Gỡ "nút thắt" mua sắm, đấu thầu vật tư y tế:

Cần biện pháp giải quyết căn cơ

THẢO BÌNH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Theo lãnh đạo các cơ sở y tế, những "nút thắt" trong mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã dần được tháo gỡ, song vẫn cần có biện pháp để giải quyết căn cơ trong thời gian tới.

Cần biện pháp giải quyết căn cơ - ảnh 1

Bệnh viện yên tâm phục vụ người bệnh
Ông Nguyễn Minh Lợi - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết: Một ngày sau khi Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/ 2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế được Chính phủ ban hành, đã có một số lô hàng trang thiết bị y tế được thông quan nhập khẩu nhằm phục vụ cho nhu cầu của các cơ sở y tế. Có thể nói, những khó khăn trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế liên quan đến Nghị định số 98/2021/NĐ-CP cơ bản đã được tháo gỡ.

Cụ thể, có 4 điểm mới được triển khai tại Nghị định 07 sửa đổi, bao gồm: Giải quyết vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế bằng các quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế; đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành; sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế; sửa đổi quy định để giải quyết vướng mắc bất cập từ thực tiễn về kê khai giá, bãi bỏ quy định "không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán".

Trong khi đó, Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế đã cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu; cho phép thay đổi xác định giá các gói thầu trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế...

Đồng tình với lợi ích mà Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ mang lại, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định: Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. 

Còn tại Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện thông tin: Ngay khi được tháo gỡ vướng mắc, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất... Sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên ca cấp cứu do thiếu vật tư, hóa chất, bệnh viện đã mổ trở lại như bình thường. Hiện tại bệnh viện đã hoạt động bình thường, người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện. 

Nhiều quy định cần cụ thể và làm rõ 
Trao đổi tại hội nghị về hướng dẫn triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ, do Bộ Y tế tổ chức mới đây, dược sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố chia sẻ: Hầu như các bệnh viện trên địa bàn đều cho rằng việc tháo gỡ những vướng mắc về mua sắm, đấu thầu của hai văn bản này đã giúp giải quyết được 80-90% việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. "TPHCM được tài trợ nhiều trang thiết bị phục vụ chống dịch, Sở Y tế đã phân bổ cho các bệnh viện để phục vụ khám chữa bệnh. Thời gian qua các bệnh viện cũng lo lắng việc sử dụng các máy này sẽ gặp khó khăn khi thanh toán BHYT, do vậy khi Nghị quyết 30 cho thanh toán BHYT với các máy này, các bệnh viện yên tâm hơn để phục vụ người bệnh".

Tuy nhiên, đại diện ngành y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục trang thiết bị phải kê khai giá; cùng hướng dẫn triển khai vì một số nội dung liên quan đến đấu thầu, mua sắm bằng văn bản quy phạm pháp luật tại Nghị quyết 30 có giá trị đến ngày 31/12/2023. Ngoài ra, nhiều lãnh đạo Sở Y tế và bệnh viện cũng đề xuất đối với những loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế độc quyền, chỉ có 1 đơn vị sản xuất, cung ứng thì nên chuyển sang đàm phán giá, thay vì tổ chức đấu thầu như hiện nay. 

Đồng thời đề nghị thời gian tới cần khẩn trương sửa đổi Luật Đấu thầu để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế. Cụ thể cần có những quy định riêng dành cho thuốc và trang thiết bị y tế với sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… Nhiều đơn vị cũng băn khoăn về việc những hướng dẫn trong Nghị quyết 30 chỉ mang tính tạm thời, nếu sau này thanh tra, kiểm toán thì có được chấp nhận hay không. Từ đó đề nghị cần triển khai Nghị quyết 30 tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Phân tích thêm về thực tế hiện nay, ông Nguyễn Minh Lợi bày tỏ tin tưởng rằng, trong vòng 3- 6 tháng tới nhịp độ cung cấp trang thiết bị y tế cho nhu cầu của các cơ sở y tế sẽ cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Người dân tham gia khám bệnh, chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán mà không phải tự đi mua như mấy ngày gần đây.

Tuy nhiên về lâu dài như trong Nghị quyết 30 cũng đã nêu các bộ, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về thể chế. Có một số văn bản phải hướng dẫn ngay trong năm nay nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật Đấu thầu cũng như Luật Giá trong đó có những điểm phải thể hiện đặc thù trong công tác quản lý của ngành y tế.

Chưa kể, quản lý trang thiết bị y tế hiện nay còn nhiều nội dung khác, ví dụ như cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế hiện nay chưa có đầy đủ; tiếp đó bộ từ điển về trang thiết bị y tế cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện ban hành để đảm bảo hội nhập quốc tế. Việc cấp số đăng ký lưu hành cũng cần phải được đẩy nhanh, trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để làm sao đảm bảo được việc cấp số nhanh chóng hơn, thông thoáng hơn, thuận lợi hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ sở y tế nhưng vẫn chặt chẽ. 

Việc này theo lộ trình dự kiến đến tháng 9/2023, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Luật Trang thiết bị y tế để về lâu dài muốn quản lý trang thiết bị y tế tốt và phù hợp với hội nhập quốc tế thì phải có Luật về vấn đề này.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...