Báo động trẻ hóa ung thư dạ dày ở nữ giới

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều người cho rằng ung thư dạ dày là bệnh của người trung niên. Tuy nhiên, căn bệnh này hiện có xu hướng gia tăng và trẻ hóa về độ tuổi. Trong đó, nhiều bệnh nhân là phụ nữ.

 
Báo động trẻ hóa ung thư dạ dày ở nữ giới - ảnh 1
Nhiều bệnh nhân phải phẫu thuật ung thư dạ dày khi tuổi đời còn rất trẻ. Ảnh minh họa

 
PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - nguyên Giám đốc bệnh viện E Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội cho biết, hiện nay, tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày đứng thứ 2 sau ung thư gan. Việt Nam nằm ở vùng mắc ung thư dạ dày cao nhất trên thế giới. Miền Bắc có xu hướng mắc bệnh cao hơn miền Nam. Đáng nói, ung thư dạ dày ngày càng có xu hướng trẻ hóa về tuổi. 
 
Theo TS.BS Phạm Văn Bình - trưởng khoa Ngoại bụng 1, bệnh viện K Trung ương, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ 10-20 ca mắc ung thư dạ dày ở độ tuổi ngoài 20 với các yếu tố nguy cơ khác nhau. Gần đây nhất, bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật một ca mắc ung thư dạ dày khi bệnh nhân mới 13 tuổi. Trước nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu đi ngoài phân đen và nôn.
 
Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhi từng bị viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP nhiều năm dù đã điều trị nhưng không khỏi. Kết quả nội soi dạ dày phát hiện có khối u ở phần hang vị. “Đây là một ca đặc biệt vì tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP kèm theo viêm dạ dày ở trẻ em ngày càng tăng nhưng rất hiếm trường hợp tiến triển thành ung thư”.
 
Đầu năm 2019, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng tiếp nhận và phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 23 tuổi mắc ung thư dạ dày. Bệnh nhân tới viện khám khi thấy biểu hiện đau vùng bụng trên rốn. Nhưng khi khám nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện tổn thương ở vùng hang vị. Qua sinh thiết giải phẫu tế bào, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày dạng tuyến biệt hóa kém, dạng tế bào nhẫn, có mức độ ác tính cao, triệt căn thấp, thậm chí khả năng sống sau mổ không nhiều. Để điều trị, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bán phần dạ dày dưới, nạo hạch, đồng thời tiến hành điều trị hóa chất và xạ trị sau phẫu thuật.
 
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới ung thư dạ dày, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị cho biết, yếu tố gây ung thư dạ dày được các nhà khoa học xác định và giải mã thành công đó là sự góp mặt của vi khuẩn Helicobacter pylori - HP gây viêm dạ dày mãn trong giai đoạn đó có thể tiến triển thành ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân có thể nhiễm vi  khuẩn HP lên tới 40 - 60%.
 
Theo PGS.TS Nghị, vi khuẩn HP có thể vào cơ thể người theo một số đường như: từ động vật sang người, từ ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước sang người và nguồn lây từ người sang người là đường lây rất phổ biến, nhất là với trẻ em. Có 2 kiểu lây đó là miệng-miệng ví dụ như: hôn, nhai cơm cho trẻ, dùng đũa gắp thức ăn chung và kiểu thứ 2 là sử dụng nguồn nước và thức ăn của những người sống cùng nhau trong gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP cũng có thể lây truyền cho người thân. 
 
Ngoài vi khuẩn HP, PGS.TS Nghị chia sẻ: chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu chất xơ và các loại vitamin như: B12, axit folic, ăn dưa muối, ăn mặn, ăn đồ nướng cháy, sinh hoạt không hợp lý, lười vận động… cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày có xu hướng gia tăng. Triệu chứng lâm sàng điển hình nhất thường thấy với bệnh nhân ung thư dạ dày là: ăn chậm tiêu, đầy hơi chướng bụng. Tuy nhiên, một số trường hợp không có dấu hiệu điển hình.
 
Bởi vậy, để phòng ngừa ung thư dạ dày, PGS.TS Đoàn Hữu Nghị khuyến cáo, những người có tiền sử viêm dạ dày mạn tính, viêm dạ dày có nhiễm vi trùng HP, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, đi tiêu ra máu, ói ra máu… nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, sớm tầm soát ung thư dạ dày để phát hiện và điều trị kịp thời.
 
Nghiên cứu cho thấy, nếu phát hiện ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm, sau điều trị, tỉ lệ bệnh nhân sống hơn 5 năm là trên 90%, trong khi nếu phát hiện ở giai đoạn tiến triển, tỉ lệ sống trên 5 năm chỉ dưới 10%. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại bệnh viện K, hiện tại hơn 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn với các nhu cầu điều trị giảm đau và chăm sóc triệu chứng là chủ yếu; khiến hiệu quả chữa bệnh giảm nhiều.
 
 
Lê Phương 

Tin cùng chuyên mục

​  Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

​ Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn thành phố; có giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố kịp thời, phù hợp, không để dịch lây lan, bùng phát.
Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng: Cảnh báo khi mùa hè đang đến gần

Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng: Cảnh báo khi mùa hè đang đến gần

(PNTĐ) - Dù mới bước vào đầu hè, nhưng chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận 3 bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Đuối nước ở trẻ em thường là hậu quả do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự bất cẩn của người lớn khi trông trẻ và hệ thống sông ngòi, ao hồ, bể bơi... chưa đảm bảo điều kiện an toàn.