Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19

Chia sẻ

Với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp hiện nay, bất cứ ai cũng có nguy cơ trở thành F0. Đáng nói, có không ít người chưa thực sự hiểu về cách phòng ngừa, theo dõi và điều trị Covid-19 tại nhà, tự mua thuốc hay sử dụng cách chữa trên mạng… dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường.

FO tự điều trị tại nhà cần lưu ý gì?

Từng tham gia chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình, tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia, đồng thời là người thành lập, quản lý “Nhóm Bác Sĩ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” cho biết: "Từ ngày lập nhóm, hầu hết thắc mắc của mọi người là điều trị tại nhà thế nào, uống thuốc gì, khi nào thì nhập viện, có nên tích trữ bình oxy hay các thiết bị y tế... để phòng trường hợp Hà Nội quá tải hay không? Trong đó, câu hỏi phổ biến nhất là về thuốc, thậm chí là thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc, truyền nhau là “chữa khỏi Covid-19 nhanh”.

Cũng là một thành viên tích cực trong nhóm hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga chia sẻ thêm: "Qua trao đổi, chăm sóc hỗ trợ người bệnh thì thấy rằng, khoảng 10% số người gọi điện hỏi vẫn chưa biết thiết bị đo SpO2 là gì; rất nhiều người thích xông hơi; vẫn còn rất nhiều F0 dùng kháng viêm Corticoid quá sớm (Medrol 16mg) có thể làm bệnh nặng hơn, virus nhân lên nhiều hơn (chiếm khoảng trên 20% các ca F0 gọi điện hỏi).

Bên cạnh đó, dù một số F0 có đủ thuốc nhưng cách uống thuốc kiểu truyền tai nhau khá nguy hiểm. Ví dụ, uống 2 loại kháng sinh cùng thành phần, cùng kháng viêm thành phần Methylprednisolon 16mg nhưng tên khác nhau, uống luôn cả hai, dùng mấy loại chống đông cùng lúc...

Theo TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, hiện nay, tình trạng và biểu hiện bệnh của các F0 tại Hà Nội chủ yếu là nhẹ, diễn biến chỉ như cảm cúm thông thường. Vì thế, người dân không cần quá sốt sắng tìm mua thuốc hay tích trữ thuốc, sử dụng thuốc trôi nổi gắn mác “phòng chống, điều trị Covid-19”.

Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, F0 tự dùng thuốc kháng viêm (chứa corticoid) sẽ làm giảm sức mạnh của hệ thống miễn dịch, khiến virus phát triển mạnh hơn. Trong 5 ngày đầu, nếu dùng cả corticoid và kháng virus thì thuốc kháng virus sẽ bị mất tác dụng, virus nhân lên nhiều hơn, người bệnh dễ diễn tiến nặng và có biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, kết hợp giữa thuốc kháng virus và thuốc kháng viêm là không đúng chỉ định y khoa, không được phép.

Hiện tại, dù nhiều tên nhưng thuốc kháng virus chỉ có 2 loại thành phần là favipiravir và molnupiravir. Trong đó, molnupiravir không được phép sử dụng cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng sự phát triển của xương. Thuốc này cũng không được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật thai nhi khi thử nghiệm trên động vật.

Thuốc kháng đông máu cũng không có giá trị trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, do lúc này cơ thể chưa xuất hiện những dấu hiệu bất thường liên quan đến đông máu. Trong hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, thuốc kháng viêm, chống đông máu chỉ sử dụng ở giai đoạn hai của bệnh, thông thường vào ngày thứ 7 trở đi, khi cơ thể người bệnh bị suy hô hấp, rối loạn hệ thống đông máu.

Vì vậy, F0 tại nhà không nên lạm dụng thuốc nếu không có chỉ định. Thực tế, có nhiều trường hợp dùng sai thuốc, quá liều thuốc gây ngộ độc, nhất là với thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc kháng đông kháng viêm chứa Corticoid... Với paracetamol, nếu không có triệu chứng sốt thì không nên uống. Thuốc chứa thành phần paracetamol có nhiều nhãn hiệu khác nhau, như Panadol, Efferagant, Tylenol... đều có tác dụng hạ sốt. Do đó, chỉ nên uống một loại, cách nhau 4-6 giờ, ví dụ đã uống Panadol thì không uống Tylenol nữa, vì quá liều.

Liên quan tới phương pháp “xông mũi, họng” bằng Đông y được các F0, F1 truyền tai nhau, TS.BS Ngô Quang Hải - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, bệnh viện Châm cứu Trung ương cho hay: Sử dụng các thực phẩm như gừng, sả, tỏi... đun sôi để xông mũi là cách hiệu quả để hỗ trợ và làm giảm các triệu chứng Covid-19.

Tuy nhiên, vì xông hơi chỉ tác động bên ngoài bề mặt niêm mạc, không ảnh hưởng đến virus bên trong tế bào, nên chỉ giúp giảm triệu chứng hô hấp: đỡ nghẹt mũi, khô họng, loãng đờm... không có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm hay chữa khỏi Covid-19.

Đồng thời, chỉ những người có triệu chứng mới nên xông hơi, không nên lạm dụng, tần suất tốt nhất là một ngày một lần, mỗi lần 10-15 phút. Trước khi xông hơi, người bệnh cần làm sạch cơ thể. Hỗn hợp sau khi đun sôi, bạn chỉ cần phủ khăn vùng đầu mặt, hít thở sâu để hơi nước và tinh dầu đi vào vùng mũi họng. Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng hay bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần ngừng ngay. Người già yếu, có bệnh mạn tính, suy nhược cơ thể... khi xông cần phải có người hỗ trợ ngồi phía sau giữ vai tránh ngã.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm test nhanh tại nhàNhân viên y tế hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm test nhanh tại nhà (Ảnh: Int)

Bình tĩnh… là liều thuốc quan trọng nhất

Theo hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế, khi một người trở thành F0, các thành viên trong gia đình có thể thấy lo âu, căng thẳng. Người mắc Covid-19 cũng có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như: Sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân; thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung; ăn uống kém, chán ăn; các bệnh mạn tính trở nên trầm trọng hơn như bệnh dạ dày, tim mạch... Các bệnh tâm thần cũng vì thế mà có thể trầm trọng hơn. Người bệnh sẽ có thể uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn…

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Huy Hoàng, khi được xác định là F0, F1, người bệnh cần bình tĩnh, tỉnh táo lựa chọn kênh thông tin để giúp đỡ. Người dân có thể chuẩn bị máy nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo tiểu đường, hạ sốt, giảm đau, tiêu chảy... nhưng không nên tích trữ máy tạo oxy và bình oxy. Khi khó thở, cần hỗ trợ oxy tức là mức độ bệnh trung bình trở lên, phải điều trị ở bệnh viện, không điều trị ở nhà.

Ứng phó với căng thẳng tinh thần của F0 điều trị tại nhà, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện tin tức tiêu cực, không chính xác về dịch Covid-19, nhất là trên các mạng xã hội: zalo, facebook, youtube, tiktok...; nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe), tập hít thở ít nhất 15 phút mỗi ngày, uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước, không bỏ bữa. F0 cũng cần tăng dinh dưỡng như ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Nếu trong nhà có trẻ nhỏ là F0, cha mẹ hãy bình tĩnh và tự tin vào khả năng chăm sóc trẻ khi trẻ nhiễm. Tuy nhiên, cha mẹ cần để ý xem trẻ có thay đổi hành vi hay không, đặc biệt là khóc hoặc cáu quá mức ở trẻ nhỏ; lo lắng hoặc buồn thái quá; thói quen ăn uống hoặc ngủ không lành mạnh; trẻ bị nhức đầu hoặc đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân…

Lúc này, cha mẹ cần tâm sự, trấn an con về dịch Covid-19, đồng thời giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch để trẻ không hiểu sai thông tin, không hoảng sợ. Cha mẹ cũng cần khuyến cáo trẻ cố gắng duy trì những thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học; hướng dẫn trẻ các hoạt động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh.

Một số loại thuốc, vật tư cần trang bị khi trở thành F1, F0

Thuốc cần dự phòng: Các thuốc hạ sốt (Efferalgan, Panadol…); nhóm các thuốc chữa ho; nhóm các thuốc tiêu chảy; nước súc miệng; cồn sát trùng; các thuốc bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần); thuốc xịt mũi các loại; vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho; nước uống thông thường, nước bù điện giải (vô cùng quan trọng khi bạn bị sốt và đặc biệt khi nhiễm Covid-19). Đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào và ta có thuốc để dùng ngay, nhất là khi Covid-19 lại hay biểu hiện vào ban đêm.

Vật tư cần dự phòng: Nhiệt kế; máy đo SpO2; que test nhanh; khẩu trang; găng tay; các máy theo dõi bệnh nền. Những vật tư này cần thiết để chúng ta tự cách ly, tự theo dõi được mình và gia đình.

Nhóm các thuốc không nên dự phòng, không nên tự điều trị: Kháng sinh; kháng viêm; kháng virus. Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hoá và phù hợp với từng bệnh nhân nên mọi người hết sức lưu ý không tự tiện mua và dùng thuốc sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ.

Chuẩn bị khác: Lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu ở một mình); dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn; giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái; chỗ ở cách ly đảm bảo quy định; phương tiện giải trí tại nhà; điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực và phòng cấp cứu; tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch.

TS. BS HOÀNG THANH TUẤN

 THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...
Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin

(PNTĐ) - Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.