“Bát nháo” thị trường dịch vụ nam khoa

Kỳ cuối: Cần chế tài mạnh để dẹp nạn phòng khám "Vẽ bệnh kiếm tiền"

Bài và ảnh: Yên Hưng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục thông báo về việc xử phạt phòng khám tư nhân, trong đó có cơ sở cung cấp dịch vụ nam khoa, vì nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động. Nguyên nhân không chỉ đến từ phía cơ sở hành nghề, mà còn do sự dễ dãi của người dân trong sử dụng dịch vụ y tế, thẩm mỹ.

Kỳ cuối: Cần chế tài mạnh để dẹp nạn phòng khám
Bác sĩ khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) điều trị cho bệnh nhân nam

Đa dạng các loại hình vi phạm
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại; tránh chồng chéo trong hoạt động quản lý. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn yếu tố nguy cơ, rủi ro như: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm, các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài…

Chỉ thị đã chỉ ra không ít kiểu vi phạm đang tồn tại hiện nay như: Hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; sử dụng nhân sự không đủ điều kiện hoạt động hành nghề; không bảo đảm quy chế chuyên môn trong quá trình hoạt động; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ... Cá biệt còn tồn tại tình trạng cung cấp dịch vụ y tế khi chưa được cấp giấy phép.

Trước đó, Bộ Y tế cũng ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với các phòng khám tư nhân. Đặc biệt, có 2 lỗi mà các phòng khám đang vi phạm hiện nay là: Thực hiện quảng cáo dịch vụ đặc biệt (khám chữa bệnh) mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Tiếp đó là tình trạng các cơ sở y tế trong bài quảng cáo sử dụng các từ ngữ “duy nhất”, “nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh. Với những hành vi này, mỗi cơ sở bị xử phạt từ 30-45 triệu đồng, bị buộc dừng việc quảng cáo.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nêu trên được các nhà quản lý đánh giá là do sự vận động của cơ chế thị trường, một bộ phận cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ đầy đủ các quy định về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cung ứng thuốc. Trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ, rủi ro như: Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám răng hàm mặt, phòng xét nghiệm... các cơ sở hành nghề có yếu tố nước ngoài.

Trong khi đó, việc lựa chọn sử dụng dịch vụ y tế, dịch vụ làm đẹp, thói quen tự mua thuốc của người dân còn dễ dãi. Công tác thanh tra, kiểm tra sau cấp phép còn gặp nhiều khó khăn do nhân lực còn ít, trong khi số lượng cơ sở hành nghề lớn, địa bàn quản lý rộng.

Đáng nói, dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thậm chí đình chỉ, tước giấy phép hoạt động; nhưng một thực tế đang gây nhiều trở ngại cho công tác quản lý đó là tình trạng các phòng khám “dẹp chỗ này, mọc chỗ khác”, đổi tên, đổi địa điểm để tiếp tục “hành nghề”, kinh doanh, kiếm lợi.

Cần tẩy chay những cơ sở hành nghề thiếu uy tín
Trên thực tế, để người dân biết được một phòng khám tư nhân có đủ năng lực, điều kiện hoạt động, tuân thủ đúng mọi quy định pháp luật hay không… là rất khó. Điều này chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mới có đủ thẩm quyền để xác minh, thẩm định. Chỉ khi phòng khám đó bị báo chí phanh phui, cơ quan chức năng thông báo xử phạt thì mọi người mới có thể biết. Tuy nhiên, không phải không có căn cứ để người bệnh “nhận diện” một cách cơ bản về chất lượng, sự đảm bảo của một cơ sở y tế ngoài công lập.

Theo các chuyên gia y tế, một phòng khám tư nhân đạt yêu cầu cần phải có “5 chuẩn”, gồm: Chuẩn về pháp lý, chuẩn về chuyên môn, chuẩn phác đồ điều trị, chuẩn trang thiết bị y tế, chuẩn truyền thông quảng cáo. Những thông tin này phần nào sẽ được thể hiện qua các giấy phép, thông tin bằng cấp, biển hiệu phòng khám… được cơ sở đó công khai trước khách hàng; không thổi phồng, không mập mờ, có thể kiểm chứng.

Ngoài nhận diện thông qua những thông tin được cung cấp nói trên, để tránh “sập bẫy” của phòng khám chui, TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) khuyến cáo người dân: Khi đi làm bất kỳ thủ thuật nào có yếu tố can thiệp vào cơ thể, cần phải có người nhà đi cùng. Hiện nay, để lôi kéo khách hàng, nhiều cơ sở y tế tư nhân thậm chí còn cho khách hàng nợ tiền, trả góp, hoặc chỉ cần đặt căn cước công dân là có thể được sử dụng dịch vụ họ cung cấp. 

Dưới góc độ đào tạo, quản lý, TS.BS Nguyễn Đình Liên cũng cho rằng, trong tương lai, ngành y và các trường đào tạo về Y khoa có lẽ nên mở thêm nội dung đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nam khoa một cách bài bản; mở rộng lĩnh vực hoạt động ngành nghề cho các y bác sĩ. Đồng thời, cũng cần phát triển chuyên khoa khám, điều trị nam khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu người dân.

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương đã có bác sĩ và chuyên khoa về nam học. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, lĩnh vực này cũng đang hoàn thiện dần. Và đa số các bác sĩ nam khoa uy tín, có tay nghề, bằng cấp dù ở thành phố lớn hay các tỉnh, khi mở phòng khám tư đều thu hút được sự quan tâm, tới khám của đông đảo người bệnh. Điều đó cho thấy sức hút và nhu cầu rất lớn của người bệnh trong lĩnh vực khám, điều trị nam khoa.

Do đó, khi nào cung và cầu trong hoạt động khám, điều trị nam khoa được cân bằng, người bệnh có nhiều cơ hội lựa chọn bác sĩ, địa chỉ khám uy tín, thì mới có thể hạn chế được tình trạng phòng khám “vẽ bệnh” để kiếm tiền trên nỗi sợ của khách hàng. Còn hiện tại, do nhu cầu của người bệnh quá lớn, trong khi phòng khám dành cho nam thường ít, chưa kể với tâm lý e ngại, lại muốn điều trị nhanh, gọn… nên rất nhiều bệnh nhân thay vì tìm đến bệnh viện, đã tự lên các diễn đàn trên mạng xã hội để được tư vấn, “bắt bệnh” từ bác sĩ mạng không bằng cấp, mua thuốc theo kiểu “truyền miệng”, hoặc bị các phòng khám “chui” dụ dỗ điều trị…

Một kiến nghị khác của các chuyên gia, đó là cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm minh, thậm chí nâng mức phạt để tăng tính răn đe… cũng cần xây dựng một hệ thống “chấm điểm”, “bảng chấm sao” công khai trên mạng xã hội dành cho các phòng khám. Khi người bệnh có nhu cầu tìm cơ sở điều trị, họ có thể căn cứ các bình luận, đánh giá khách quan của khách hàng để đưa ra lựa chọn. Sự chọn lọc của khách hàng sẽ tạo ra cơ chế tự “thải loại” với phòng khám kém chất lượng.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cục Dân số phát động Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số

Cục Dân số phát động Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số

(PNTĐ) - Theo Cục Dân số, Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số nhằm chọn 1 logo ngành Dân số phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thể hiện nét đặc trưng, tính khái quát cao về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và đối với phát triển bền vững của đất nước.
Hà Nội: Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch, bệnh

Hà Nội: Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch, bệnh

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là với bệnh sởi. Hiện, đội ngũ y bác sĩ và các đơn vị đang tích cực, đây mạnh triển khai các biên pháp phòng, chống dịch bệnh.
Gần 3.000 vận động viên tham gia Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024

Gần 3.000 vận động viên tham gia Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024

(PNTĐ) - Trong 2 ngày từ 4-5/10, gần 3.000 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tới từ 78 đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội sôi nổi tham gia Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024. Đây là hoạt động thiết thực do Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức, nhằm hưởng ứng chào mừng kỷ niệm 70 ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Cập nhật hướng đi mới trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Cập nhật hướng đi mới trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

(PNTĐ) - Trong 2 ngày từ 4-5/10/2024, Hội nghị lão khoa quốc gia lần thứ V chính thức được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Quốc gia. Thông qua các phiên báo cáo khoa học, hội nghị đã cung cấp thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và các chuyên ngành liên quan về dự phòng, điều trị chăm sóc các bệnh lý mạn tính, cấp tính của người cao tuổi…