Mang thai hộ: Phát triển dịch vụ ngầm và những bất cập!
PNTĐ-Mang thai hộ đã không còn là chuyện lén lút, bí mật, khi mà cách đây chưa lâu, một đại gia đất Cảng đưa ra giá gần 4 tỷ đồng với một cô ca sĩ để mang thai hộ...
Dịch vụ “ngấm ngầm”
Vấn đề khó khăn của các cặp vợ chồng hiếm muộn trong việc tìm người mang thai hộ, đó chính là tìm người được đồng ý. Nhiều cặp vợ chồng chọn giải pháp là người thân (chị, em, hoặc họ hàng), chứ nhờ người ngoài thì sợ rắc rối. Nhưng không ít cặp vợ chồng loay hoay mãi mà không tìm được người, đành tìm kiếm qua “cò”. Như vợ chồng anh Văn Công M. (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đang trong sự khát khao một mụn con, nghe “cò” quảng cáo về dịch vụ mang thai hộ với giá khoảng 200 triệu đồng thì gật đầu luôn. Yêu cầu duy nhất của họ là người mang thai hộ phải kín tiếng, khỏe mạnh và không được tranh chấp con cái với họ. Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về người mang thai hộ lấy cớ “có tình cảm” với thai nhi để vòi thêm tiền hoặc “bắt” con, nên vợ chồng anh M cảnh giác cao độ. “Cò” cầm hơn 10 triệu đồng tiền giao dịch, với lời hứa chắc nịch: “An tâm, sẽ tìm đúng người theo ý khách hàng!”
![]() |
Ảnh minh họa |
Không chỉ có “cò” dắt mối cho dịch vụ mang thai hộ lúc nào cũng trực sẵn ở cổng các bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương, Việt Đức… mà trên mạng cũng trở thành một địa điểm giao dịch lý tưởng. Vào google, gõ từ khóa: "tìm người mang thai hộ" ngay lập tức có tới hơn 1 triệu kết quả. Chỉ cần một cái kích chuột là có thể tìm ra địa chỉ của người có nhu cầu mang thai hộ: từ tuổi tác, trình độ văn hóa, nhóm máu, tình trạng sức khỏe, chiều cao, cân nặng… đến địa chỉ, số điện thoại liên lạc, giá tiền.
Gọi theo một số điện thoại trên raovat.com, người nhận mang thai hộ giới thiệu là sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, cần tiền để trang trải học phí và giúp mẹ chữa bệnh và quan trọng là giúp các gia đình hiếm muộn có con. Giá khởi điểm của dịch vụ là 200 triệu đồng, ngoài ra tiền chu cấp dưỡng thai là 5 triệu đồng/tháng…
Ai sẽ là mẹ đứa trẻ?
Thực ra trước đây ngành y đã từng áp dụng thành công biện pháp mang thai hộ cho những trường hợp bị biến chứng trong thai sản (nạo phá thai nhiều lần hoặc bị cắt tử cung). Khi Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học ra đời với quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ thì việc này chấm dứt.
Do đó, cặp vợ chồng có nhu cầu này đều phải làm “chui”, hoặc tìm cách sang Thái Lan với khung hành lang pháp lý “thoáng” hơn về dịch vụ mang thai trọn gói: từ thụ tinh ống nghiệm (khoảng 1.400 USD), chi phí mang thai hộ (2.000-3.000 USD)… đến chi phí “hợp thức hóa” đứa trẻ bằng giấy khai sinh, hộ chiếu… Nhẩm tính một ca mang thai hộ ở Thái Lan, người ta phải chi trả ít nhất 1 tỷ đồng. Trong khi đó, một số bệnh viện, khoa Hỗ trợ sinh sản trong nước có thể làm chủ được những kỹ thuật này nhưng chưa nơi nào thực hiện vì đó là vi phạm pháp luật.
Vì là làm “chui” nên đã có rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa hai bên: bố mẹ di truyền và mẹ sinh học (mang thai hộ). Dù đã có thỏa thuận với nhau về việc mang thai hộ, chăm sóc thai nhi… nhưng khi đứa trẻ chào đời, người mẹ sinh học cứ nghĩ rằng: “À, mình mang thai thì đó phải là con của mình”, phá hợp đồng, ôm con bỏ trốn… khiến nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Hoặc khi đứa bé sinh ra gặp rắc rối về sức khỏe như sinh non, dị tật bẩm sinh… cặp vợ chồng đó từ chối nhận con thì người mang thai hộ có thể sẽ gặp khó khăn, bối rối, thậm chí có hành động sai trái là bỏ rơi đứa trẻ đó.
Theo luật pháp Việt Nam: Người nào sinh con, người đó là mẹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực này, xét về mặt sinh học, trường hợp người phụ nữ mang thai hộ, thì đó không phải là mẹ đứa bé. Các chuyên gia giải thích, nhóm máu cũng như bộ gen di truyền của đứa trẻ hoàn toàn đã được hình thành khi kết hợp giữa trứng của người mẹ sinh học và tinh trùng của người cha. Do đó, khi xét nghiệm AND thì đứa trẻ đó sẽ trùng với gen của cặp vợ chồng cho trứng và tinh trùng.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Tiến Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này thẳng thắn rằng: “Quan điểm cá nhân tôi là đã đến lúc cần đưa mang thai hộ vào luật. Thời gian tới, Quốc hội nên đưa ra vấn đề này ra để thay đổi, sửa đổi và cho phép kĩ thuật mang thai hộ đối với một số trường hợp bệnh lý như bất thường về cơ quan sinh dục, tử cung, cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng, và có thể là u tuyến, tuyến giáp…”. |
Tâm Thanh