Tổn thương da nặng, nhiễm trùng kéo dài vì sử dụng bột lá không rõ nguồn gốc

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mới đây, các bác sĩ khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu, Bệnh viện E đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp người bệnh nữ (60 tuổi, trú tại tỉnh Thái Bình) nhập viện trong tình trạng hai cẳng chân xuất hiện nhiều phỏng nước kích thước to, ngứa ngáy dữ dội và đau rát. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người bệnh đã ngâm chân với một loại bột lá không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần.

ThS.BS Nguyễn Thị Kim Tiên – khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng ở cẳng chân và bàn chân hai bên. Vùng da từ giữa cẳng chân trở xuống xuất hiện nhiều phỏng nước lớn trên nền da phù nề, viêm đỏ, ngứa dữ dội, cào gãi gây vỡ bọng nước, chảy dịch, rất dễ bội nhiễm…

Trước tình trạng trên nguy hiểm, các bác sĩ đã khẩn trương triển khai các biện pháp điều trị tích cực nhằm kiểm soát nhiễm trùng, giảm viêm và bảo vệ, phục hồi sớm vùng da tổn thương. Người bệnh đã được chỉ định dùng thuốc chống viêm, kháng sinh, đồng thời kết hợp chăm sóc da chuyên sâu để hạn chế nguy cơ biến chứng.

Tổn thương da nặng, nhiễm trùng kéo dài vì sử dụng bột lá không rõ nguồn gốc - ảnh 1
Bác sĩ kiểm tra tổn thương cho bệnh nhân.

Để giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh, người bệnh đã nghe theo lời mách bảo quảng cáo và giới thiệu và sử dụng một loại bột lá để ngâm chân với hiệu quả được quảng cáo có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể.

Tuy nhiên, chỉ sau vài lần ngâm thuốc bột lá, vùng da cẳng chân và bàn chân hai bên xuất hiện nhiều bọng nước phỏng rộp, kèm theo cảm giác ngứa dữ dội và đau rát, gây khó khăn trong việc sinh hoạt và đi lại.

Dù vậy, thay vì đến bệnh viện ngay, người bệnh tự điều trị bôi thuốc không rõ loại tại nhà trong khoảng 3 ngày. Khi tình trạng không thuyên giảm, bà mới tìm đến một cơ sở y tế địa phương để điều trị. Tuy nhiên, tổn thương không chỉ không cải thiện mà còn có dấu hiệu lan rộng, xuất hiện thêm nhiều bọng nước và ngứa nhiều hơn.

Trước diễn biến ngày càng xấu, người bệnh được gia đình đưa đến Bệnh viện E. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm da tiếp xúc dị ứng mức độ nặng, được chỉ định dùng thuốc chống viêm, kháng sinh kết hợp chăm sóc tổn thương chuyên sâu để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng.

BS Tiên giải thích, viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da xảy ra khi da tiếp xúc với một chất gây kích ứng hoặc dị ứng. Trong trường hợp này, người bệnh đã tin tưởng vào các bài thuốc dân gian nhưng không lường trước được rằng một số loại lá có thể chứa thành phần gây dị ứng, đặc biệt khi sử dụng trên vùng da nhạy cảm hoặc đã bị tổn thương trước đó.

Nhiều loại cây có thể tiết ra nhựa chứa các hợp chất gây phản ứng dị ứng mạnh nếu không được can thiệp, điều trị kịp thời có thể làm tổn thương da nghiêm trọng hơn, dẫn đến viêm loét và nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử.

Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại lá, bột lá để ngâm rửa, đắp lên da khi chưa hiểu rõ về thành phần và tác dụng. Nếu có dấu hiệu như nóng rát, ngứa, phồng rộp sau khi tiếp xúc với bất kỳ loại thảo dược nào, hãy ngừng sử dụng ngay và đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Viêm da tiếp xúc dị ứng không chỉ gây đau rát, khó chịu, mà nếu không được xử lý đúng cách, tổn thương có thể lan rộng, nhiễm trùng nặng, thậm chí dẫn đến hoại tử da. Việc trì hoãn điều trị còn làm gia tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, kéo dài thời gian hồi phục và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài cho người bệnh.

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.