Dịch Covid-19 mới đang bùng phát trở lại
(PNTĐ) -Sau một thời gian tạm lắng, những làn sóng dịch Covid-19 mới đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân hàng đầu là sự đột biến của các biến thể phụ có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Không nên chủ quan với các biến thể mới
Các nhà virus học đã bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của một biến thể Omicron lây lan nhanh khác đang nhanh chóng trở thành biến chủng chính ở Ấn Độ và đã lây lan ra nhiều quốc gia khác. Biến thể BA.2.75 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào đầu tháng 5. Biến thể này sau đó đã được phát hiện ở khoảng 10 quốc gia khác, bao gồm Anh, Mỹ, Úc, Đức và Canada. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa biến thể này vào diện "biến thể cần được theo dõi" từ ngày 7/7 bởi khả năng dễ lây lan hơn hoặc gây bệnh nặng hơn ở một số trường hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang theo dõi chặt chẽ biến thể mới, tuy nhiên theo tiến sỹ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của tổ chức này, vẫn chưa có đủ bằng chứng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của biến thể mới. Còn Tiến sỹ Tom Peacock, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London - người đầu tiên xác định Omicron là một biến chủng cần đặc biệt quan tâm hồi tháng 11/2021 cho rằng: “Thật khó để dự đoán ảnh hưởng của các đột biến khi chúng cùng lúc xuất hiện".
Ông lấy dẫn chứng vào thời điểm này năm ngoái, nhiều người tin rằng Delta đã trở thành đại diện cho sự tiến hóa đỉnh cao của virus. Tuy nhiên, biến chủng Omicron xuất hiện đã làm thay đổi tất cả.
Trong bối cảnh biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 khiến số người nhập viện ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ nhanh chóng “triển khai các biện pháp đã được kiểm chứng trong những đợt bùng phát trước như sát khuẩn và đeo khẩu trang, đồng thời, cải thiện hệ thống thông gió cũng như các quy trình xét nghiệm và điều trị.
Ủy ban khẩn cấp của WHO đã xác định đại dịch Covid-19 vẫn là “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm của quốc tế”, mức báo động cao nhất mà WHO có thể phát ra. Cơ quan y tế Liên hợp quốc lần đầu tiên tuyên bố cảnh báo về Covid-19 vào ngày 30/1/2020 - một quyết tâm giúp đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế công cộng quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong khi đó, giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, Michael Ryan thông báo, các trường hợp Covid-19 toàn cầu được báo cáo cho WHO đã tăng 30% chỉ trong hai tuần qua, phần lớn là do các biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron và việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trong xã hội.
Tiêm vắc-xin vẫn là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu
Trong khi Mỹ và châu Âu triển khai các mũi tiêm tăng cường, một số quốc gia bắt đầu kêu gọi cộng đồng tái thực hiện các biện pháp sát khuẩn cũng như đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Châu Á là khu vực có sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm Covid-19 kể từ hồi tháng 6 do sự xuất hiện của các dòng biến thể phụ BA.4 và BA.5 khi khu vực này thực hiện chính sách coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Bất chấp số ca nhiễm bệnh vẫn gia tăng hàng tuần, Chính phủ các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản khẳng định đã sẵn sàng các biện pháp đề phòng trường hợp dịch bệnh vượt tầm kiểm soát.
Nói về tầm quan trọng của vắc-xin phòng Covid-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Vắc-xin đã cứu sống hàng triệu người và điều quan trọng là các chính phủ phải tập trung vào việc thúc đẩy tiêm vắc-xin cho những cộng đồng có nguy cơ cao nhất, song song với việc tìm ra những người chưa được tiêm chủng để từ đó xây dựng được hệ thống miễn dịch cộng đồng hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số của mỗi quốc gia”.