Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước?

Chia sẻ

PNTĐ-Theo các bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), nếu bạn cho trẻ sơ sinh uống nước có nguy cơ suy dinh dưỡng và bị tiêu chảy là do nguồn nước có thể không sạch...

 
Nhiều bậc cha mẹ có thói quen cho trẻ sơ sinh uống thêm nước khi bú, hoặc bổ sung nước cho bé sau các cữ bú để bé đỡ khát, hoặc để tráng miệng cho bé. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng sự thật đây là điều không tốt cho bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Có những lý do được lý giải dưới đây.
 
Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước? - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Trẻ sơ sinh uống nước khiến bé có nguy cơ bị tiêu chảy
 
Theo các bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), nếu bạn cho trẻ sơ sinh uống nước có nguy cơ suy dinh dưỡng và bị tiêu chảy là do nguồn nước có thể không sạch và khiến bé bị nhiễm trùng. Bên cạnh đó, dạ dày của trẻ sơ sinh có dung tích nhỏ, việc cho bé uống thêm nước sẽ làm cho bé bị no và bú mẹ ít đi, hoặc ngưng bú sữa mẹ. Từ đó, bé kém hấp thu chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Cho bé uống thêm nước sau mỗi cữ bú dễ khiến bé bị trớ hay bị sặc. 
 
Mặt khác, nếu các bà mẹ cho con uống nước thay vì bú cũng sẽ khiến mẹ dần ít sữa trong tương lai. Sữa mẹ chứa hơn 80% là nước, đặc biệt là sữa đầu dòng (sữa đầu mỗi cử bú). Do đó, bất cứ khi nào người mẹ cảm thấy con mình khát, mẹ có thể cho con bú. Điều này sẽ thỏa mãn “cơn khát” của bé và tiếp tục bảo vệ bé khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Bé không cần nước trước khi được 6 tháng tuổi, ngay cả trong điều kiện khí hậu nóng. Đây cũng là một trong những lý do mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
 
Một đứa trẻ được coi là bú mẹ hoàn toàn khi chỉ nhận được sữa mẹ, không có bất kỳ thức ăn, hoặc chất lỏng bổ sung nào, ngay cả nước; ngoại trừ khi trẻ cần dùng thuốc, dung dịch bù nước đường uống, thuốc nhỏ, si-rô vitamin, khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ. Khi cho con bú nghĩa là mẹ đã cho bé uống tất cả nước mà bé cần, đồng thời cung cấp nước an toàn và bảo vệ bé chống lại bệnh tiêu chảy.
 
Cho trẻ uống nước với số lượng lớn thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc nước uống, đó là tình trạng các chất điện giải (như natri) trong máu của em bé bị pha loãng, ức chế các chức năng cơ thể bình thường và dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như nhiệt độ cơ thể thấp hoặc co giật. Vì trẻ dưới 6 tháng tuổi có khối lượng cơ thể thấp, việc uống nước rất dễ khiến vượt nhu cầu Natri bình thường của cơ thể - những khoáng chất và chất điện giải này đã có đủ trong sữa mẹ khi mẹ cho bé bú.
 
Thời điểm có thể cho bé uống thêm nước
 
Các tổ chức Y tế trên thế giới khuyên mẹ nên đợi đến khi bé bắt đầu ăn dặm. Tại thời điểm đó, mẹ có thể cung cấp một lượng nhỏ nước đun sôi để nguội nhưng không thay thế sữa mẹ. Bé vẫn nên được cho bú mẹ tiếp tục và kéo dài về sau mà theo khuyến cáo của WHO là nên kéo dài đến 24 tháng để trẻ được phát triển toàn diện.
 
Với trẻ trên 6 tháng thì ngoài chuyện uống sữa, còn ăn dặm thêm cháo nên uống nước lọc là cần thiết. Có thể cho trẻ uống một vài thìa sau khi ăn. Khi trẻ đã dứt sữa dù là 6 tháng - 1 tuổi thì ngoài ăn dặm vẫn cần bổ sung nước lọc. Nếu trẻ 2-3 tuổi mà chưa dứt sữa thì nước lọc chỉ thêm và bổ sung thôi, vì nước vẫn được đưa vào cơ thể thông qua sữa.
 
Trong trường hợp thời tiết nóng, hoặc trẻ sốt, trẻ có thể bị mất nước nhiều hơn. Ở trẻ còn bú mẹ, khi thấy bé khát nước hãy cho bé bú mẹ, bởi vì trong sữa đầu có chứa nhiều nước giúp cho bé giải khát và bổ sung đủ lượng nước mất. Ở trẻ dùng sữa công thức, có thể cho thêm 1 ít nước giữa các bữa bú, luôn nhớ rằng, cho trẻ bú trước rồi mới cho uống nước. Trong các bệnh lý gây mất nước, nhất là khi nôn hoặc ỉa chảy, tình trạng mất nước sẽ nặng hơn. Các mẹ nên cho bé đến gặp bác sĩ để được đánh giá đúng và nhận được lời khuyên thích hợp.
 
 
BS Hồng Ngọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).