"Thần dược" giun quế?
PNTĐ-Gần đây, giun quế được quảng cáo như “thần dược”: tăng cường bản lĩnh đàn ông, chữa còi xương ở trẻ nhỏ, thậm chí, còn có lời đồn vợ chồng ăn giun quế ắt đẻ... con trai.
Trước đây giun quế chỉ được biết đến là một loại thức ăn dành cho gia súc, gia cầm. Nhưng gần đây, giun quế được quảng cáo như “thần dược”: tăng cường bản lĩnh đàn ông, chữa còi xương ở trẻ nhỏ, thậm chí, còn có lời đồn vợ chồng ăn giun quế ắt đẻ... con trai.
![]() |
Cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh từ giun quế khi giun được chế biến thành thuốc và thức ăn cho người |
Giun quế được chế biến thành thuốc, thức ăn cho người
Chủ một trang trại nuôi giun quế ở Sóc Sơn (Hà Nội) có "thâm niên" nuôi giun quế 10 năm cho biết, rượu giun quế cực tốt cho đàn ông, giúp tăng cường sinh lý nên ngày càng có nhiều người tìm đến trang trại hoặc gọi điện đặt mua giun quế về ngâm rượu. Mặc dù nhu cầu của người dùng lớn nhưng cơ sở không dám sản xuất nhiều. Qua tìm hiểu, hằng ngày, trang trại nuôi giun quế bằng phân bò. Sau một tháng, phân đó bốc ra phơi nắng. Khi giun chui ra, đem nghiền nát, nấu với cám cho lợn ăn. Nhưng khi có "đơn đặt hàng", giun được làm "sạch" để trở thành nguyên liệu ngâm rượu.
Theo tiết lộ của chủ trang trại, giun được cho “leo núi” trong chậu để phân và dịch nhầy trong con giun tiết ra. Tiếp đó, chúng được đưa đi "tắm" trong dung dịch. Đem sấy trong thời gian 3 tiếng đồng hồ để giun khô, teo lại. Quy trình này, thường mất khoảng 2 – 3 ngày. Thời gian ngâm rượu phải mất ít nhất 1 năm.
Anh Văn Thái Hoà (tập thể Nam Đồng, Q.Đống Đa) bộc bạch, khi mới uống rượu giun mới ngâm 1 tháng, anh đã “chạy mất dép” vì mùi tanh nồng của “thần dược”. “Đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh của thứ đồ uống ghê rợn này”. Tương tự, anh Hoài Nam (ngõ 250, phố Khương Trung) cũng rước không ít phiền toái từ rượu giun quế. “Khi dùng, tôi cảm thấy buồn nôn, chán ăn, sút gần 3kg, sức khỏe ngày càng đi xuống...”.
Giun quế còn được chế biến thành ruốc dành cho trẻ biếng ăn, còi xương. Loại ruốc này được rao bán với giá thành không hề rẻ, 500.000 đồng/kg. Chủ trang trại cho hay, món ăn này được chế biến từ hai thành phần chính là thịt lợn và… giun quế. Nhiều người lầm tưởng ruốc giun là 100% giun song thực chất trong ruốc chỉ có 20% giun còn 80% là thịt lợn.
Quá tin tưởng vào “thần dược” ruốc giun quế, nhiều bà mẹ háo hức tìm mua. Song muốn mua ruốc này không dễ, vì nguồn cung ứng giun quế ít, giá thành đắt nên khách hàng thường phải đặt trước cả tháng. Có bà mẹ băn khoăn, cứ hễ nghĩ đến ruốc làm từ giun đã có cảm giác… muốn ói vì không thể nghĩ con người có thể ăn loại sinh vật này. Tuy nhiên, người mẹ này vẫn “đánh liều” mua thử.
Trao đổi với PV, một bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng quốc gia tỏ ra sửng sốt vì lần đầu tiên ông nghe về thông tin ruốc giun quế chữa bệnh còi xương ở trẻ em. Thực tế, những công dụng của ruốc giun quế trong việc hỗ trợ, điều trị bệnh cho trẻ em chưa được bất cứ cơ quan nào kiểm chứng. Vì thế, các bậc cha mẹ cần cẩn trọng khi cho con sử dụng, vì nguy cơ ngộ độc là rất lớn.
Nguy cơ tiềm ẩn
Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII Nguyễn Hồng Siêm - Phó chủ tịch Hội đông Y VN, Chủ tịch Hội đông Y HN cho rằng, chúng ta cần xem xét kỹ các thông tin liên quan đến loại giun này vì giun quế là một loài sống trong phân tươi động vật, tiếp xúc trực tiếp với nhiều ký sinh trùng, lại đang được chế biến thành thức ăn cho người và nhiều loại thuốc cho trẻ em, người già, người ốm, người sinh lý yếu. Theo BS Siêm, trong Đông y không dùng giun quế làm thuốc, mà dùng địa long, một loài giun đất màu xám đen, to, dài từ 30 - 40cm, sống sâu trong lòng đất, ăn các chất mùn và rễ cây mục, nên “chất thuốc” của địa long mới tốt.
Theo Lương y Võ Toàn Trung – Chủ tịch Hội đông Y Phước Hòa, giun đất (địa Long) có vị mặn, tính hàn, theo 4 kinh: vị, can, tỳ, thận, có công năng thanh nhiệt hạ sốt, trấn kinh, thông kinh, hoạt lạc, bình suyễn, hạ huyết áp, lợi niệu, tiêu phù... Giun đất dùng để trị sốt cao, sốt rét; hen suyễn, viêm phế quản cấp, mạn tính; cao huyết áp; trúng phong, miệng méo; chứng cửu khiếu xuất huyết, ngũ tạng, lục phủ xuất huyết; có thể dùng bôi ngoài để trị mụn nhọt, bệnh quai bị... Chú ý, đây là vị thuốc có tính hàn nên những người không phải thực nhiệt thì không dùng được. “Theo kiến thức y học cổ truyền cá nhân tôi, hiện chưa có bài thuốc nào dùng giun đất để chữa bệnh yếu sinh lý đàn ông, bệnh còi xương ở trẻ em… và giun quế cũng vậy!” – Lương y Trung khẳng định.
Ngoài ra, trong thành phần giun đất còn có một độc tố là terrestro-lumbrolysin, có thể gây co giật. Những bài thuốc có sử dụng thành phần này dựa theo nguyên tắc “lấy độc trị độc”, vì thế phải theo liều lượng và phối hợp thuốc nghiêm ngặt. Thầy thuốc có thể vận dụng gia giảm, điều chế thích hợp với từng người bệnh. Người bệnh không được tự ý sử dụng, bởi không nắm được các chống chỉ định của thuốc, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các BS Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), uống rượu ngâm giun nguy cơ ngộ độc cao. Đặc biệt, với loại rượu được coi là “bổ” ở Việt Nam có ngâm các loài bò sát, côn trùng đều tiềm ẩn những yếu tố gây độc. Thực tế, đã có nhiều bài học đáng tiếc xảy ra khi uống rượu ngâm với động vật khiến không ít trường hợp đã tử vong.
Tâm Thanh