Sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng:

Bao giờ mới hết nhức nhối?

BÌNH HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” thực phẩm chức năng.

Bao giờ mới hết nhức nhối? - ảnh 1
Bác sĩ tại TTYT huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) khám cho một trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị do sử dụng thực phẩm chức năng. Ảnh: PV

Quảng cáo gian dối khiến bệnh nhân bỏ lỡ thời gian vàng điều trị  

Thông tin tại buổi tọa đàm về "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, một thực trạng được xem là nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư... Thậm chí có cả loại thực phẩm "chữa" được khối u với giá bán từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng/hộp, hoặc sẽ cao hơn nếu là hàng xách tay Mỹ, châu Âu.

Thực tế cho thấy, tình trạng quảng cáo "thổi phồng" về công dụng thực phẩm chức năng trên không gian mạng không phải hiếm gặp. Từ đầu năm tới nay, trên trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tiếp đăng tải thông tin liên quan sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Đơn cử như cảnh báo hồi tháng 4/2024 về sai phạm của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sâm Plus S'body Green, Vạn Xuân Tố Nữ Plus, được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hơn 11 tỷ đồng đối với Công ty TNHH sản xuất - y dược phẩm Vĩnh Điển vì 6 vi phạm, trong đó có sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm chức năng. Các sản phẩm có chất cấm bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bổ hoàn dương plus (số lô: 02.2022, NSX: 11/5/2022, HSD: 10/5/2025); sản phẩm Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý (số lô: 03.2022, NSX: 12/5/2022, HSD: 11/5/2025); thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giấm táo Slim hỗ trợ giảm béo (số lô: 01.2022, NSX: 26/2/2022, HSD: 25/2/2025).

Không chỉ 2 sản phẩm nói trên, PGS.TS Trần Đáng cho biết, trên thị trường có nhiều bài đăng quảng cáo với thông điệp như "dội bom" vào nhận thức của công chúng. Đó là rất nhiều lời "có cánh" như: Cam kết trị dứt điểm, không khỏi không lấy tiền, gia truyền, trị tận gốc, không lo tái phát sau 1 liệu trình, đẩy lùi mọi biến chứng đái tháo đường, đánh bay đái tháo đường type 1, type 2, dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, thần dược, 3 đời gia truyền, thần y… Trong khi đó, "không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế" - PGS Đáng nhấn mạnh.

Liên quan tới công dụng của thực phẩm chức năng, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết thêm: Nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Người mắc bệnh nan y phát hiện sớm, điều trị sớm có thể khỏi nếu không thì cũng có thể kéo dài sự sống, nhưng những quảng cáo "cam kết chữa khỏi" là vi phạm với quy định về thực phẩm chức năng (không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh). Mua những sản phẩm được "cam kết chữa khỏi" này về dùng bệnh nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ bệnh chẳng những không thuyên giảm, mà còn làm lỡ "thời gian vàng" điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật. Thậm chí qua thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự các sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân, xương khớp, tăng cường sinh lý nam có chứa chất cấm (theo quy định Bộ Y tế đã ban hành) trong thành phần.
Cần đưa nhãn hàng vi phạm vào "danh sách đen"
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, hiện nay pháp luật có quy định quảng cáo được đăng tải, phát hành phải đúng theo nội dung đã thẩm định, cấp phép. Với những doanh nghiệp quảng cáo mà không có giấy tiếp nhận quảng cáo, kể cả nội dung không sai phạm vẫn là vi phạm. Tuy nhiên, cái khó cho cả cơ quan quản lý (dược, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, thông tin truyền thông) là những quảng cáo trên mạng xã hội đa phần đều có máy chủ ở nước ngoài. Nhà phát hành quảng cáo còn là những nền tảng xuyên biên giới. Người phát hành quảng cáo có thể là cơ quan báo chí điện tử, dẫn đường link về thông tin sai sự thật. Ngoài ra còn là trang thông tin không phép, trang chạy quảng cáo về thực phẩm chức năng được tạo ra bằng công nghệ - trí tuệ nhân tạo. 

Nhận định vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán. Đây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng. Nguyên nhân của việc bùng nổ các hình thức quảng cáo trên các nền tảng này là do thói quen thích xem nội dung miễn phí của người dân. Nội dung miễn phí chiếm nhiều thời gian và gây nghiện.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, để kiểm soát được những nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, cần chú ý đến không gian mạng. Hiện nay, đã có nhiều biện pháp xử lý đối với các tên miền, doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo, chẳng hạn chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt trong nước. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, cần cho những nhãn hàng vi phạm vào "danh sách đen" để cảnh báo đến các đơn vị hợp tác và cả người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cũng cho biết, Hiệp hội đang đề xuất hình thức "đèn xanh - đèn đỏ", với màu xanh là các sản phẩm không vi phạm các quy định, trong đó có quảng cáo, sẽ được hiệp hội khuyến nghị sử dụng. Sản phẩm "đỏ" là sản phẩm vi phạm, sẽ được khuyến cáo cần thận trọng khi sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong đề xuất "blacklist - danh sách đen" với những trang vi phạm quảng cáo có thể thực hiện được và công khai trên nhiều nền tảng để cảnh báo người dân.

Ông Hồ Tùng Bách, Ban bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng: Người nổi tiếng, KOL phải chịu trách nhiệm về sản phẩm và nội dung quảng cáo; đảm bảo các thông tin về sản phẩm, nội dung quảng cáo phải phù hợp với nội dung mà nhãn hàng được cấp phép. Đồng thời, người nổi tiếng khi quảng cáo phải nói rõ đây là việc hợp tác quảng cáo chứ không phải xuất phát từ chia sẻ, trải nghiệm cá nhân; để tránh gây hiểu lầm.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nguy kịch sau tiêm khớp vai tại phòng khám tư

Nữ bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nguy kịch sau tiêm khớp vai tại phòng khám tư

(PNTĐ) - Một nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Hải Dương vừa được cứu sống tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau khi rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn cực kỳ nguy kịch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhiễm trùng từ mũi tiêm trực tiếp vào khớp vai tại một phòng khám tư nhân. Sự việc đặt ra hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện các thủ thuật y khoa tại những cơ sở không đảm bảo vô trùng.
Bệnh viện Da liễu Trung ương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến: Tiện lợi, nhanh chóng

Bệnh viện Da liễu Trung ương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến: Tiện lợi, nhanh chóng

(PNTĐ) - Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự nhanh chóng, tiện lợi cho người bệnh khi tới khám, BV Da liễu Trung ương đã chính thức áp dụng hình thức đăng ký và thanh toán chi phí khám bệnh trực tuyến qua website chính thức của bệnh viện tại địa chỉ Dalieu.vn.
Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

(PNTĐ) - Tình trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đang là vấn nạn nhức nhối. Ngày 07/5, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã chia sẻ về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tăng cường quản lý, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.
Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

(PNTĐ) - Ung thư vú ở nam giới rất hiếm, với khoảng 2.710 ca mới tại Hoa Kỳ năm 2022. Các dấu hiệu ung thư vú ở nam giới có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đặc biệt là ở người 60-70 tuổi. Tuy nhiên, do ít phổ biến hơn ở nữ giới, nam giới thường bỏ qua triệu chứng, dẫn đến chẩn đoán muộn và ảnh hưởng đến tiên lượng điều trị.
Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn

Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn

(PNTĐ) - Mới đây, các bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thực hiện nội soi thành công, gắp bỏ một khối bã thức ăn lớn kích thước khoảng 4x4cm ra khỏi dạ dày của một bệnh nhân nữ 65 tuổi. Trường hợp này không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ biến chứng nguy hiểm mà còn là lời cảnh báo về tình trạng bã thức ăn dạ dày, một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng không thể chủ quan.