Trên 80% người nhiễm HIV là nam giới tuổi từ 15-39

Chia sẻ

(PNTĐ) - Dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp với sự thay đổi rõ rệt trong hình thái lây nhiễm. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay, 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là 15-29 (40%) và 30-39 (27,3%).

Trên 80% người nhiễm HIV là nam giới tuổi từ 15-39 - ảnh 1
Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm HIV tự nguyện trong cộng đồng. 
Ảnh: VGP/Thùy Chi

Độ tuổi 15-29 nhiễm HIV có xu hướng tăng cao 
Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế: Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP Hồ Chí Minh, cả nước có khoảng 267.000 người đang sống chung với HIV, 100% số tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc. Đáng lưu ý, gần 70% trường hợp nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (31,2%), Đông Nam Bộ (12,8%) và TP HCM (24,3%); độ tuổi 15-29 có xu hướng tăng cao.

Riêng 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 11.400 trường hợp mới dương tính với HIV, trong đó gần 1.300 người tử vong. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay, 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là 15-29 (40%) và 30-39 (27,3%), đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).

Bà Hương nhận định dịch HIV/AIDS hiện vẫn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt - từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là nhóm chiếm tỉ lệ lớn trong số người nhiễm HIV mới với hơn 40% số ca phát hiện hàng năm. 

Các chuyên gia dự báo, số người mắc HIV trong nhóm MSM tiếp tục tăng trong thời gian tới. Lý do là đặc tính nhóm này sinh sống trải đều ở các tỉnh, thành, khó tiếp cận theo vùng như đối với người nghiện ma túy trước kia. Mạng xã hội phát triển với các hội, nhóm dành riêng cho người có nhu cầu quan hệ tình dục đồng giới nở rộ, khiến họ dễ dàng tìm kiếm và tiếp xúc nhiều bạn tình. Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng người chuyển giới nữ là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV và gia tăng những năm gần đây.

Đáng quan ngại là tình trạng trẻ hóa người nhiễm HIV. Một số tỉnh, thành phố đã phát hiện người nhiễm ở lứa tuổi vị thành niên, là học sinh lớp 10, 11. Các em cho biết đã có quan hệ tình dục đồng giới hoặc từng sử dụng ma túy tổng hợp. Đó là yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh, thành không phải trọng điểm cũng bắt đầu gia tăng. Kèm theo đó là các hành vi nguy cơ phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, "chemsex" (dùng chất khi quan hệ tình dục) và quan hệ tình dục tập thể. Điều này không chỉ làm lây nhiễm HIV mà còn lây truyền các bệnh qua đường tình dục, viêm gan B, C… làm tăng gánh nặng cho ngành y tế.

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ toàn diện
Đối mặt với vấn nạn HIV, thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đạt được một số kết quả tích cực như: Thực hiện hơn 2 triệu lượt xét nghiệm HIV, quản lý điều trị ARV (thuốc kháng HIV) cho hơn 176.000 bệnh nhân, duy trì hiệu quả điều trị methadone cho hơn 46.500 người. Đồng thời, các sáng kiến như cấp phát methadone nhiều ngày và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được mở rộng, đảm bảo tiếp cận đa dạng các nhóm nguy cơ…

Tuy nhiên, ngay cả với những tiến bộ đạt được liên tục và vững chắc này, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước như: HIV đang trẻ hóa, sự thiếu hiểu biết về HIV, kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV vẫn đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ và điều này không phải chỉ là khó khăn thách thức của riêng Việt Nam.

Chưa kể, MSM do không bị tâm lý sợ mang thai nên việc sử dụng bao cao su - một trong những biện pháp ngừa thai - không được chú trọng như quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Ngoài ra, một số người trong nhóm này có thể có những lúc quan hệ tình dục tập thể, có nhiều bạn tình. Họ còn có xu hướng sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu, bia... để tăng khoái cảm và tìm cảm giác khác biệt..., dẫn đến mất kiểm soát hành vi an toàn. Bên cạnh đó, có thể xảy ra hành vi quan hệ mạnh bạo dẫn đến tổn thương cao hơn.

Nhiều trường hợp còn không biết rõ về bạn tình của mình, nhất là tình trạng sức khỏe. Có người mang nhiều nguy cơ chồng chéo, như tiêm chích ma túy, có nhiều người cả nam và nữ, thường xuyên thay đổi bạn tình và có thể mắc kèm các bệnh lây qua đường tình dục khác...

Bởi vậy, việc tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng.

Tại Hà Nội, để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS (10/11-10/12/2024) với chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030"; và kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm thành phố (gọi tắt là “Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội”, viết tắt là “Ban Chỉ đạo 89/TP”) ban hành Kế hoạch Tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Tháng hành động năm nay hướng tới 3 mục tiêu. Thứ nhất là tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Thứ hai, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ ba, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giúp đỡ hơn 3.000 người khó khăn cải thiện dinh dưỡng

Giúp đỡ hơn 3.000 người khó khăn cải thiện dinh dưỡng

(PNTĐ) - Trong năm nay, Bệnh viện K (Hà Nội), Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Tổng Hợp tỉnh Gia Lai, Cơ sở Bảo trợ Trẻ em An Tây (TP.Huế), Trường Phục hồi Chức năng và Dạy nghề cho Người khuyết tật Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), và Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Trà Vinh đã trở thành các đối tác mới của Chương trình Casa Herbalife, nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn mỗi ngày.
Nhồi máu cơ tim vì tập luyện thể dục cường độ cao

Nhồi máu cơ tim vì tập luyện thể dục cường độ cao

(PNTĐ) - Theo ThS.BS Đàm Hải Sơn - khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E: Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, từ 90 - 95% người bệnh tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh

(PNTĐ) - Tại Hà Nội, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh đang ngày càng được nhiều bà mẹ quan tâm. Sàng lọc trước sinh là giải pháp quan trọng trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ, hạn chế những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh - tránh hậu quả nặng nề do dị tật

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh - tránh hậu quả nặng nề do dị tật

(PNTĐ) - Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp giúp chẩn đoán những bất thường của trẻ giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời. Từ đó, có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, giảm áp lực cho xã hội góp phần nâng cao chất lượng dân số.