Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Kỳ tích cứu sống bé gái sinh non chỉ nặng 400gr

Chia sẻ

Tới nay, đây là trường hợp em bé thấp cân nhất của Việt Nam được cứu sống. Sự kiện này không chỉ là thành tựu của lĩnh vực sơ sinh sớm, của bệnh viện Phụ sản Trung ương mà còn của ngành y cả nước nói chung.

Khi chào đời, bé Thái T.A chỉ nặng 400gr.Khi chào đời, bé Thái T.A chỉ nặng 400gr. (Ảnh: BVCC)

Theo chia sẻ của Ts.Bs Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh (bệnh viện Phụ sản Trung ương), bé gái là Thái T.A, được mổ đẻ ngày 1/6/2021 khi mới được 27 tuần 2 ngày. Trước đó, mẹ cháu được chuyển cấp cứu từ BV tỉnh Nghệ An ra trong tình trạng tiền sản giật nặng, thai nhi chậm phát triển trong tử cung, suy thai… nên phải đình chỉ thai kỳ, mổ bắt con để cứu mẹ và bé.

Sau sinh, bé A suy dinh dưỡng nặng, teo đét, bụng chướng, thở nấc, phải thở máy, oxy. Đặc biệt, bé cực kỳ thấp cân non tháng (chỉ nặng 400gr – tương đương 1 xi-lanh tiêm có thể tích 50ml). Tất cả các cơ quan như: gan, thận, não, phổi, tuần hoàn… vô cùng non yếu và dễ bị tổn thương.

Sau khi sinh, bé T.S được nuôi trong lồng kính, chăm sóc toàn diện và tỉ mỉ bởi các y bác sĩ.Sau khi sinh, bé T.S được nuôi trong lồng kính, chăm sóc toàn diện và tỉ mỉ bởi các y bác sĩ. (Ảnh: BVCC)

Nếu không được bác sĩ chăm sóc toàn diện bằng các chiến lược rất khắt khe, cẩn trọng, tỉ mỉ, an toàn như vậy… bé A sẽ phải đối mặt với không ít nguy cơ. Nguy cơ sớm có thể là ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt, xuất huyết đặc biệt nguy hiểm, dễ viêm ruột gây hoại tử, bị nhiễm trùng sơ sinh, rối loạn chuyển hóa, vàng da, tan máu, thiếu máu…

Thậm chí, em bé có thể gặp phải 1 trong 8 nguy cơ muộn hơn như: Bại não hoặc tàn tật giảm vận động, tăng động giảm chú ý, xơ phổi, bệnh lý võng mạc do sinh non, nguy cơ đột tử, rối loạn tăng trưởng, đái đường, cao huyết áp…” - Ts.Bs Trác cho biết.

Bác sĩ bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện massage cho bé T.ABác sĩ bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện massage cho bé T.A (Ảnh: BVCC)

Là người chăm sóc bé Thái T.A từ những ngày đầu tiên, BS CKII Nguyễn Thu Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh chia sẻ thêm: Thời điểm mổ cấp cứu lấy thai, các bác sĩ đã xác định cơ hội sống của bé rất mong manh. “Nhưng với người làm nghề y, sinh mạng là thứ quý giá và vô cùng thiêng liêng, vì thế còn nước còn tát, chỉ cần nhịp tim còn thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức, bằng mọi giá cứu sống, chăm sóc người bệnh tốt nhất. Hơn nữa, trong hoàn cảnh này, sản phụ còn trẻ, lại bị tiền sản giật nặng, nguy cơ lần sau có con rất khó khăn, thai sẽ nhỏ hơn nữa… nên chúng tôi đặt mục tiêu phải cứu chữa hai mẹ con đến cùng, nhất là em bé” - BS CKII Nguyễn Thu Hòa nói.

Qua lời kể của BS Hòa, có thể thấy hành trình chăm sóc bé T.A vô cùng khó khăn, vất vả và kỳ công. Ngay sau khi sinh, cháu thực hiện hồi sức và áp dụng nhiều giải pháp để chống suy hô hấp, nuôi trong lồng ấp, môi trường vô khuẩn.  

PGS.TS Trần Danh Cường và TS.BS Lê Minh Trác thăm mẹ con bé T.APGS.TS Trần Danh Cường và TS.BS Lê Minh Trác thăm mẹ con bé T.A (Ảnh: Thảo Hương)

Trong 15 ngày đầu, bé T.A gần như không ăn được gì, bụng chướng căng, thâm đen như miếng thịt trâu thiu. Bé không có sức rặn ị nên ngày 3 lần bác sĩ phải đưa ống xông nhỏ vào hậu môn của bé, bơm nước muối vào và hút phân xu ra. Đến ngày thứ 15-16 bé vẫn còn phân. Trong quá trình này, chỉ cần bơm nước muối quá tay một chút cũng có thể gây hỏng ruột của bé.

Thời gian này, bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn phần. “Bạn cứ hình dung, cánh tay hoặc chân của bé A chỉ nhỏ bằng ngón tay út của chúng ta, trong khi cơ thể lại rất non yếu… nên việc lấy ven để nuôi dưỡng bé qua tĩnh mạch vô cùng khó. Suốt quá trình chăm sóc, chúng tôi cũng xác định với gia đình là bé có thể ra đi bất cứ lúc nào” - BS Hòa cho hay.

Bé T.A được Bé T.A được "da kề da" với mẹ tại bệnh viện. (Ảnh: Thảo Hương)

Từ ngày 15 trở đi bé mới ăn được một chút và mỗi lần ăn cũng chỉ khoảng 1-2ml/bữa; sau 23 ngày ăn 5ml/ bữa (16 bữa/ngày), nhỏ sữa từng giọt. Sau khi ra khỉ bụng mẹ 1 tháng, bé T.A được bác sĩ chuyển sang cho thở oxy và chăm sóc toàn diện, vừa bổ sung dinh dưỡng vừa massage ngay trong lồng kính. “Vì bé quá nhỏ, lại suy dinh dưỡng nên xương rất mềm. Khi thực hiện massage, chúng tôi phải xoay sở rất cẩn thận, chỉ cần để lệch là đầu, tay, chân bé có thể bị méo, lệch”. Với sự kiên trì, nỗ lực của bác sĩ, gia đình, đến nay, bé T.A đã có thể tự thở khí trời, ăn sữa 20ml/kg/24h.

Về tiến trình tăng trưởng, sau đẻ 3 tuần bé đã hội phục cân nặng 400gr lúc đầu, từ đó tăng 15% cân nặng/ tuần, tương đương 21gr/kg/ngày (trong khi đó yêu cầu chuẩn của thế giới chỉ có 11% cân nặng hoặc 15-18gr/kg/ngày). Hiện tại, bé T.A đã nặng 1.800gr, đã biết mỉm cười tự phát, khi massage thể hiện sự dễ chịu. Bé đang được chăm sóc “da kề da” với mẹ và đã sẵn sàng được xuất viện về nhà.

Mẹ bé T.A xúc động khi chứng kiến sự quan tâm, giúp đỡ của y bác sĩ bệnh viện và sự lớn khỏe của con gái.Ôm con gái bé bỏng trong vòng tay, mẹ bé T.A xúc động, gửi lời cảm ơn tới các y bác sĩ bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong những ngày qua đã không ngừng nỗ lực, không quản khó khăn chăm sóc cháu như con ruột của mình, để cháu từng bước "hồi sinh"(Ảnh: Thảo Hương)

Bày tỏ sự vui mừng, tự hào trước thành tích nói trên của y bác sĩ Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh nói riêng, của bệnh viện nói chung, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: Thông thường, thai nhi ở tuần 27 đã nặng 900gr nhưng bé T.A chỉ nặng 400gr (kích thước bằng 1 bơm tiêm cỡ 50ml), vậy mà các bác sĩ vẫn cứu sống trẻ một cách ngoạn mục. Đến nay, bé có hình thái, chức năng, các diễn biến trong cơ thể bé được coi là bình thường sau một thời gian sống bên ngoài cơ thể mẹ.

“Đây là một tín hiệu đáng mừng, một thành công rất lớn trong chăm sóc, điều trị sơ sinh, đặc biệt sơ sinh non tháng, nhẹ cân nói riêng và ngành y nói chung; là minh chứng cho sự phát triển của y học về chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật… Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đất nước gặp nhiều khó khăn, ngành y phải chia 5 xẻ 7 để chống dịch… kết quả này là sự động viên, khích lệ rất lớn với các y bác sĩ; và là lời khẳng định rằng: Dù dịch bệnh nhưng hoạt động chuyên môn, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn được triển khai đầy đủ, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu người bệnh.

Cùng với sự tiến bộ của y học nước nhà nói chung, sự đầu tư của Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói riêng, tôi hy vọng và cũng tin tưởng rằng, những em bé được cứu sống như cháu T.A sẽ ngày càng nhiều hơn” - PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

(PNTĐ) - Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.