Trăn trở "bài toán" nâng cao năng lực y tế cơ sở
Bài cuối: Cần quyết liệt từ chủ trương đến hành động
(PNTĐ) - Từng được xác định là “người gác cổng” của hệ thống y tế, y tế cơ sở vẫn đang loay hoay trong bài toán niềm tin và năng lực. Đầu tư đã có, nhưng người dân chưa mặn mà; cơ chế đã bàn, nhưng chưa vận hành đồng bộ. Vậy đâu là hướng đi để đánh thức tiềm lực y tế tuyến đầu - nơi gần dân nhất, thiết thực nhất và cũng đang cần sự "tiếp sức" mạnh mẽ nhất?

Gỡ nút thắt "nhân lực" bằng chính sách hỗ trợ thiết thực
Một trong những yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở chính là vấn đề nhân lực. Hiện nay, tình trạng thiếu hụt bác sĩ và nhân viên y tế, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đang là một thách thức lớn. Để giải bài toán này, cần những chính sách hỗ trợ thiết thực, cả về chế độ đãi ngộ lẫn môi trường làm việc.
Để cải thiện chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế cơ sở, Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới, trong đó đề xuất tăng mạnh phụ cấp trực. Theo đó, mức phụ cấp trực 24/24 giờ tại Trạm y tế (TYT) xã và TYT quân dân y; cùng với tiền ăn của buổi trực cũng được đề xuất tăng gần gấp 3 lần. Dự thảo cũng mở rộng đối tượng hưởng phụ cấp, bổ sung nhân viên trực cấp cứu ngoại viện, pháp y công lập...
Đồng thời, quy định cụ thể về thời gian nghỉ bù sau ca trực, trả lương làm thêm giờ khi không thể nghỉ bù, nhằm bảo đảm sức khỏe và quyền lợi cho y bác sĩ. Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực giữ chân và tạo động lực cho nhân lực y tế cơ sở vốn đang chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp ngày 25/3/2025 với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thực hiện chủ trương đưa 1.000 bác sĩ về tuyến cơ sở trong năm nay. Đây là quyết tâm chính trị rõ rệt nhằm giải quyết tận gốc vấn đề nhân lực cho y tế cơ sở, nhất là những địa phương khó khăn.
Tuy nhiên, để chủ trương ấy thành hiện thực, ngành y cần những cơ chế đủ mạnh. Có thể kể đến quy định luân phiên bắt buộc với bác sĩ mới tốt nghiệp hoặc vừa hoàn tất đào tạo chuyên khoa, nhằm bổ sung lực lượng ngay cho địa phương khó khăn. Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, đào tạo từ xa có thể là một giải pháp hiệu quả.
Ví dụ, các chương trình đào tạo trực tuyến do các bệnh viện lớn và các trường y khoa tổ chức sẽ giúp các bác sĩ, nhân viên y tế ở cơ sở tiếp cận được với kiến thức chuyên môn mới mà không cần phải di chuyển nhiều. Với bác sĩ đã có kinh nghiệm, cần những gói đãi ngộ đặc thù: Phụ cấp cao, nhà ở, hỗ trợ sinh hoạt... những điều kiện để họ yên tâm "cắm chốt" lâu dài.
Thực tế cho thấy, khi điều kiện sống và hành nghề được đảm bảo, nhiều bác sĩ sẵn sàng rời đô thị về phục vụ nơi cần họ nhất. Một số tỉnh miền núi như Cao Bằng, Hà Giang đã áp dụng chính sách hỗ trợ toàn diện: Từ nhà công vụ, phụ cấp khu vực đến hỗ trợ tài chính ban đầu, đội ngũ y tế gắn bó từ 5 năm trở lên được tưởng thưởng xứng đáng. Đây là hướng đi phù hợp với đặc thù vùng khó, nơi mà lương bổng đơn thuần chưa đủ sức giữ chân bác sĩ; tạo ra chuyển biến tích cực trong thực tế.
Những chính sách này không chỉ mang tính khích lệ, mà còn thể hiện sự công bằng và ghi nhận đúng mức đóng góp thầm lặng của lực lượng y tế cơ sở; là bước quan trọng trong nỗ lực giữ chân và tạo động lực cho nhân lực y tế cơ sở, vốn đang chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập còn hạn chế.
Cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số y tế
Song song với nâng cao chất lượng nhân lực, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số được xem là đòn bẩy để y tế cơ sở hoạt động hiệu quả hơn. Bởi thực tế cho thấy, nhiều nơi còn thiếu máy móc thiết yếu, thiếu thuốc, thủ tục hành chính rườm rà, chưa có liên thông bệnh án điện tử, chưa phổ biến thanh toán không tiền mặt...

Khi môi trường làm việc không đủ tốt, bác sĩ không chỉ khó duy trì tay nghề, mà còn khó giữ được ngọn lửa nghề. Đây là "vòng luẩn quẩn" khiến nhiều người trẻ chọn bệnh viện lớn, khu vực tư nhân. Do đó, đầu tư cho hạ tầng, công nghệ, và danh mục thuốc thiết yếu là điều kiện bắt buộc nếu muốn giữ chân bác sĩ và thu hút bệnh nhân.
Trên thực tế, nhiều mô hình đã được triển khai hiệu quả. Tại Hà Nội, mô hình "TYT thông minh" đang góp phần thay đổi bộ mặt y tế cơ sở. Ở quận Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh… TYT đã kết nối bệnh án điện tử, sử dụng CCCD thay thẻ BHYT, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, người dân được chăm sóc y tế thuận tiện, hiện đại và liên tục.
Cụ thể, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), người dân đánh giá cao chất lượng phục vụ và chuyên môn tại phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện. Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm y tế huyện, đơn vị đã triển khai thu viện phí không tiền mặt, kê đơn thuốc điện tử, chữ ký số, dùng CCCD thay BHYT giấy. Trung tâm hiện quản lý 26 TYT và 5 phòng khám đa khoa, với khoảng 200.000 người đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Một số trạm khám tới 80 bệnh nhân/ngày - con số khá ấn tượng với tuyến xã.
Tại quận Tây Hồ (Hà Nội), 8 TYT và 2 phòng khám đa khoa cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Năm 2024, tổng số lượt khám chữa bệnh đạt gần 41.000 lượt, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước nhờ áp dụng phần mềm HIS, sử dụng CCCD thay BHYT và thanh toán qua mã QR không tiền mặt. Giám đốc Trung tâm Y tế quận Tây Hồ Lưu Văn Báu khẳng định: Y tế cơ sở làm tốt sẽ giảm tải cho tuyến trên và giảm thời gian, chi phí cho người dân, nhất là với các bệnh mạn tính có thể theo dõi điều trị tại chỗ.
Đồng bộ và linh hoạt trong giải pháp - chìa khóa để thành công
Để tháo gỡ vòng xoáy "thiếu bác sĩ - ít bệnh nhân - thiếu kinh phí - chất lượng thấp - lại vắng bệnh nhân", các địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp căn cơ: Tăng đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phục hồi niềm tin của người dân với y tế cơ sở.
Tuy nhiên, bài toán này không thể giải bằng một mô hình chung. Với đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có thể đẩy mạnh công nghệ, bố trí bác sĩ kiêm nhiệm. Trong khi đó, vùng sâu vùng xa cần tập trung giữ chân nhân lực và tăng cường y tế dự phòng. Thành công phụ thuộc vào sự linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với từng địa phương, chứ không thể "mặc chung một chiếc áo".
Ở cấp Trung ương, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn liên thông bệnh án điện tử, xây dựng hồ sơ sức khỏe cá nhân toàn dân… Nhưng để những chủ trương ấy không chỉ nằm trên giấy, cần đầu tư hạ tầng mạng, đơn giản hóa thủ tục, và nhất là điều chỉnh cơ chế tài chính - để các TYT có động lực hoạt động hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng khác là làm sao để người dân thực sự tin tưởng và chủ động tìm đến TYT. Muốn vậy, TYT phải đủ năng lực chuyên môn, thân thiện, thuận tiện và gần gũi. Người dân cần cảm thấy: "TYT là của mình". Khi đó, y tế cơ sở mới có thể vững vàng và phát triển bền vững. Để làm được điều này, công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh.
Bởi dù được đầu tư cải thiện, nhiều TYT vẫn rơi vào cảnh vắng vẻ do người dân chưa biết, chưa tin, hoặc giữ thói quen "lên thẳng tuyến trên". Vì vậy, việc truyền thông một cách thuyết phục cả về kết quả cụ thể, dịch vụ nổi bật, đội ngũ chuyên môn là cách để khơi gợi lại niềm tin và tạo sự gắn kết giữa người dân với y tế cơ sở.
Nhiều địa phương đã làm tương đối tốt công tác truyền thông. Tại Hà Nội, các TYT phối hợp với tổ dân phố, mạng xã hội cộng đồng để thông báo lịch khám lưu động, tiêm chủng, tầm soát định kỳ và hướng dẫn đăng ký khám qua CCCD. Ở TP Hồ Chí Minh, một số trung tâm y tế còn làm video, livestream tư vấn sức khỏe từ xa, giúp người dân thấy sự chuyên nghiệp và gần gũi của TYT. Hình ảnh người bác sĩ cơ sở không chỉ "trực trạm" mà còn đồng hành, chăm lo sức khỏe lâu dài cho từng người dân đã dần quay trở lại theo một cách hiện đại hơn, hiệu quả hơn.
Có thể nói, y tế cơ sở không thể vững nếu chỉ xây trên ý chí. Nó cần được dựng bằng chính sách đúng, nguồn lực đủ và sự đồng hành từ cả hệ thống. Chúng ta đang có chủ trương đúng, mô hình hiệu quả và công nghệ sẵn sàng. Nhưng nếu hành động vẫn chậm, lúng túng, những cơ hội ấy sẽ trôi qua - để lại khoảng trống không chỉ về nhân lực, thiết bị, mà lớn hơn cả: khoảng trống về niềm tin.