Top 5 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch

THIÊN CHÂU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi đi du lịch mọi người thường muốn thưởng thức những món ăn mới lạ đặc trưng của từng vùng miền. Tuy nhiên, cũng có lúc bị rối loạn tiêu hóa hay ngộ độc thực phẩm khi ăn những món khác lạ khiến chuyến đi mất vui. Vậy làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch?

Top 5 cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch - ảnh 1
Khi đi du lịch, việc ăn chín, uống sôi luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra quanh năm nhưng vào mùa nắng nóng thì thường xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều hơn, đặc biệt vào mùa du lịch.

Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu - Đại học Y Hà Nội, có nhiều loại vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm trong đó phải kể đến vi khuẩn và vi nấm. Vi khuẩn hay gặp nhất gây ngộ độc thực phẩm là vi khuẩn tả (V. Cholerae) - một loại vi khuẩn có khả năng sống trong môi trường bên ngoài khá lâu nhất là trong nước và thực phẩm. Thứ 2 là vi khuẩn thương hàn (Salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn E.coli, Campylobacter.

Nguyên nhân gây ngộ độc là các loại vi khuẩn, vi nấm và nấm thường sinh sôi và phát triển trong điều kiện nóng ẩm. Việc chế biến các món ăn nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng dễ gây ra ngộ độc.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi bạn ăn phải các thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ra ngộ độc, thức ăn bị ôi thiu...

Các biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm có thể bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, nặng hơn có thể dẫn đến đau bụng dữ dội, đau cơ, khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, bất tỉnh,… Khi bị nhiễm vi khuẩn thương hàn còn gây nên các biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường ruột, thủng ruột hoặc nhiễm trùng huyết. 

Mỗi chuyến đi có thể là một trải nghiệm thư giãn, phấn khởi và thú vị. Cho dù bạn đi công tác hay du lịch, việc giữ gìn sức khỏe và phòng tránh bệnh tật là rất quan trọng để có một chuyến đi thành công. Cùng tham khảo 5 cách hàng đầu để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch:

Tránh thức ăn chưa nấu chín

Một trong những cách quan trọng nhất để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm là tránh ăn thực phẩm chưa nấu chín. Không nên ăn những món được giới thiệu là ngon, bổ hay mới lạ, hấp dẫn như các món gỏi, món sống. Đây là những loại thức ăn không an toàn hàng đầu, tiềm ẩn nguy cơ chứa mầm bệnh cao.

Nhiệt độ cao có thể giết chết các vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa trong thực phẩm. Nhiệt độ mát hoặc ấm hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn, nấm gây bệnh, vì vậy hãy ăn những món đã được nấu chín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi, các loại rau sống ăn kèm... Khi đi du lịch, hãy cố gắng tránh các loại thực phẩm như thịt cá, rau củ chưa nấu chín càng nhiều càng tốt. Đối với các loại hoa quả khi ăn phải chú ý rửa sạch, gọt vỏ để tránh bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản.

Cẩn thận với nước uống

Không chỉ vấn đề đồ ăn, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch, mọi người cũng cần lưu ý đến vấn đề nước uống. Luôn đảm bảo mang theo nước uống đóng chai ở mọi nơi bạn đến trong chuyến du lịch của mình. Bạn không thể chắc chắn liệu nguồn nước địa phương nơi mình đến có bị ô nhiễm hay không, vì vậy đừng mạo hiểm. Tốt nhất là sử dụng nước đóng chai để đánh răng.

Hạn chế sử dụng đá lạnh trong các loại đồ uống khi bạn không chắc chắn nước sử dụng làm lạnh, làm đá đã được tiệt khuẩn trước khi sử dụng. Đặc biệt, khi đi du lịch vào mùa nóng cần cẩn thận với việc sử dụng nước đá, không nên ăn kem hay uống nước giải khát ướp lạnh dọc đường.

Luôn rửa tay sạch sẽ

Giữ bàn tay sạch sẽ là một hành động nhỏ nhưng rất có lợi cho sức khỏe. Mọi người nên rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Có thể sử dụng dung dịch khử khuẩn khi điều kiện không thuận lợi.

Chọn quán ăn đảm bảo an toàn

Khi đi du lịch, người ta sẽ luôn muốn nếm thử các món ăn địa phương. Nên chọn quán ăn nơi thường xuyên phục vụ người dân địa phương. Một nhà hàng đang phục vụ người dân địa phương và được nhiều người ghé thăm thường có nguồn thực phẩm tươi sống hơn.

Ngoài ra, chúng ta không nên ăn các món chế biến sẵn bày bán dọc đường ở các khu du lịch hay trên bờ biển. Những đồ ăn này không biết đã được nấu chín lâu chưa, vì khi thực phẩm đã nấu chín để ở nhiệt độ thường sau 2 giờ là đã có nguy cơ gây ngộ độc.

Theo PGS. TS Vũ Đức Định, nguyên giảng viên chuyên khoa tiêu hóa Học viện Quân y: khi đi du lịch cần tìm hiểu kỹ địa điểm du lịch và các quán ăn, lựa chọn những quán ăn được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Tốt nhất hãy hỏi kinh nghiệm của những người dân địa phương về các món ăn lạ và cân nhắc về những món chưa từng ăn, tốt nhất không ăn các món gỏi sống, nên ăn chín uống sôi.

Thận trọng với sữa

Mặc dù sữa ngon và tốt cho sức khỏe, nhưng nó cũng dễ bị nhiễm khuẩn và có thể chứa mầm bệnh, đặc biệt là với sữa tươi. Một trong những cách để tránh ngộ độc thực phẩm là thận trọng hơn một chút khi tiêu thụ sữa, kể cả trong các loại đồ uống như cà phê sữa. Hãy chắc chắn bạn sử dụng sữa đã nấu chín, vì vậy nếu bạn muốn thêm sữa vào trà hoặc cà phê, hãy đảm bảo rằng nó đã được đun sôi.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.