Cúm A gia tăng bất thường giữa mùa hè

Bài và ảnh: THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bên cạnh nỗi lo về dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng hay biến chủng mới của Omicron gây dịch Covid-19, thời gian gần đây, người dân Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước không khỏi hoang mang, lo lắng khi dịch cúm A gia tăng bất thường trở lại.

Cúm A gia tăng bất thường giữa mùa hè - ảnh 1
Bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho một trường hợp nhập viện điều trị cúm A

Cảnh báo dịch chồng dịch
Theo thông tin của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận 2.065 trường hợp cúm. Nếu như 4 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng ghi nhận dưới 400 ca cúm A, thì từ tháng 5 trở lại đây, số ca mắc có sự tăng dần lên 556 ca trong tháng 5, gần 900 ca trong tháng 6. Tại nhiều bệnh viện như Nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, bệnh viện Thanh Nhàn, đa khoa Đống Đa... số bệnh nhân mắc cúm A nhập viện cũng có sự gia tăng rõ rệt.

Đơn cử tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, liên tiếp trong 2 tuần gần đây ghi nhận hơn 100 ca mắc cúm A tới khám và điều trị, có ngày tiếp nhận cùng lúc 20 bệnh nhân tại khu công nghiệp nhập viện do cúm A. Số bệnh nhân đa phần là người trẻ, trong đó nhóm tuổi 18-49 chiếm 39,7%, nhóm dưới 5 tuổi chiếm 44,1%.

Tại bệnh viện Thanh Nhàn, theo ThS.BS Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp: Thời điểm hiện tại có những ngày đơn vị tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân cúm A vào viện. "Những năm trước dịch cúm A xuất hiện sau sốt xuất huyết nhưng năm nay ghi nhận sự đảo ngược. Sốt xuất huyết ở đây có vài ca nhưng bệnh nhân cúm A lại tăng". Như trường hợp bệnh nhân P.V.M (23 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhập viện khi xuất hiện sốt cao tới 400C, phải truyền nước, truyền kháng sinh để ổn định sức khỏe. 

"Không riêng bệnh nhân M, khá nhiều bệnh nhân mắc cúm A được đưa tới viện điều trị trong tình trạng sốt rất cao không hạ, rất mệt mỏi và có biểu hiện giống như hội chứng cúm thông thường. Nhiều bệnh nhân khi nhập viện đã ít nhiều có tổn thương phổi, có tình trạng của viêm phổi do cúm A hoặc đã diễn biến sang suy hô hấp. May mắn được can thiệp điều trị kịp thời, các bệnh nhân đều có cải thiện tốt, hiện tại chưa ghi nhận các biến chứng rủi ro sau quá trình điều trị cúm A. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, mắc các bệnh lý nền cần có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe phòng trường hợp bị mắc cúm A” - ThS.BS Nguyễn Thu Hường cảnh báo.

Thông tin thêm về tình hình dịch cúm A, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: Thông thường, mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, chủng virus gây cúm A đang lưu hành chủ yếu hiện nay là cúm A/H1N1 và A/H3N2, cúm B (đây là những chủng cúm đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả), chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như: H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. 

Ngành y tế cũng chưa ghi nhận ca tử vong do cúm nhưng số bệnh nhân nhập viện có xu hướng gia tăng. Vì thế, chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám chữa bệnh.

Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất
Lý giải nguyên nhân có sự gia tăng cúm A "trái mùa" trong thời điểm hiện tại, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phân tích: Trong 2 năm dịch Covid-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít. Tuy nhiên sau khi phần nào kiểm soát được Covid-19, người dân lại có tâm lý chủ quan, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay... không còn được tuân thủ nghiêm túc như trước mà lỏng lẻo, thậm chí không thực hiện, dẫn tới cúm A có điều kiện lây lan và gia tăng. 

Dù đến thời điểm này, chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do cúm A, biểu hiện bệnh cũng tương đối nhẹ nhưng người dân tuyệt đối không chủ quan. Thông thường, người mắc cúm A có thể khôi phục sau 5-7 ngày nhưng với trẻ em và người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch bệnh có thể diễn biến nặng nề, dễ chuyển thành ác tính. 
Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số trường hợp có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ. Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, tuy nhiên không gây quái thai.

"Cúm A là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, giống như Covid-19. Để phòng bệnh, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc nơi đông người ở các hội họp đám đông, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang lưu hành. Khi có các triệu chứng nặng người bệnh nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời. Ngoài ra, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là chủ động tiêm vắc-xin phòng cúm, và nên tiêm sớm trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể cần thiết giúp chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm" - ThS.BS Nguyễn Thu Hường khuyến cáo.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.