Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” của người bệnh

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều năm qua, bảo hiểm y tế đã trở thành chính sách an sinh xã hội quan trọng, đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân…

 
Xây dựng trên cơ chế nhân văn, chia sẻ giữa người khỏe với người yếu, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người cao tuổi… nhiều năm qua, bảo hiểm y tế (BHYT) đã trở thành chính sách an sinh xã hội quan trọng, đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân…
 
Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” của người bệnh - ảnh 1
Nhờ BHYT, nhiều bệnh nhân khó khăn như anh Đoàn Văn Đ có cơ hội duy trì sự sống

 
Tại bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, BHYT là cứu cánh cho rất nhiều bệnh nhân. Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị T (SN 1985, Hà Nội), không may mắc bệnh Hemophilla (máu khó đông bẩm sinh) từ năm 2014. Do phần lớn thời gian điều trị tại bệnh viện, chị T phải nghỉ làm. Một số thời điểm chị T phải tiêm mũi thuốc chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng, trong khi cứ 2-4h phải tiêm 1 mũi. “Có lần, chi phí điều trị của bệnh nhân lên tới 2 tỷ đồng. Nếu không có BHYT, người bệnh rất khổ. Nhiều người thậm chí không thể theo đuổi việc chữa bệnh” - TS.BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia (viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) cho biết.
 
Trường hợp bệnh nhân Đoàn Văn Đ (SN 1980, Hà Nội), mắc căn bệnh suy thận cấp từ tháng 5/2009 cũng là hoàn cảnh đặc biệt. Đều đặn mỗi tháng, bệnh nhân phải tới khoa Thận nhân tạo - bệnh viện Thận Hà Nội để chạy thận lọc máu. “Hiện tổng thu nhập của vợ chồng tôi chỉ hơn 6 triệu đồng/ tháng, trong khi chi phí chạy thận là trên 8 triệu đồng/tháng. Nhờ được BHYT chi trả 100%, tôi mới có thể tiếp tục duy trì sự sống” - anh Đ chia sẻ.
 
Là đơn vị lọc máu lớn nhất cả nước, trung bình mỗi ngày khoa Thận nhân tạo (bệnh viện Bạch Mai) điều trị hơn 300 bệnh nhân lọc máu chu kỳ. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo: 100 % bệnh nhân chạy thận tại đây đều có BHYT. Bởi, nhiều bệnh nhân bị suy thận nặng, phải lọc máu, điều trị suốt đời, nếu không được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí (từ 80-100%), nhiều người trong số họ sẽ bỏ ngang điều trị, chấp nhận cái chết vì không có tiền chi trả.
 
Thông tin tại Hội nghị định kỳ về BHXH, BHYT cuối 2018, ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cũng chia sẻ về trường hợp một học sinh ở quận Lê Chân (Hải Phòng) tham gia BHYT và được Quỹ chi trả 1,8 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Ngoài ra, còn có hơn 3.000 bệnh nhân được BHYT chi trả 200 - 300 triệu đồng; hơn 1.300 người được BHYT chi trả trên 300 triệu đồng.
 
“Qua đây cho thấy, tính chia sẻ, hỗ trợ của BHYT đối với người tham gia BHYT nếu không may ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là khi phải điều trị bệnh trọng, dài ngày. Do đó, BHYT như phao cứu sinh giúp người dân thoát khỏi bẫy nghèo y tế. Và người dân cần tích cực tham gia BHYT để được chia sẻ về tài chính”- ông Trung nhấn mạnh.
 
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: BHYT thực sự là “phao cứu sinh” giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Hiện nay, ở nước ta, tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
 
Khẳng định thêm về vai trò của BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân đang ngày càng tăng, chi phí ngày càng lớn, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là BHYT. Hiện nay, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và thực hiện BHYT toàn dân là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, công bằng, hiệu quả cho mọi người.
 
 
 Đến tháng 5/2019, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT (đạt được tỷ lệ bao phủ 89%). Trong đó, đối tượng là người lao động đã tham gia BHYT trên 90%; Nhóm người hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội 100% đã tham gia BHYT; Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ (hộ cận nghèo, HSSV) cũng đã đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%. Đặc biệt, nhóm hộ gia đình hiện đã có trên 17 triệu người tham gia… Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đạt và vượt chỉ tiêu phát triển BHYT theo Quyết định 1167/QĐ-TTg.
 
 
Thảo Hương 

Tin cùng chuyên mục

BV Đa khoa Hà Đông được công nhận đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử

BV Đa khoa Hà Đông được công nhận đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử

(PNTĐ) - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chính thức được Hội đồng thẩm định công nhận đủ điều kiện thay thế hoàn toàn bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử (EMR). Đây là một bước tiến trong quá trình chuyển đổi số, góp phần hiện đại hóa hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại CDC Hà Nội

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại CDC Hà Nội

(PNTĐ) - Công đoàn ngành Y tế Hà Nội vừa phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, tổ chức lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại đơn vị. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động ngành Y tế Thủ đô.
Cảnh giác những thói quen tuy nhỏ nhưng đang cướp đi giấc ngủ của bạn mỗi đêm

Cảnh giác những thói quen tuy nhỏ nhưng đang cướp đi giấc ngủ của bạn mỗi đêm

(PNTĐ) - Chị D - một nhân viên văn phòng 40 tuổi ở Hà Nội, từng có giấc ngủ lý tưởng, bỗng chốc rơi vào địa ngục mất ngủ triền miên. Lý do không chỉ là áp lực công việc, mà còn vì chị đã phớt lờ những dấu hiệu cảnh báo tưởng chừng đơn giản, và cho rằng "chỉ là mất ngủ chút thôi, ai mà chẳng gặp".
Cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình

Cam kết quốc gia về kế hoạch hóa gia đình

(PNTĐ) - Sáng ngày 9/6, tại Hà Nội, Hội thảo phổ biến cam kết tham gia chương trình Kế hoạch hóa gia đình toàn cầu đến năm 2030 đã được Cục Dân số (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức, nhằm thúc đẩy quyền của mọi người trong việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản một cách an toàn và theo lựa chọn cá nhân.