CDC Hà Nội cảnh báo nguy cơ sốt xuất huyết tăng nhanh, kêu gọi người dân chủ động phòng bệnh
(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 11 đến 17/7, toàn thành phố ghi nhận 26 ca mắc sốt xuất huyết tại 19/126 phường, xã, không có trường hợp tử vong. Mặc dù số ca mắc giảm 8 trường hợp so với tuần trước (34 ca), CDC Hà Nội nhận định tình hình dịch có xu hướng gia tăng và đã xuất hiện một số ổ dịch.
Lũy kế từ đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 391 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024 (1.283 ca), số mắc giảm rõ rệt. Tuy nhiên, bệnh nhân đã được ghi nhận rải rác tại 91/126 phường, xã. Kết quả giám sát tại các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng đang ở ngưỡng nguy cơ cao.
Dự báo số ca mắc có thể tiếp tục tăng do Hà Nội đang bước vào thời điểm dịch bệnh có xu hướng bùng phát hàng năm. Đặc biệt, ảnh hưởng của bão số 3 (bão Wipha) gây mưa kéo dài trong những ngày qua tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm một ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Tam Hưng (2 ca mắc). Cộng dồn từ đầu năm 2025, đã ghi nhận 8 ổ dịch, trong đó hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động gồm: Ổ dịch tại Vân Lãng, xã Phú Xuyên (7 bệnh nhân, xác định ngày 4/7); ổ dịch tại Thôn 2 Liên Hiệp, xã Hát Môn (5 bệnh nhân, xác định ngày 8/7); ổ dịch tại N15 khu tập thể Bộ tư lệnh Cảnh vệ, phường Tây Hồ (5 bệnh nhân, xác định ngày 9/7); và ổ dịch tại xã Tam Hưng, Song Khê (2 bệnh nhân, xác định ngày 12/7).
Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 102 ca mắc tay chân miệng tại 50 phường, xã, không có ca tử vong. Con số này tăng 48 ca so với tuần trước (54 ca). Một số khu vực có số mắc cao gồm Hà Đông (11 ca), Từ Liêm (6), Xuân Phương (5), Phúc Lợi (5)...
Lũy kế từ đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 3.202 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024 (1.682 ca). Bệnh nhân phân bố tại toàn bộ 126 phường, xã. Trong tuần không ghi nhận ổ dịch mới và 48 ổ dịch ghi nhận từ đầu năm đến nay đã kết thúc hoạt động. CDC Hà Nội nhận định số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhưng phần lớn là ca bệnh tản phát.
Đối với bệnh sởi, thành phố ghi nhận 12 ca mắc tại 11 phường, xã trong tuần qua, giảm 17 ca so với tuần trước (29 ca). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 4.266 ca mắc sởi tại 125 phường, xã, trong đó có 1 ca tử vong.
Số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2024 (2 ca, không có tử vong). Bệnh nhân phân bố trên nhiều nhóm tuổi, bao gồm: 12,2% dưới 6 tháng; 12,9% từ 6-8 tháng; 7,8% từ 9-11 tháng; 20,2% từ 1-5 tuổi; 13,8% từ 6-10 tuổi; 14,6% từ 11-15 tuổi và 18,6% từ 16 tuổi trở lên.
Trong tuần, Hà Nội cũng ghi nhận 2 ca mắc ho gà tại Hà Đông và Đại Xuyên, không có ca tử vong. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc ho gà trong năm 2025 là 17 ca, không có tử vong, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (193 ca).
Ngoài ra, số ca mắc COVID-19 trong tuần tăng nhẹ với 64 ca được ghi nhận, tăng 33 ca so với tuần trước (31 ca). Cộng dồn từ đầu năm 2025, Hà Nội đã ghi nhận 2.091 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (900 ca). Trong tuần, không ghi nhận ca mắc não mô cầu hay liên cầu lợn.
CDC Hà Nội cho biết trong tuần qua đã tham dự buổi làm việc của Bộ Y tế về công tác kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn. Đơn vị đã tổ chức giám sát dịch tễ các ổ dịch sốt xuất huyết Dengue đang hoạt động tại tổ 12, tổ 13 phường Tây Hồ và thôn 2 Liên Hiệp, xã Hát Môn.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế theo phân cấp, trên hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT và tại cộng đồng nhằm điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.
Đồng thời, đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh, thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo phòng bệnh để người dân chủ động thực hiện, đặc biệt trong mùa mưa bão - thời điểm nhiều dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan.