Dịch Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp:

Hà Nội thêm 31 ổ dịch mới, 2 trường hợp tử vong

Khuê Minh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo thống kê, hiện số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của Hà Nội đã tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đáng nói, nhiều trường hợp chuyển nặng, thậm chí tử vong vì sự chủ quan, phát hiện muộn của người dân.

Hà Nội thêm 31 ổ dịch mới, 2 trường hợp tử vong - ảnh 1
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khám cho trường hợp bệnh nhân SXH      Ảnh: Mai Thanh

4 tuần liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca SXH/tuần
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy, từ đầu năm tới nay, tổng số ca bệnh SXH trên toàn thành phố đã lên tới trên 13.400 ca, (tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021) với hơn 1.000 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc trong 4 tuần gần đây dao động từ 1.200-1.300 ca/tuần, tập trung tại một số xã, phường thuộc một số quận, huyện như: Thanh Oai, Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoàng Mai. 

Trong tuần, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 31 ổ dịch mới tại 14 quận, huyện. Tuýp virus dengue lưu hành đã xác định là DENV1, DENV2, DENV4, gây bệnh ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp trẻ sơ sinh mắc SXH, trong đó trường hợp nhỏ nhất mới 5 ngày tuổi, 2 trường hợp còn lại 7 ngày tuổi và 16 ngày tuổi. Đáng chú ý, trong tuần qua Hà Nội cũng có thêm 2 trường hợp nam giới, độ tuổi 32 và 38 tử vong vì SXH, nguyên nhân là từ sự chủ quan của gia đình và người bệnh, nhập viện muộn nên gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội, thời tiết ẩm thấp hiện nay là điều kiện “lý tưởng” cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ sẽ có thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Vì vậy, việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch là hết sức quan trọng. 

Tại một số quận, huyện sở dĩ vẫn còn ổ dịch SXH diễn biến kéo dài là do công tác phát hiện bệnh nhân muộn, bỏ sót bệnh nhân. Nhiều nơi, người dân chưa hiểu đúng về cách phòng, chống SXH cũng khiến tỷ lệ mắc căn bệnh này gia tăng. Bên cạnh đó, tại một số quận huyện, nhiều người không có ý thức vệ sinh, dọn dẹp môi trường, cảnh quan sạch sẽ. Bệnh SXH là bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị, chính vì vậy việc phòng bệnh là rất quan trọng và cần thiết.

Thăm khám, phát hiện sớm để phòng ngừa lây lan
Để ứng phó với SXH, theo các chuyên gia, trước tiên mỗi người dân, gia đình và các địa phương cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường từ trong gia đình, tại khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch, làm đến đâu sạch đến đó để giảm thiểu, ngăn ngừa tác nhân gây bệnh. Kết hợp làm sạch không gian sống với phun hóa chất xử lý ổ dịch, tăng hiệu quả diệt muỗi.

Đồng thời, do SXH có thể khởi phát theo từng giai đoạn: Từ không có triệu chứng, biểu hiện nhẹ đến nguy kịch, nặng; biểu hiện của SXH rất dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt do căn nguyên khác (cúm A, B, virus hợp bào hô hấp - Rsv… trong những ngày đầu của bệnh); biểu hiện lâm sàng của SXH cũng không đặc hiệu… nên người dân cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm (sốc), để nhanh chóng nhập viện và can thiệp kịp thời, giảm nguy cơ tử vong. Việc thăm khám, phát hiện SXH sớm còn giúp ngăn ngừa sự lây lan ra cộng đồng, tránh những tổn hại về kinh tế cũng như sức khỏe khi mắc bệnh.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc SXH. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận, thậm chí suy đa tạng phải lọc máu.

PGS Cường cũng khuyến cáo, SXH trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà, người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt. 

“Tuy nhiên nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện” - PGS.TS Đỗ Duy Cường phân tích.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...