Hậu Covid-19:

Tiếp tục tiêm mũi 3, mũi 4 để phòng biến thể mới

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay, song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc-xin tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo do cho rằng đã được tự miễn dịch, rằng liều bổ sung, nhắc lại là không cần thiết.

Vẫn ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tử vong và ca bệnh nặng

Thành công trong khống chế dịch Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, nhưng có thể là chưa đủ để bảo vệ người dân trước nguy cơ bệnh quay trở lại trong thời gian sắp tới. 

Theo Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ tử vong và mắc mới do Covid-19 của Việt Nam đã giảm nhiều so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị. Cùng với đó, virus SARS-CoV-2 vẫn luôn biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng, cũng như tử vong. Từ 12/2019 đến nay đã ghi nhận 5 biến thể mới; riêng Omicron - biến thể phổ biến nhất trên thế giới hiện nay đã phát triển lên 5 biến thể phụ trong vòng 6 tháng qua, nhưng chưa chắc đây đã là biến thể cuối cùng. 

Tại Việt Nam biến chủng BA.5 của Omicron - chủng virus từng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bổ sung vào danh mục biến thể cần giám sát; và được Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) liệt dòng phụ này vào danh mục “các biến thể đáng lo ngại” cũng đã xuất hiện. Sự xuất hiện và gia tăng của BA.5 ở một số quốc gia trên thế giới đã khiến tỷ lệ nhập viện, hồi sức cấp cứu gia tăng.

Do khả năng né tránh miễn dịch của chúng ta vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, chưa dự báo được nên hiện tại, Covid-19 vẫn được xem là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Hơn nữa, biện pháp về vắc-xin phòng Covid-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp chưa có cơ chế áp dụng khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Vì vậy, nếu chuyển qua bệnh truyền nhiễm nhóm B, khi dịch bệnh bùng phát sẽ gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thời điểm này, Việt Nam cũng đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt như phòng, chống bệnh đặc biệt nguy hiểm, bệnh nguy hiểm và để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn. Cũng theo Bộ Y tế, một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Đối với tiêu chí số 4, hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 (như Nam Phi, Mỹ, sau 2 tháng dịch có xu hướng giảm, nhưng đã tăng trở lại từ đầu tháng 5/2022 đến nay do sự lưu hành của các biến thể BA.4, BA.5 và chưa có xu hướng chững lại). SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới, đồng thời miễn dịch có được (do vắc-xin và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian. Sau khoảng thời gian đủ lớn, dịch có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Tiếp tục tiêm mũi 3, mũi 4 để phòng biến thể mới - ảnh 1
Tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân Ảnh: Phan Anh/NLĐ

Tiêm mũi vắc-xin nhắc lại là cần thiết 

Liên quan tới biến chủng Covid-19 mới, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin: Với các loại virus thông thường, vắc-xin có xu hướng tăng dần miễn dịch. Nhưng với virus SARD-CoV-2, sự biến đổi dường như không lường được, trong khi tốc độ lây lan chủng sau thường nhanh hơn chủng trước. Theo WHO, nơi nào có vùng kháng thể chưa đảm bảo thì nguy cơ lây nhiễm, kết hợp trở thành biến thể mới sẽ gia tăng. Do đó, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng cao là điều hết sức quan trọng. 

Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2. Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc lại, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%. 

Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-CoV-2 trước đây. Do đó, những người đã tiêm mũi cơ bản mà không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Chưa kể, người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Cũng cần lưu ý, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể.

Bởi vậy, để miễn dịch ở mức cao nhất, người dân rất cần tiêm nhắc lại định kỳ. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể BA.5 cùng nhiều biến thể khác. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vắc-xin vẫn rất hiệu quả. 

“Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không nhưng vắc-xin hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5. Chúng ta muốn mở cửa càng sớm càng tốt, trẻ con được đến trường, mở cửa du lịch… thì phải sử dụng công cụ để bảo vệ bản thân, bảo vệ những người khác, đó là vắc-xin” - TS. Socorro Escalante nhấn mạnh.

Với tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4.

Trong thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo tính sẵn có của vắc-xin Covid-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc-xin đến gần với người dân. 
Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc-xin ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học…
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.