bệnh/1 vạn dân) và cao hơn tất cả các nước ASEAN. 

Mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh phát triển nhanh với nhiều mô hình công, tư, kết hợp công - tư phong phú, đa dạng. Mô hình kết hợp quân dân y, y tế công an nhân dân, y tế biển đảo được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa… Trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh được thành lập tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cơ sở hợp nhất sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh; thành lập Trung tâm Y tế huyện đa chức năng cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, dân số.

Người dân vẫn nặng tâm lý chuộng “tuyến trên”
Dù có nhiều khởi sắc và đổi mới, nhưng một nghịch lý đặt ra là dù hệ thống y tế cơ sở ngày càng phát triển, người bệnh vẫn ưu tiên lựa chọn bệnh viện tuyến trên. Họ chấp nhận đi xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được khám tại các bệnh viện lớn, thay vì sử dụng dịch vụ y tế tại địa phương.

Chị Trần Thị D (SN 1993, trú tại Kim Sơn, Ninh Bình), đến Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội khám chỉ bởi có triệu chứng tức ngực. Để chẩn đoán, bác sĩ chỉ định một số mục khám cơ bản ban đầu: Xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang ngực thẳng, điện tim thường. Chị D chia sẻ: “Dù những kỹ thuật này ở y tế huyện hay tỉnh đều làm được, nhưng tôi vẫn chấp nhận đi xa, phải di chuyển từ 5 giờ sáng, khám dịch vụ chứ không theo bảo hiểm y tế… chỉ vì cảm thấy khám ở đây yên tâm hơn”.

 Không riêng chị D, thực tế, tâm lý “lên tuyến trên cho yên tâm” vẫn rất phổ biến trong cộng đồng. Nhiều người ở các tỉnh lân cận của Hà Nội như Nam Định, Hưng Yên, thậm chí Sơn La, Phú Thọ cũng chấp nhận tốn kém chi phí, thời gian đến khám ở bệnh viện tuyến Trung ương thay vì tới bệnh viện tuyến cơ sở ngay tại địa phương. 

Người dân cho rằng bác sĩ tuyến trên có chuyên môn cao hơn, thiết bị hiện đại hơn, thuốc điều trị cũng đầy đủ hơn. Trong khi đó, nhiều trạm y tế xã vẫn còn những hạn chế nhất định: thiếu bác sĩ giỏi, thuốc bảo hiểm y tế ít chủng loại, cơ sở vật chất xuống cấp khiến niềm tin của người dân giảm sút. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn: Bệnh nhân không đến khám, khiến hệ thống y tế cơ sở hoạt động cầm chừng, nguồn lực không được đầu tư mạnh, dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa cải thiện, và cuối cùng lại càng ít bệnh nhân hơn. Một thực tế dễ nhận thấy là sự chênh lệch giữa y tế cơ sở và bệnh viện tuyến trên không chỉ nằm ở khoảng cách địa lý, mà còn nằm ở chất lượng phục vụ và tâm lý người bệnh. 

Nhìn rộng ra, nhiều trạm y tế xã trên cả nước cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại Thái Bình, số lượt bệnh nhân đến khám bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế xã Trà Giang (huyện Kiến Xương, Thái Bình) từng đạt hơn 900 lượt mỗi năm. Nhưng từ năm 2020 đến nay, dù đội ngũ y tế đã rất nỗ lực, con số này chỉ còn hơn 30 bệnh nhân mỗi tháng. Tại TYT xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy, Thái Bình), trước kia, số lượng người đến KCB bảo hiểm y tế đạt từ 140 - 200 lượt bệnh nhân/tháng. Tuy nhiên, hiện nay dao động chỉ khoảng 50 - 100 lượt bệnh nhân/tháng.

Hay như TYT xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) luôn trong tình trạng vắng bóng bệnh nhân. Hầu như chỉ có bác sĩ, nhân viên y tế túc trực, làm công việc theo Chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2023, TYT xã Mỹ Tân chỉ đón được 78 bệnh nhân. Đến năm 2024, tình hình có cải thiện nhưng cũng chỉ được 110 bệnh nhân, bình quân 3 ngày mới có 1 người bệnh tìm đến. Theo lãnh đạo TYT, số lượng bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm rất thấp, không tới 10% dân số trên địa bàn. Trong khi đó, tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, thậm chí là bệnh viện tư nhân, lượng bệnh nhân tới khám thường lên tới vài trăm, có lúc cả ngàn người mỗi ngày.
Niềm tin… quyết định sự lựa chọn
Trong khi y tế cơ sở ở Việt Nam chưa phải là lựa chọn ưu tiên của người dân, tại nhiều quốc gia khác đã phát triển mạnh mô hình này. Tại Anh, hệ thống bác sĩ gia đình (GP) là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe. Theo số liệu từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) vào năm 2023, khoảng 90% nhu cầu khám chữa bệnh của người dân được giải quyết tại các GP mà không cần đến bệnh viện. Điều này giúp giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên và tạo niềm tin cho người dân ngay từ tuyến cơ sở.

Ở Nhật Bản, theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (năm 2023), khoảng 70% người dân lựa chọn khám tại các phòng khám địa phương thay vì đến bệnh viện lớn. Các phòng khám tư nhân đóng vai trò quan trọng, cung cấp dịch vụ chuyên sâu ngay tại địa phương, giúp giảm thời gian chờ đợi và đảm bảo tính tiện lợi.

Thái Lan cũng là một ví dụ đáng chú ý. Quốc gia này đã áp dụng chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh miễn phí hoặc chi phí thấp tại các cơ sở y tế địa phương. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), hơn 80% dân số Thái Lan sử dụng y tế cơ sở là lựa chọn đầu tiên khi có vấn đề sức khỏe, nhờ vào chất lượng bác sĩ và trang thiết bị được đầu tư mạnh.

So sánh với các quốc gia khác, có thể thấy rằng khi người dân tin tưởng vào chất lượng dịch vụ tại y tế cơ sở, họ sẵn sàng lựa chọn thay vì đổ dồn lên tuyến trên. Trong khi đó, nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở, Chính phủ Việt Nam đang triển khai hàng loạt chính sách và chương trình đầu tư. Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam tập trung nâng cấp trạm y tế xã, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, hướng đến 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, Nhà nước đẩy mạnh đào tạo nhân lực, triển khai mô hình bác sĩ gia đình, mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) và tăng cường kết nối y tế cơ sở với bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, dù có sự đầu tư mạnh mẽ, y tế cơ sở vẫn chưa thực sự thu hút được người dân do nhiều rào cản về niềm tin, chất lượng dịch vụ và thói quen khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trên. Làm thế nào để người dân thực sự tin tưởng vào y tế cơ sở? Làm sao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới, để họ không còn cảm giác “đi khám cho yên tâm” mà thực sự thấy hiệu quả ngay tại nơi mình sinh sống? Đây không chỉ là bài toán về cơ sở vật chất hay nhân lực, mà còn là câu chuyện về niềm tin và sự thay đổi trong nhận thức của cả hệ thống y tế và người dân.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hơn 7.000 vận động viên chạy quanh các danh thắng tỉnh Quảng Trị

Hơn 7.000 vận động viên chạy quanh các danh thắng tỉnh Quảng Trị

(PNTĐ) - Giải Tiền Phong Marathon lần thứ 66 vừa được tổ chức tại Thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, đã thu hút hơn 7.000 vận động viên. Các vận động viên đã tham gia chạy ở các đường chạy đi qua các thắng cảnh và di tích lịch sử của tỉnh Quảng Trị, bao gồm Cầu Sông Hiếu, Hồ Khe Mây, đường Hoàng Diệu, đường Hiền Lương, chạy qua bờ sông Hiếu thơ mộng và những cánh đồng lúa đẹp như tranh vẽ.
Hội nghị khoa học quốc tế BV Hữu Nghị 2025: Bàn luận nhiều vấn đề thiết thực về chăm sóc sức khỏe

Hội nghị khoa học quốc tế BV Hữu Nghị 2025: Bàn luận nhiều vấn đề thiết thực về chăm sóc sức khỏe

(PNTĐ) - Từ ngày 27-28/3/2025, Hội nghị Khoa học Quốc tế BV Hữu Nghị năm 2025 với chủ đề "Tiếp cận đa chuyên ngành trong quản lý bệnh nhân cao tuổi: Hiện tại và tương lai" đã diễn ra thành công với sự tham gia của hơn 500 chuyên gia y tế trong nước và quốc tế. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề trọng điểm trong công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân cao tuổi.
Có hẹn với thanh xuân: Khi những giọt máu hồng kết nối yêu thương

Có hẹn với thanh xuân: Khi những giọt máu hồng kết nối yêu thương

(PNTĐ) - Từ sáng sớm ngày 26/3, khi những vạt nắng nhẹ mới bắt đầu le lói, từ cổng viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thấy những dòng người hào hứng bước vào khu vực xếp hàng, chờ tới lượt đăng ký hiến máu. Hôm nay, tất cả những người tới đây đều có chung một cuộc hẹn - "Cuộc hẹn với thanh xuân" - chương trình hiến máu ý nghĩa, lan tỏa những giá trị nhân văn, tốt đẹp của cuộc sống.