Dự án Luật Chuyển đổi giới tính:

Đề cao quyền tự quyết của người chuyển giới

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mặc dù quyền được chuyển đổi giới tính đã được ghi tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản luật chuyên ngành quy định chi tiết về vấn đề này. Bởi vậy, Dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 là mong mỏi của nhiều thành viên trong cộng đồng LGBT (những người có giới tính đặc biệt).

Đề cao quyền tự quyết của người chuyển giới - ảnh 1
Còn nhiều thủ tục khiến người chuyển giới băn khoăn để được xã hội công nhận bản dạng giới. Ảnh: ĐSQ Thụy Điển

Thu hẹp phạm vi, đối tượng, nhưng cụ thể hơn
Thông tin tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV) vào ngày 12/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết: “Dự án lần này có sự điều chỉnh thu hẹp phạm vi, nhưng làm rõ hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; điều chỉnh tương đối nhiều về điều kiện, quy trình, thủ tục chuyển đổi giới tính”. 

Đối tượng điều chỉnh dự án Luật tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ. “Nếu xét theo khái niệm bản dạng giới thì quá rộng, còn nhiều vấn đề chưa chín, còn tranh cãi nên khó đạt được sự đồng thuận trong xã hội ở thời điểm này và chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam, cũng như hệ thống pháp luật hiện hành” - đại biểu Nguyễn Anh Trí phân tích.

Cụ thể, trong dự án Luật Chuyển đổi giới tính, điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính được điều chỉnh theo hướng: Giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời. Quy định như vậy nhằm hạn chế sự xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

Vấn đề thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân được điều chỉnh theo hướng: Thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới, thì công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Hội đồng công nhận giới tính do UBND cấp huyện thành lập được thay bằng hội đồng can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho công dân. Đồng thời, bổ sung chính sách quy định công nhận các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật Chuyển đổi giới tính có hiệu lực. 

Về “Thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính”, công dân nộp đơn đề nghị công nhận giới tính đến cơ quan quản lý Nhà nước về hộ tịch cấp huyện. Hồ sơ đề nghị cấp giấy công nhận giới tính mới của công dân gồm: Giấy khai sinh, lý lịch tư pháp; xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân; giấy xác nhận đã can thiệp y học.

Kỳ vọng và trăn trở 
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh bày tỏ nhất trí, ủng hộ ĐBQH Nguyễn Anh Trí trình đề nghị xây dựng Luật; cho rằng dự án Luật này sẽ góp phần thể chế hóa quy định của Hiến pháp, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình.

Về phía cộng đồng người chuyển giới cũng thể hiện sự mong chờ, kỳ vọng dự án Luật Chuyển đổi giới tính sớm được ban hành và đi vào thực tiễn. “Dự án đã thắp lên ngọn lửa hy vọng mới cho người chuyển đổi giới tính được thừa nhận, và tự tin trong hành trình theo đuổi giới tính về mặt pháp lý trên giấy tờ” - M.T- người chuyển giới nữ thuộc nhóm IT'S T TIME - tổ chức do người chuyển giới, đa dạng giới thành lập bày tỏ.

Đánh giá nội dung dự án Luật Chuyển đổi giới tính, những người chuyển giới đồng tình rằng: Về cơ bản, nội dung trong dự án đã đề cao tinh thần tự quyết của người chuyển giới. Tuy nhiên, vẫn còn những điều khoản khiến người chuyển giới lo lắng, băn khoăn. Chẳng hạn, quy định buộc phải can thiệp y tế thì mới được công nhận là chuyển đổi giới tính. Như vậy, Luật sẽ bỏ lại một số đối tượng không có nhu cầu, hoặc không có điều kiện kể cả về kinh tế, sức khỏe mà không can thiệp được. Trong khi đó, hiện nay hệ thống cơ sở y tế thực hiện can thiệp y tế để chuyển đổi giới còn hạn chế, chưa đồng bộ.
Giải trình ngay tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nhận định: Quan điểm chuyển đổi giới tính cần phải can thiệp phẫu thuật, đây là kỹ thuật đã lạc hậu, không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay. Chuyển đổi giới tính thuộc về cảm nhận tự thân, vì giới tính liên quan đến gene và sự can thiệp lớn từ hormone.

Bên cạnh đó, không ít người chuyển giới cũng trăn trở về Hội đồng công nhận giới tính. Họ mong rằng thay vì việc cố định Hội đồng (gồm 1 bác sĩ, 1 chuyên gia tâm lý, 1 bác sĩ tâm thần) là ở cấp huyện hoặc cấp Trung ương, nên chăng để người chuyển giới tự lựa chọn bác sĩ. Tất nhiên bác sĩ này phải là người có bằng cấp và được Bộ Y tế cấp phép. Như vậy bản thân người chuyển giới cũng thấy thoải mái, tin tưởng hơn.

Một quy định nữa là điều khoản liên quan thủ tục được công nhận người chuyển giới: Phải là người độc thân mới được chuyển đổi giới tính. Quy định này sẽ phát sinh hiện tượng những cặp đôi đã từng kết hôn trước đây, bây giờ sẽ phải ly hôn để được công nhận. Điều đó có thể làm phức tạp hơn thủ tục đăng ký với người chuyển giới.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.