“Ma trận” quảng cáo thực phẩm chức năng

Chia sẻ

Hiện nay, việc quảng cáo, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Điều đáng nói là một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một vụ thực phẩm chức năng nhập lậu.Cơ quan quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một vụ thực phẩm chức năng nhập lậu. (Ảnh: Mạnh Dũng) 

Hình ảnh viên uống giảm cân Mộc Thảo được quảng cáo trên mạng xã hội.Hình ảnh viên uống giảm cân Mộc Thảo được quảng cáo trên mạng xã hội. (Ảnh: Int)

Quảng cáo “thổi phồng” công dụng

Trong vai người tiêu dùng, phóng viên để lại thông tin liên lạc tại một đường link quảng cáo được gửi qua Zalo có tên “Viên uống giảm cân Mộc Thảo Ripple”, và lập tức có nhân viên tư vấn gọi lại ngay sau đó. Qua trao đổi, nhân viên này cho biết trụ sở làm ra sản phẩm giảm cân Mộc Thảo ở tận “miền núi”, vùng dân tộc, trước đây chỉ phục vụ bà con tại địa phương, đến bây giờ mới hỗ trợ bà con ở xa. Nếu khách hàng có mong muốn sử dụng, cơ sở sẽ hỗ trợ gửi sản phẩm qua “đường bưu điện nhà nước”.

Tuy nhiên, theo một bài quảng cáo về Viên uống giảm cân Mộc Thảo cũng tại đường link đó, bà Mộc – được giới thiệu là người duy nhất kế thừa phương pháp giảm cân độc đáo, được lưu truyền cách đây 10 năm của dòng họ, cũng là người tạo ra viên uống Mộc Thảo, thì: “Ở vùng này chả ai béo, mà béo họ cũng không muốn giảm cân”.

Ngoài ra, trước khi lựa chọn mua viên uống giảm cân Mộc Thảo, khách hàng không cần tới trung tâm khám, chỉ trình bày tình trạng chiều cao, cân nặng, vùng cần giảm béo… nhân viên sẽ tư vấn lộ trình, liều lượng sử dụng viên uống. Về chất lượng, nhân viên tư vấn cho biết sản phẩm phù hợp với mọi loại cơ địa, kể cả người bị cao huyết áp, đái tháo đường… cũng an toàn, thậm chí hoàn toàn không có phản ứng phụ.

Để tăng độ tin cậy, trên link giới thiệu sản phẩm được gửi qua Zalo, cơ sở còn cung cấp nhiều ảnh chụp bài viết, tin tức quảng cáo sản phẩm có hình ảnh logo các đài truyền hình; Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp. Theo đó, tổ chức cá nhân đăng ký là Công ty TNHH Ripple Việt Nam, địa chỉ tại Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, khi tra cứu trên cổng thông tin điện tử của Cục An toàn thực phẩm về Công ty TNHH Ripple Việt Nam, phóng viên chỉ tìm thấy thông tin về Nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xoang Vương, không có sản phẩm Viên uống giảm cân Mộc Thảo; địa chỉ công ty này là ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đáng nói, cuối năm 2020, Cục An toàn thực phẩm đã có thông báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hỗ trợ giảm cân Mộc Thảo do Công ty TNHH Ripple Việt Nam chịu trách nhiệm, có nội dung quảng cáo không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm này vẫn ngang nhiên được giới thiệu, tư vấn cho khách hàng và quảng cáo trên nhiều trang web.

Thực tế, không riêng sản phẩm hỗ trợ giảm cân Mộc Thảo, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đã phát đi hàng loạt thông tin cảnh báo người tiêu dùng về các sản phẩm thực phẩm chức năng vi phạm quảng cáo theo quy định pháp luật, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe Navigout, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thảo mộc hỗ trợ giảm béo Cenly, thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Đường Huyết, Đường Vị An, Ban Thốc Khang, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Boca, Khớp Khang Hải…

Ngoài quảng cáo thổi phồng công dụng, Cục An toàn thực phẩm cũng đưa ra nhiều khuyến cáo về sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do chứa chất cấm nhưng vẫn được rao bán tràn lan trên các trang mạng, chẳng hạn: Kẹo sâm “cường dương” Hamer có chứa chất N-desmethy1 (chất kích dục); lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên giảm cân Giáng ngọc Eva, Health- Belief- Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea, Coco Curv, Choco Fit, Nutriline Cleansline, Kimiso Dark Chocolate... chứa chất cấm sibutramin.

Người dân đang bị đánh lừa bởi thực phẩm chức năng

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết: Với sự phát triển công nghệ hiện nay, hành vi vi phạm đang diễn biến ngày càng tinh vi, quảng cáo rộng khắp trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử, gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận người tiêu dùng. Đối tượng mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu bị phát hiện và xử phạt sai phạm thì lập tức mở tên miền khác; đặt máy chủ ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, “do chưa bị xử lý thích đáng, mà chỉ dừng ở xử lý vi phạm hành chính, không đủ tính răn đe, nên việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm chức năng vẫn diễn ra thường xuyên” - ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay.

Với hơn 10.000 loại thực phẩm chức năng hiện có trên thị trường, người dân rất dễ bị “đánh lừa” đây là sản phẩm tối ưu trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Bởi vậy, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi: Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đồng thời, người dân cần lưu ý rằng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Trước khi quyết định mua bất cứ sản phẩm TPBVSK nào, cần tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn.

Đọc kỹ nhãn sản phẩm, xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe; Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng; Mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.