Hà Nội: 4 tháng đầu năm, dịch bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát
(PNTĐ) -Trong 4 tháng đầu năm 2025, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới, tại Việt Nam và Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Bệnh sởi gia tăng nhanh tại nhiều tỉnh/thành phố từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm 2025 cả nước đã ghi nhận hơn 76.000 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố trong đó đã có ít nhất 10 trường hợp tử vong liên quan (số mắc cao hơn số mắc cả năm 2024: 45.000 trường hợp). Số mắc sởi tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam (45,1%) và khu vực miền Bắc (24,8%). Một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc ghi nhận nhiều trường hợp mắc Sởi trong tháng 3-4 như: Hải Phòng, Lào Cai, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định.
Bệnh Cúm A/H5N1: Trong 4 tháng đầu năm cả nước đã ghi nhận 06 ổ dịch Cúm A/H5N1 trên giai cầm tại 4 tỉnh: Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang, Long An; đồng thời đã ghi nhận 01 trường hợp mắc Cúm A/H5N1 trên người tại tỉnh Tây Ninh (có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết).
Bệnh Dại: Trong 4 tháng đầu năm 2025 cả nước đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do Dại tại 13/63 tỉnh, giảm 7 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024 (32 trường hợp), trong đó khu vực Bắc 11 ca; miền Nam và Tây Nguyên 05 ca, miền Trung 04 ca.
Bệnh Sốt xuất huyết (SXH): Trong 4 tháng đầu năm 2025 cả nước đã ghi nhận gần 21.000 trường hợp mắc SXH trong đó có 05 trường hợp tử vong. Xu hướng dịch tương tự xu hướng dịch các năm trước, ghi nhận số mắc gia tăng cục bộ tại một số tỉnh/thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong 4 tháng đầu năm 2025 cơ bản được kiểm soát; chưa ghi nhận các trường hợp mắc dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1, Mers-CoV, …; chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh Dại (03 ổ dịch dại trên động vật được kiểm soát, khống chế kịp thời); các dịch bệnh lưu hành như Sốt xuất huyết, Ho gà ghi nhận số mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024; số mắc Sởi và Tay chân miệng có xu hướng gia tăng theo chu kỳ dịch hàng năm nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cụ thể:
Bệnh Sởi: Số mắc có xu hướng gia tăng nhanh từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tuy nhiên hiện nay số mắc đã có xu hướng chững lại và bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ. Tính đến hết ngày 25/4/2025, toàn thành phố ghi nhận 2.074 trường hợp mắc Sởi, 01 trường hợp tử vong.
Bệnh nhân phân bố tại tất cả các quận, huyện, thị xã nhưng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành (chiếm 65,3%), một số đơn vị ghi nhận số mắc cao như Hoàng Mai (247), Nam Từ Liêm (235), Hà Đông (155), Đống Đa (116), Thanh Trì (111). Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh (chiếm 91%).
Bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi (chiếm 85% trong đó: nhóm dưới 6 tháng (12,3%); nhóm 6-8 tháng (14,4%); nhóm 9 - 11 tháng (9,1%); nhóm 1 - 5 tuổi (21,9%); nhóm 6 - 10 tuổi (13,8%); nhóm 11-15 tuổi (13,9%)). Hiện nay ghi nhận số mắc gia tăng ở nhóm từ 10 tuổi trở lên.
Bệnh Tay chân miệng: Đã ghi nhận 1.506 trường hợp mắc, chưa ghi nhận tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2024 (948 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó chủ yếu ở nhóm trẻ ≤ 3 tuổi (95%); đã ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng, chưa ghi nhận ổ dịch phức tạp.
Các dịch bệnh khác: Sốt xuất huyết (223 mắc, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024: 592 mắc, 0 tử vong); Ho gà (13 mắc); Não mô cầu (01 mắc); Rubella (01 mắc); Liên cầu lợn (01 mắc); Uốn ván người lớn (10 mắc).
Đối với bệnh Sởi: Đã ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh Sởi; số mắc bắt đầu có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, các trường hợp mắc chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.
Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc Sởi (tuy nhiên số mắc sẽ giảm dần và thấp hơn so với giai đoạn 4 tháng đầu năm); có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong liên quan bệnh Sởi (trên nhóm đối tượng nguy cơ: người chưa được tiêm chủng, người có bệnh lý nền kèm theo).
Đối với bệnh Tay chân miệng: Số mắc đang gia tăng theo chu kỳ dịch hàng năm; trong thời gian tới số mắc có thể gia tăng nhanh và đạt đỉnh vào tháng 5 sau đó giảm dần (đỉnh dịch vào tháng 4-5 hàng năm); có thể ghi nhận thêm các ổ dịch trong trường mầm non, mẫu giáo nếu công tác vệ sinh khử khuẩn chủ động không được thực hiện tốt.
Đối với bệnh Sốt xuất huyết: Hiện tại số mắc đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên trong thời gian tới số mắc có thể gia tăng do bắt đầu bước vào mùa dịch Sốt xuất huyết hàng năm (từ tháng 6 - tháng 12).
Đối với các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: Dự báo có thể ghi nhận các trường hợp mắc dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như Cúm A/H5N1 và bệnh Dại nếu người dân không chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Các dịch bệnh khác như Ho gà, Não mô cầu, Liên cầu lợn, .. có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh tản phát.
Để chủ động triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, ngay từ cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Y tế đã ban hành nhiều Kế hoạch, Công văn để kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch (đặc biệt là phòng, chống bệnh Sởi).
Trong thời gian tới, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan y tế, giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin Sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng Chiến dịch, đảm bảo đạt tiến độ theo yêu cầu đề ra.
Tiếp tục thực hiện tốt việc cấp cứu, khám sàng lọc, thu dung, phân luồng cách ly bệnh nhân; phát hiện sớm và điều trị kịp thời ca mắc Sởi, giảm tối đa số trường hợp biến chứng nặng và tử vong do Sởi. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch Sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kịp thời cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi khi Bộ Y tế ban hành.
Tăng cường công tác phối hợp Y tế - Giáo dục để phòng chống các dịch bệnh trong trường học. Tổ chức rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ em khi nhập học mầm non, mẫu giáo (2 tuổi), và khi nhập học lớp 1 (6 tuổi), để tiêm chủng bổ sung cho trẻ còn thiếu trước khi nhập học. Khi có trường hợp mắc bệnh tại các trường học thì tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng cho trẻ còn chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.
Tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân không chủ quan và chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Tổ chức hoạt động Tiêm chủng mở rộng hàng tháng đảm bảo an toàn, hiệu quả: rà soát tiền sử tiêm chủng để mời đi tiêm bổ sung càng sớm càng tốt. Các đơn vị tiêm chủng thuộc Bệnh viện tăng cường tiêm cho những đối tượng có chỉ định tiêm chủng, đặc biệt những đối tượng cần thực hiện mũi tiêm tại Bệnh viện.
Dự báo năm 2025, tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy cần thực hiện tốt các hoạt động chủ động phòng bệnh trước mùa dịch: Chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6, 100% các quận, huyện, thị xã thực hiện hưởng ứng phát động. Tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, thả cá, phun hóa chất chủ động phòng bệnh tại các xã, phường trọng điểm, nhiều bệnh nhân hàng năm. Đảm bảo mua sắm đủ hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy; máy phun các loại để không bị lúng túng, bị động khi có dịch xảy ra.
Đối với các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: Dại, Cúm AH5N1, liên cầu lợn, cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành Y tế - Thú Y để triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia cầm, động vật để không lây lan dịch bệnh trên người.
Thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...). Đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.
Làm tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch, xây dựng và triển khai phương án phân tuyến điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch, hạn chế thấp nhất tử vong.
Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch.
Tăng cường kiểm tra công tác PCD của các quận, huyện, thị xã, các đơn vị trong ngành.