Câu chuyện "ghép đầu người" ở Việt Nam: Liệu có “hồn Trương Ba, da hàng thịt”?
PNTĐ-Trên thế giới hiện chưa có ca ghép đầu người nào được thực hiện, song tại Việt Nam, các bác sĩ ở BV Việt Đức vẫn đang nung nấu ý định ghép đầu cho bệnh nhân...
Nếu một ngày ý định đó thực hiện thành công, liệu có xảy ra tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt” với hàng loạt hệ lụy pháp lý khó giải quyết?
![]() |
Các BS của Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người tư vấn cho anh Phạm Sỹ Long về quy trình đăng ký ghép đầu |
Tâm nguyện của người xin... “hiến đầu”
Câu chuyện chàng trai Phạm Sỹ Long (SN 1988, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đến Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người (Trung tâm) thuộc BV Việt Đức để xin được “hiến đầu” đã làm “nóng” dư luận tuần qua. 13 năm trước, Long bị tai nạn dẫn tới liệt toàn thân. Nhiều lần Long muốn tự vẫn để giải thoát cho mình nhưng “tay chân bất động nên không chết được". Cuối cùng, Long kiếm tìm niềm vui sống bằng cách làm thơ, viết nhật ký, vẽ tranh… Gần đây, sau khi biết về dự định ghép đầu người của các BS BV Việt Đức, Long đã thuyết phục mẹ đưa mình đến Trung tâm để... “hiến đầu”.
Ông Cao Tiến Sỹ - phòng Pháp chế của Trung tâm cho hay, Long không phải trường hợp đầu tiên đăng ký "hiến đầu". Cuối năm 2015, Đặng Minh H (SN 1982, TP.HCM) đã liên hệ với Trung tâm cũng với ý định này. Năm 2003, H bị trượt chân ngã vào thành bể bơi, gãy cổ, dẫn tới chấn thương cột sống, đốt sống cổ 3, 4 đâm vào tủy sống... H trải qua liên tiếp 3 cuộc phẫu thuật vùng cổ, tủy sống để giữ tính mạng, nhưng toàn thân bị liệt. Do tập luyện vật lý trị liệu quá sức, khớp háng sưng, hoại tử, H lại phải mổ thêm 2 lần nữa để không phải cắt cụt đôi chân.
Đáng nói, trước khi gặp tai nạn, sức khỏe H chưa kịp phục hồi sau 3 lần mổ ổ bụng vì ruột thừa bị vỡ, hoại tử, mủ. Tính đến nay, tổng chi phí điều trị, phẫu thuật cho H đã hết gần 800 triệu đồng. Cha mẹ chia tay từ khi H còn nhỏ, H ở với mẹ và cha dượng. Từ khi con gặp nạn, mẹ H bỏ việc kinh doanh lúa gạo ở Tiền Giang (quê cha H) ở nhà để chăm sóc con.
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”?
GS.TS Trịnh Hồng Sơn – PGĐ BV Việt Đức – GĐ Trung tâm cho biết, đây chỉ là 3 trong 6 bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt tìm đến Trung tâm với ý nguyện "hiến đầu". Tuy nhiên, mong muốn này của các bệnh nhân hiện vẫn chưa thể đạt được bởi vướng yếu tố pháp lý và kỹ thuật y tế hiện chưa đủ tiến bộ.
Xét về yếu tố chuyên môn, PGS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên GĐ BV Việt Đức nhận định, kỹ thuật ghép đầu người chưa được thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo PGS Quyết, trên thế giới hiện chỉ có BS Sergio Canavero (Ý) tiến hành nghiên cứu, cấy ghép đầu trong suốt 30 năm qua. Bước đầu, các BS đã thực hiện ghép đầu thành công trên 1.000 con chuột. Chuột sau khi ghép đầu đã thở, nhìn, uống nước nhưng chỉ sống được vài phút. Sau đó, các BS tiếp tục ghép đầu trên khỉ. Con khỉ này sống được 20 giờ nhưng cơ thể bị liệt hoàn toàn do không nối được tủy sống. Tuy nhiên, vị BS này không bỏ cuộc mà vẫn chuẩn bị một ê kíp phẫu thuật gồm hơn 150 người để thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên vào năm 2017.
"Ghép đầu là kỹ thuật rất khó, hiện chưa bác sĩ nào có thể nối thành công tủy sống và dây thần kinh cột sống. Thậm chí, nếu "cố" ghép đầu, cơ thể chắc chắn sẽ gặp phải vấn đề phản ứng thải ghép nghiêm trọng và tìm cách loại bỏ mô ngoại lai xâm nhập từ phần đầu hoặc não bộ" – PGS Quyết phân tích.
Bàn về hệ lụy pháp lý liên quan, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay luật pháp nước ta chưa có bất cứ quy định nào về "hiến đầu" người hay gọi chính xác là ghép thân. Nếu thực hiện hành vi ghép đầu cho bệnh nhân vẫn còn sống, liệu có vi phạm giá trị đạo đức?
Vấn đề tiếp nữa, nếu thực hiện kỹ thuật ghép đầu, nghĩa là đầu của người này, thân của người khác thì con người sau ghép đầu sẽ mang danh ai? Hơn nữa, theo y học, phần đầu hay cơ thể đều có yếu tố gen, di truyền. Khi hệ sinh dục của phần cơ thể người đã chết tiếp tục hoạt động và con cái sẽ mang gen di truyền của người đã chết chứ không phải của phần đầu người đang sống. Đó còn chưa kể các hệ lụy pháp lý kèm theo như tài sản, gia đình, thân nhân, bè bạn, công việc... sẽ được tính cho người có thân hay người có đầu? "Nếu chưa thống nhất được các tranh luận này thì chắc chắn việc giấy tờ pháp lý, chứng minh nhân thân của cơ thể sống sau khi ghép sẽ không thể giải quyết được”, ông Quang nói.
Tâm Thanh