Dịch sởi diễn biến phức tạp: Cần tiêm vắc xin đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
(PNTĐ) - Dịch sởi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước, đặt ra nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 45.000 ca nghi mắc và mắc sởi, trong đó có 16 ca tử vong.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng sởi. Trong năm 2025, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ rất cao về dịch sởi, theo cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chỉ trong ba tháng đầu năm, cả nước đã có hơn 40.000 ca nghi mắc sởi, với 6 trường hợp tử vong, trong đó có cả những ca bệnh diễn tiến nặng, suy hô hấp cấp, suy đa tạng.
Đặc biệt, sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan mạnh nhất. Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, virus sởi có khả năng lây nhiễm cao hơn cả cúm và Covid-19. "Một người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người chưa có miễn dịch nếu tiếp xúc gần", bác sĩ Chính cho biết. Chuỗi lây truyền của virus sởi chỉ bị cắt đứt khi tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt từ 95% trở lên.

Tiêm vắc xin sởi từ 6 tháng tuổi giúp kiểm soát dịch bệnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, Bộ Y tế đã cho phép tiêm vắc xin sởi sớm từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tháng tuổi. Đây được coi là "mũi 0", có tác dụng phòng dịch, giúp trẻ sơ sinh tăng cường miễn dịch trong giai đoạn đầu đời. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần hoàn thành đầy đủ các mũi vắc xin tiếp theo theo phác đồ thông thường để đảm bảo hiệu quả bảo vệ lâu dài.
Theo bác sĩ Chính, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên bắt đầu mất dần kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang, trong khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khiến nguy cơ mắc sởi cao. Do đó, việc tiêm vắc xin sớm giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng. Sau khi tiêm mũi 0, trẻ cần tiếp tục tiêm nhắc lại vào 9 tháng tuổi và sau 12 tháng tuổi để tăng cường hiệu quả phòng bệnh.
Hiệu quả vắc xin sởi đạt đến 98% nếu tiêm đầy đủ
Hiện nay, tại Việt Nam, vắc xin sởi được cung cấp thông qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng và dịch vụ tiêm chủng tại các trung tâm y tế. VNVC triển khai đồng thời hai loại vắc xin: vắc xin sởi đơn MVVAC của Việt Nam và vắc xin phối hợp MMR II (sởi - quai bị - rubella) của Mỹ.
Lịch tiêm cụ thể như sau: Với Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Sau khi tiêm mũi 0, trẻ tiếp tục tiêm mũi sởi đơn lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Với Chương trình tiêm chủng dịch vụ: Trẻ có thể tiêm vắc xin sởi đơn hoặc phối hợp sởi - quai bị - rubella lúc 9 tháng, sau đó tiêm nhắc lại mũi thứ hai lúc 12 tháng tuổi và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi.
Các nghiên cứu cho thấy, khi tiêm đủ liều, vắc xin sởi có hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%, đồng thời giúp bảo vệ những người chưa thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người suy giảm miễn dịch.
Tăng cường phòng dịch sởi trong cộng đồng
Ngoài việc tiêm vắc xin, gia đình và nhà trường cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch sởi. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ được chăm sóc vệ sinh tốt, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Trẻ em không nên tiếp xúc với người mắc sởi, đặc biệt là tại các khu vực công cộng như trường học, nhà trẻ, bệnh viện. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, ho, phát ban, cần đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng, ngày 17/3/2025, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã trao tặng Bộ Y tế 500.000 liều vắc xin sởi MVVAC do Việt Nam sản xuất để hỗ trợ tiêm chủng cho các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Đây là một trong những nỗ lực chung nhằm đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ sức khỏe của con em mình và ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.