Chỉ tiêm 2 mũi vắc - xin cùng loại

Chia sẻ

Mới đây, Bộ Y tế vừa có thông báo chính thức về việc sẽ triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em (độ tuổi từ 5-11 tuổi) từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022, ngay sau khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vắc-xin hoàn tất.

Không tiêm trộn với bất kỳ vắc-xin mRNA nào

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Chính phủ Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em. Dự kiến ngay sau khi vắc-xin được cung ứng, toàn bộ 63 tỉnh/ thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu triển khai tiêm cho đối tượng từ 5-11 tuổi. PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nêu rõ: Với nhóm tuổi này sẽ, thực hiện tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắc-xin mRNA nào.

Về liều lượng, trẻ từ 5-11 tuổi sẽ tiêm vắc-xin Pfizer, tiêm bắp với liều tiêm 0,2 ml; 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần.Vắc-xin Moderna được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho trẻ em từ 6-11 tuổi, liều tiêm bằng ½ liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vắc-xin cho người lớn liều nhắc lại; 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Chiến dịch tiêm chủng cũng được triển khai tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, địa bàn căn cứ vào tình hình, sớm phủ vắc-xin cho trẻ em tới trường an toàn. Quá trình triển khai sẽ tiêm trước cho nhóm tuổi lớn, từ 11 tuổi, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.

Nói về sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin: Khi trẻ em tới trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhất là trong bối cảnh biến chủng Omicron đang phổ biến. Các số liệu nghiên cứu cho thấy, biểu hiện của trẻ em khi mắc Covid-19 tương đối nhẹ, biến chứng dù không nhiều nhưng cũng đáng lo ngại như: Chứng viêm cơ tim, hội chứng viêm đa hệ thống… ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng các cháu. Do đó, việc tiêm vắc-xin cho trẻ là hết sức quan trọng.

Theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết thêm: Những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5 đến 11 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên; phản ứng nặng càng ít gặp hơn. Báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ cho thấy: Việc tiêm 2 mũi vắc-xin Pfizer trong vòng 5 tháng giúp làm giảm 31% số trường hợp mắc Covid-19 do chủng Omicron ở trẻ 5-11 tuổi, đồng thời giảm 45-51% số trường hợp phải điều trị cấp cứu ở trẻ 5-15 tuổi. Ngoài ra, hiện không có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin phòng Covid-19 gây ra các vấn đề lâu dài về khả năng sinh sản ở nữ hoặc nam giới.

Ảnh minh họaẢnh minh họa (Ảnh: Int)

Có thể tiêm vắc-xin sau 3-5 tháng mắc Covid-19

Hiện nay, một trong những vấn đề nhiều bậc phụ huynh còn băn khoăn, đó là có nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 khi trẻ đã từng là F0? Lý giải thắc mắc này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ: Theo các khuyến cáo hiện nay, người đã mắc Covid-19 vẫn nên đi tiêm vắc-xin Covid-19 vì kháng thể sau khi mắc chỉ tồn tại khoảng 3-6 tháng.

Khi một người mắc Covid-19 chính là đưa virus tự nhiên vào cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng để tạo ra các kháng thể để chống lại virus trong khoảng thời gian nhất định. Tương tự như sau tiêm 3 mũi vắc-xin ngừa Covid-19, khoảng thời gian kháng thể chống virus có thể lưu lại dài nhất là 6-9 tháng. Do vậy, sau khi trẻ mắc Covid-19 từ 3 tháng trở ra có thể được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để bổ sung nồng độ kháng thể chống lại virus trong cơ thể chúng.

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc cũng thông tin thêm: Nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ...) nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh. Trẻ có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, mắc hội chứng tăng động giảm chú ý... cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường... nên được đưa đến các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để tiêm chủng.

Đối với trẻ đủ điều kiện tiêm chủng, điều quan trọng nhất là cha mẹ tạo tâm lý thoải mái cho con. Thời gian qua, phần nhiều trường hợp học sinh bị phản ứng sau tiêm phải nhập viện có nguyên nhân đến từ vấn đề tâm lý của trẻ và phản ứng lo lắng dây chuyền. “Tốt nhất, cha mẹ nên trao đổi với trẻ về quá trình tiêm, các phản ứng phụ có thể gặp, thời gian theo dõi... Tại điểm tiêm, nếu được ở cạnh các cháu, cha mẹ nên trấn an để trẻ không có phản ứng lo lắng quá mức khi tiêm” - TS.BS Thái khuyến cáo.

Đặc biệt lưu ý, các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể vào ban đêm khi cả nhà đã đi ngủ. Cụ thể, các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ gồm: Đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm... Phản ứng đa dạng và có thể nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác.

Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, để ý, động viên trẻ sau tiêm. Khi cơ thể trẻ có bất thường không nhất thiết đúng theo bảng hướng dẫn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và đưa con tới cơ sở y tế gần nhất.

LỆ CHI

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.