Biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do cúm A

BS Lê Xuân Hà (Khoa Nội A, Bệnh viện Hữu Nghị)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thông thường, người mắc cúm A có thể tự hồi phục trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí đe dọa tính mạng.

Biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do cúm A - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Các chủng cúm A và nguy cơ gây bệnh
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, thường bùng phát khi thời tiết chuyển mùa. Các chủng virus cúm A phổ biến bao gồm: A/H1N1, A/H3N2 lưu hành chủ yếu ở người. A/H5N1, A/H7N9 thường xuất hiện ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và gây dịch bệnh nguy hiểm.  

Khi virus cúm tấn công phổi, nó gây phù nề, hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp, làm tổn thương mạch máu, dẫn đến xung huyết và bội nhiễm vi khuẩn. Điều này khiến tình trạng viêm phổi diễn biến nghiêm trọng, có thể gây suy hô hấp và khó khăn trong điều trị.  
Những biến chứng nguy hiểm của cúm A
Nếu không được điều trị kịp thời, cúm A có thể gây tổn thương ở nhiều cơ quan như tim, gan, thận, màng não. Các đối tượng dễ gặp biến chứng gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi; người cao tuổi trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai; người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch.

Trong số các biến chứng, viêm phổi là nguy hiểm nhất. Vi khuẩn có thể từ đường hô hấp trên lan xuống phổi, gây viêm phổi hoại tử, suy hô hấp. Người bệnh có biểu hiện ho ra đờm vàng hoặc xanh, sốt cao, đau ngực khi thở sâu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp khó thở, thiếu oxy, đờm lẫn máu, nguy cơ tử vong cao. 

Ở trẻ em, cúm A có thể gây suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển sau này.  

Đặc biệt, cúm A có thể gây tử vong đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu từ trước, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư, người ghép tạng hoặc mắc bệnh mãn tính. 
Con đường lây nhiễm của cúm A
Virus cúm A chủ yếu lây qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Các giọt bắn mang virus có thể tồn tại trong không khí hoặc bám vào bề mặt đồ vật, dễ dàng lây nhiễm khi người khác chạm vào rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng.  

Ngoài ra, cúm A có thể lây lan qua: Dùng chung đồ dùng cá nhân (bát, đũa, khăn, cốc, quần áo); tiếp xúc với động vật mang virus cúm (lợn, ngựa, gia cầm); ở nơi đông người (trường học, công viên, văn phòng làm việc).  
Dấu hiệu cảnh báo cúm A
Cúm A thường có triệu chứng điển hình như: Ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau đầu, sốt cao, mệt mỏi; hắt hơi, đau họng, nhức mỏi cơ thể. Trong trường hợp nặng, người bệnh có thể gặp: Nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn; sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi; biến chứng nặng trên tim mạch.

Khi có 1 trong các dấu hiệu sau, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay để tránh nguy cơ tử vong: Lừ đừ, ngủ lịm, gọi không trả lời, co giật; thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái; chân tay lạnh, môi khô, da nổi bông, huyết áp tụt.
Cách phòng tránh cúm A hiệu quả
Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, tránh chạm tay lên mặt khi chưa vệ sinh sạch. Tránh nơi đông người trong mùa dịch, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc bằng dung dịch khử khuẩn, mở cửa thông thoáng. 

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất với các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng. Người bệnh nên ưu tiên thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo hoặc súp. Tránh sử dụng đồ uống chứa cồn hoặc caffeine vì có thể gây mất nước.

Khi mắc cúm A, người bệnh chỉ nên dùng thuốc kháng virus hoặc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh vì thuốc này không có tác dụng đối với virus cúm. Đồng thời, cần tránh lạm dụng thuốc giảm đau hoặc hạ sốt. 

Ngoài ra, tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao. Tiêm vắc-xin cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nâng tầm đào tạo và chăm sóc sức khỏe

Nâng tầm đào tạo và chăm sóc sức khỏe

(PNTĐ) - Chiều ngày 22/4/2025, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Trường Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và hợp đồng nguyên tắc. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong công tác đào tạo, nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
VNeID - “Lá chắn số” bảo vệ sức khỏe người dân giữa vấn nạn thuốc giả

VNeID - “Lá chắn số” bảo vệ sức khỏe người dân giữa vấn nạn thuốc giả

(PNTĐ) - Tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh đó, ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu không chỉ trong cải cách thủ tục hành chính mà còn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và bảo vệ người dân trước hiểm họa thuốc giả.
Hà Nội: Kiểm tra công tác tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại huyện Chương Mỹ

Hà Nội: Kiểm tra công tác tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại huyện Chương Mỹ

(PNTĐ) - Đoàn công tác của Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội do bà Vũ Thị Thanh Thuý, Phó Chi cục trưởng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp các biện pháp tránh thai và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản năm 2025 tại Trạm y tế xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Quận Long Biên: Truyền thông nâng cao chất lượng dân số năm 2025

Quận Long Biên: Truyền thông nâng cao chất lượng dân số năm 2025

(PNTĐ) - Từ tháng 4/2025 đến hết tháng 5/2025, Trung tâm Y tế quận Long Biên, Hà Nội phối hợp với Ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu (CSSKBĐ), Dân số và Phát triển các phường tổ chức chiến dịch Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình và nâng cao chất lượng dân số năm 2025 tại 13 phường trên địa bàn quận.