Bé gái 8 ngày tuổi phải cắt 2 buồng trứng vì thoát vị bẹn

TS.BS Trần Anh Quỳnh Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại tổng hợp, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khi bố mẹ đưa bé tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, buồng trứng của bé gái đã bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Bé gái 8 ngày tuổi phải cắt 2 buồng trứng vì thoát vị bẹn - ảnh 1
PGS.TS.BS Phạm Duy Hiền cùng cộng sự trong ca phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn bằng kim Endo cho bệnh nhi. Ảnh: K.Chi

Nguyên nhân khiến bé gái hoại tử buồng trứng là do thoát vị bẹn, nghẹt cả 2 bên buồng trứng. Thời điểm trẻ đi khám là vào ngày lạnh nên cha mẹ không tắm thường xuyên cho trẻ. Trước đó bé thường xuyên quấy khóc nhưng cha mẹ nghĩ rằng con khóc dạ đề. Tới khi vệ sinh cá nhân, thấy con có khối phồng hai bên bẹn, môi lớn, sờ thấy trẻ đau, khóc mới đưa đi khám thì 2 buồng trứng đã hoại tử, phải mổ cấp cứu để cắt bỏ.

Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là tình trạng phồng lên bất thường ở vùng bẹn-bìu của nam và bẹn-môi lớn ở nữ. Độ tuổi thường gặp dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân; bệnh mắc ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. 

Thoát vị bẹn ở trẻ em là một bệnh lý bẩm sinh, xảy ra khi có sự “di chuyển” của ruột, mạc nối hay buồng trứng vào trong ống bẹn; chủ yếu gặp bên phải (60-65%), bên trái (25-30%), cả 2 bên (từ 10-15%). Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện khoảng 3.000-4.000 ca mổ cho bệnh nhi thoát vị bẹn.

Nguyên nhân gây thoát vị bẹn
Nguyên nhân thoát vị bẹn do sự tồn tại của ống phúc tinh mạc ở nam hay ống Nuck ở nữ (ống thông từ ổ bụng xuống vùng bẹn-bìu ở con trai hay bẹn-môi lớn ở con gái), vì một nguyên nhân nào đó ống này đã không được đóng kín lại sau khi trẻ sinh ra, dẫn đến sự “di chuyển” của ruột, mạc nối hay buồng trứng vào trong ống bẹn.
Bệnh luôn đi kèm nguy cơ nghẹt, có thể dẫn tới hoại tử ruột hay buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời. 

Triệu chứng nhận biết thoát vị bẹn
Triệu chứng nhận biết thoát vị bẹn thường là bỗng dưng xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn. Lúc trẻ hoạt động gắng sức như ho, khóc, chạy nhảy khối này to lên; khi trẻ nghỉ ngơi hay nằm yên thì khối phồng có thể xẹp lại; khối thoát vị có thể đau khiến trẻ quấy khóc nhưng cũng có thể không gây đau. 

Thoát vị bẹn có thể gặp bất cứ lúc nào, đa số là trước 6 tháng nên cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Có trường hợp muộn hơn, trên 5 tuổi ít bị nghẹn mà chỉ có biểu hiện sưng, phồng. Vì vậy, khi phát hiện những bất thường nói trên, cha mẹ nên chủ động đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám. 

Phương pháp điều trị?
Thoát vị bẹn ở trẻ hầu hết không tự khỏi mà bắt buộc phải phẫu thuật để chữa trị. Phương pháp cổ điển là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và thực hiện thắt ống phúc tinh mạc. 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều năm qua các bác sĩ đã hoàn toàn làm chủ và thay thế mổ mở bằng phương pháp mổ nội soi bằng kim EndoNeedle. Phương pháp này được được PGS.TS.BS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp và TS.BS Trần Anh Quỳnh học hỏi từ các chuyên gia của Nhật Bản để áp dụng vào Việt Nam từ năm 2017. Đến nay, không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương mà hầu hết các cơ sở y tế ngoại nhi trên toàn quốc đã làm chủ và đều thực hiện mổ nội soi với bệnh thoát vị bẹn. Do vết mổ chỉ khoảng 3mm nên sau khi mổ, bệnh nhi chỉ phải nằm viện trong 1 ngày, thay băng sau 2 ngày; chế độ sinh hoạt, ăn uống diễn ra hoàn toàn bình thường.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.