Điều trị thành công bệnh nhân ngừng tuần hoàn do suy hô hấp nặng bằng kỹ thuật ECMO
(PNTĐ) - Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Hữu Nghị vừa điều trị thành công một bệnh nhân suy hô hấp nặng, biến chứng ngừng tuần hoàn, nhờ ứng dụng kỹ thuật Tim phổi nhân tạo (ECMO).
Mới đây, BS Tô Hoàng Dương, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Hữu Nghị), cho biết đơn vị này vừa cứu sống một bệnh nhân suy hô hấp rất nặng, từng trải qua biến chứng ngừng tuần hoàn trong bệnh viện.

Nhờ ứng dụng kỹ thuật ECMO, bệnh nhân đã có sự hồi phục ngoạn mục. "Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, hô hấp và huyết động vững vàng. Bệnh nhân có thể tự ăn uống và đi lại bình thường" - BS Dương thông tin.
Trước đó, rạng sáng 10/1/2025, khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân L.V.L (71 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy qua ống nội khí quản, suy tuần hoàn nghiêm trọng, phải sử dụng thuốc trợ tim và vận mạch liều cao. Bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa phủ tạng, nguy cơ tử vong rất cao.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và hội chẩn toàn viện. Chủ trì buổi hội chẩn, TS.BSCC Nguyễn Thế Anh - Giám đốc bệnh viện, nhận định: "Bệnh nhân bị suy hô hấp do tổn thương phổi cấp, biến chứng ngừng tuần hoàn và suy đa phủ tạng. Hướng điều trị là triển khai kỹ thuật ECMO, lọc máu liên tục, thở máy chế độ chuyên biệt và thực hiện hồi sức toàn diện".
Ngay sau hội chẩn, bệnh nhân được tiến hành kỹ thuật Tim phổi nhân tạo (ECMO) cùng các biện pháp hồi sức chuyên sâu. Trong suốt quá trình điều trị, đội ngũ y bác sĩ theo dõi sát sao từng dấu hiệu sinh tồn.

Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân có những tiến triển rõ rệt, được ngừng ECMO, cai thở máy và tiếp tục phục hồi chức năng hô hấp. Những ngày sau đó, sức khỏe bệnh nhân ổn định và đủ điều kiện xuất viện. Trở lại bệnh viện tái khám theo hẹn, bệnh nhân L.V.L xúc động chia sẻ lòng biết ơn với các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa.
"Kỹ thuật ECMO đã được triển khai tại khoa Hồi sức tích cực từ năm 2021. Nhờ phương pháp này, nhiều bệnh nhân nguy kịch do suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nặng, nhồi máu cơ tim cấp, viêm cơ tim hoặc sốc phản vệ đã được cứu sống kịp thời" - BS Tô Hoàng Dương cho biết.
Thành công của ca bệnh này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của kỹ thuật ECMO trong hồi sức tích cực, giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch, giành lại sự sống.