Câu lạc bộ hiến máu hiếm cứu người

Chia sẻ

Bất kể thời gian, địa điểm và khó khăn, chỉ cần có người cần máu là những thành viên trong Câu lạc bộ “Người nhóm máu hiếm” sẵn sàng gác lại việc riêng, lên đường trợ giúp.

Anh Trần Sách Minh (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên máu hiếm nhóm B Rh(D) âm.Anh Trần Sách Minh (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên máu hiếm nhóm B Rh(D) âm. (Ảnh: NIHBT)

Vượt 40km đường núi, hiến máu cứu sản phụ nguy kịch

Anh Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi, ở TP Yên Bái) biết mình có nhóm máu hiếm O Rh (D) âm từ năm 2006 khi đang là sinh viên học tập tại Hà Nội, trong một lần tham gia hiến máu nhân đạo; và trở thành thành viên Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm (CLB) ngay từ những ngày đầu tiên thành lập (tháng 1/2007). Từ đó đến nay, anh Tuấn đã hiến máu hơn 10 lần, đều là những lần rất cần kíp để cấp cứu cho bệnh nhân cùng nhóm máu đang nguy kịch.

Nhớ lại một lần đi xe máy đường núi để hiến máu cứu một sản phụ, anh Tuấn vẫn thấy hồi hộp như vừa cùng trải qua những giờ phút sinh tử của người bệnh.

“Hôm đó trời mưa, tôi nhận được cuộc gọi cầu cứu từ CLB báo có một sản phụ người Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng là một người nhóm máu O Rh (D) âm giống tôi, đang cấp cứu ở bệnh viện huyện Ba Khe (Yên Bái) trong tình trạng băng huyết, thiếu máu trầm trọng và không có máu truyền, rất nguy kịch. Nghe xong, tôi lập tức lấy xe máy phóng từ thành phố Yên Bái về bệnh viện Ba Khe cách đó gần 40km để truyền trực tiếp hơn 300ml máu cho người bệnh. Lúc ấy tôi chỉ liên lạc với người nhà sản phụ qua điện thoại mà chưa biết họ là ai.

Nhờ có nguồn máu thích hợp, kịp thời, cả sản phụ và con đều được an toàn. Xong việc tôi cũng thở phào nhẹ nhõm, cảm giác mình giúp đỡ được chính người thân. Khi gặp những hoàn cảnh như vậy, tôi cũng như nhiều người có nhóm máu hiếm đều có động lực phải đến thật nhanh vì có người đang cần mình, đến càng sớm, cơ hội cứu sống người bệnh càng cao” - anh Tuấn kể.

Sau này, anh Tuấn từ chỗ là ân nhân cứu mạng đã trở nên thân thiết với sản phụ và gia đình họ. Sản phụ được cứu sống cũng đã tham gia CLB với mong muốn cứu sống những người cùng nhóm máu với mình.

Anh Trần Sách Minh (trú tại Hà Đông, Hà Nội) - trưởng nhóm của những người nhóm máu B Rh (D) âm đến nay đã 13 lần tham gia hiến máu; và mỗi lần đều là trường hợp rất khẩn cấp, như một cuộc chạy đua.“Có lần, khi đang đi công tác tại Bắc Ninh, tôi nhận được cuộc gọi báo một bệnh nhân cùng nhóm máu hiếm với tôi, đang rất cần máu cấp cứu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ngay lập tức tôi xin phép và được tạo điều kiện nghỉ làm để khẩn trương lên đường đi cứu bệnh nhân. Đến nơi, chưa kịp biết bệnh nhân là ai, tôi vào hiến 350ml máu. Sau chặng đường dài chạy đến kịp thời, hiến máu xong tôi mới có thời gian để “thở”. Rồi khi biết bệnh nhân đã ổn vì có máu, tôi lại lập tức lấy xe máy chạy về Bắc Ninh để tiếp tục công việc của mình” - anh Minh nhớ lại.

Nhân lên những hành động cao đẹp trong cộng đồng

TS.BS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia cho biết: “Máu là một loại thuốc đặc biệt mà chưa phương thuốc nào có thể thay thế; trong đó, máu hiếm lại càng quan trọng hơn.

Theo Hiệp hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu được gọi là hiếm khi tần suất xuất hiện hoặc không xuất hiện kháng nguyên là dưới 0,1% và rất hiếm khi dưới 0,01%. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhóm máu Rh- chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm. Bên cạnh đó cũng nhiều nhóm máu hiếm khác như Rh-null, Rh (C) âm, Rh (E) âm… Đây là thách thức vô cùng lớn đối với ngành Y tế trong việc cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm”.

Nhưng với tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng, hoạt động của CLB Người nhóm máu hiếm tại các khu vực miền Bắc, TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, miền Trung… thời gian qua đã làm nên nhiều kỳ tích, góp phần cứu sống nhiều ca bệnh cần máu.

“Thường những người nhóm máu hiếm rất ít được đi hiến máu vì chỉ khi nào có người trùng khớp mới được kêu gọi. Vì vậy, nhiều khi có ca bệnh cần máu trùng khớp, anh em trong CLB còn “tranh nhau” đi hiến, chỉ mong cứu giúp được bệnh nhân. Chính nghĩa cử cao đẹp này đã tiếp thêm niềm tin, hy vọng sống cho người bệnh, và nhân lên những hành động cao đẹp trong cộng đồng” - TS. BS Trần Ngọc Quế chia sẻ.

Đáng tiếc là ở một số nơi, khi có ca cấp cứu cần nhóm máu hiếm, thay vì báo cho CLB hoặc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, người nhà bệnh nhân lại chủ động đăng tải kêu gọi lên mạng xã hội. “Điều đó dẫn đến tình trạng bị nhiễu thông tin chính thống, thậm chí tạo cơ hội cho một số cá nhân xấu lợi dụng trục lợi. Vì vậy người dân khi thấy thông tin người bệnh cần nhóm máu hiếm chia sẻ trên mạng xã hội, nên thông tin trực tiếp cho Ban Chủ nhiệm các CLB Người nhóm máu hiếm hoặc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để kiểm chứng thông tin trước khi huy động” - TS. BS Trần Ngọc Quế khuyến cáo.

THẢO NGUYÊN 

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.